“Bóng đá Việt Nam có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển”

19:13 Chủ nhật 20/01/2013

Có mặt ở Việt Nam từ hôm qua nhằm tìm hiểu về bóng đá Việt Nam, cũng như bàn thảo các điều khoản trong hợp đồng với VPF, sáng 20/1/2013, chuyên gia Kazuyoshi Tanabe đã trả lời về bóng đá Việt Nam và về công việc sắp tới tại VPF.

Nhật Bản đánh giá cao bóng đá Việt Nam

Nhiều người thắc mắc là tại sao ông lại nhận lời với VPF và làm việc cùng bóng đá Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam vì tôi thấy các bạn là đất nước có nhiều người trẻ, năng động, có tiềm năng phát triển. Đây là sự lựa chọn cho tương lai, để tôi có dịp hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Khi đến đây, tôi đã xem 1 trận đấu tập giữa 1 đội bóng đang đá tại V-League và 1 đội hạng dưới (trận ĐT Long An – CS.Đồng Tháp) và 1 trận đấu giữa các cầu thủ trẻ (U.16 PVF – U.16 ĐT Long An). Nhìn chung, cảm nhận ban đầu của tôi là các bạn có tiềm năng. Nếu có lộ trình và có sự đoàn kết, bóng đá Việt Nam sẽ phát triển.

Chuyên gia Kazuyoshi Tanabe tin tưởng mang đến những nét tích cực cho bóng đá Việt Nam

Sau những trận đấu mà ông xem, ông có thấy bóng đá Việt Nam khác biệt với bóng đá Nhật Bản?

Khi tôi đến sân Long An hôm qua, sân đấu của một CLB đang đá tại V-League, tôi cho rằng cơ sở vật chất nên được cải thiện. Khi tôi ở sân Thành Long hôm nay, sân dành cho việc tập luyện của các cầu thủ trẻ, tôi lại ngạc nhiên khi thấy rằng cơ sở vật chất lại quá tốt. Có nghĩa là tôi chưa tìm hiểu kỹ, tôi cần có thêm gian tìm hiểu nhiều hơn trước khi đưa ra kết luận. Năm ngoái, tôi có xem đội U.16 Thái Lan thi đấu. Tôi cho rằng với những gì mà các cầu thủ U.16 PVF thực hiện, tương lai của bóng đá Việt Nam có thể vượt Thái Lan.

Còn về công việc tại VPF, ông hình dung ông sẽ điều hành giải V-League như thế nào, nếu chính thức làm việc tại đây?

Tôi có nắm thông tin từ nhiều nguồn, cơ bản tôi có biết về bóng đá Việt Nam trước đây. Nhưng khi chưa biết thật nhiều thông tin về V-League, tôi chưa đánh giá được. Các bạn có biết rằng người Nhật chúng tôi đánh giá rất cao người Việt các bạn. Ở đâu cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh, bóng đá Nhật cũng vậy thôi. Điều quan trọng là phải phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu. Tôi muốn V-League phải thật hay, thật đẹp để khán giả đến sân thật đông.

Vậy ông có cảm thấy bị áp lực với sự chưa chuyên nghiệp nói chung của bóng đá Việt Nam?

Mỗi người mỗi suy nghĩ khác nhau. Với người Nhật, bóng đá là một đại gia đình, là một cộng đồng. Sự phát triển bóng đá cần có sự chung tay từ cơ quan quản lý bóng đá như VFF, VPF, từ mọi người có liên quan. Tôi không nghĩ rằng sự thiếu chuyên nghiệp sẽ cản trở tôi trong công việc. Tôi tin mọi người sẽ ủng hộ tôi, nếu tôi giúp bóng đá Việt Nam phát triển.

Tôi lấy ví dụ từ bóng đá Trung Quốc. Nước này có dân số đông nhất thế giới, nhưng bóng đá Trung Quốc thì không mạnh, vì tôi có cảm giác rằng ở Trung Quốc, bóng đá chỉ phục vụ một nhóm nhỏ. Tôi muốn bóng đá Việt Nam phải khác, phải phục vụ số đông người hâm mộ.

Các CLB không thể phụ thuộc vào một ông bầu

Một trong những vấn đề sống còn với bóng đá Việt Nam là tài chính, ông sẽ làm gì để cại thiện tài chính cho các CLB?

20 năm làm việc ở J-League cho tôi kinh nghiệm rằng các đội bóng không thể phụ thuộc vào 1 ông bầu. Với các CLB Nhật, mỗi đội có đến 5 - 6 nhà tài trợ, họ còn gắn kết với địa phương để địa phương hỗ trợ họ. Khi kinh tế khó khăn, nếu 1 nhà tài trợ gặp khó thì đội bóng vẫn tồn tại nhờ các nhà tài trợ khác và không đến nỗi bị mất tên.

Theo ông thì bóng đá Việt Nam cần học gì từ bóng đá Nhật Bản?

Tôi không dám nói như vậy, vì mỗi đất nước có lịch sử khác nhau. Bóng đá cũng gắn liền với kinh tế xã hội. Các bạn chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của chiến tranh. Những năm tới đây, khi kinh tế của Việt Nam phát triển, điều kiện xã hội tốt hơn, bóng đá sẽ phát triển tốt hơn bây giờ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nền bóng đá phát triển sau có cơ hội rất tốt để học hỏi những cái hay của các nền bóng đá phát triển trước. Ở Nhật Bản cũng vậy thôi, chúng tôi phải học rất nhiều để được như bây giờ.

Vậy kế hoạch của ông với bóng đá Việt Nam là gì, thưa ông?

Cái này thì phải tìm hiểu thật kỹ, trước khi chia ra các mục tiêu và các vấn đề cần giải quyết trong từng giai đoạn. Tôi phải tìm hiểu về VFF, về VPF, về các CLB, công tác đào tạo trẻ… trước khi đưa ra những kế hoạch chi tiết. Tôi hy vọng là 3 năm sau tôi sẽ nói được tiếng Việt.

Khi nào thì ông bắt đầu công việc tại VPF?

Chúng tôi vẫn còn đang đàm phán, cá nhân tôi rất muốn làm việc với bóng đá Việt Nam, tôi thích thức ăn Việt Nam. Các bạn có thể cho tôi ăn phở bò hay phở gà cả tháng cũng được. Tôi biết VPF cũng muốn chốt lại các vấn đề có liên quan đến hợp đồng càng sớm càng tốt. Quan trọng là tìm được tiếng nói chung, nhìn thấy nhiệt huyết của các bên, chứ các điều khoản về tài chính chỉ là chuyện nhỏ.

Xin cám ơn ông!
Trọng Vũ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục