Bầu Hiển và bầu Đức đối đầu như nước với lửa

15:45 Thứ ba 21/04/2015

Bầu Hiển và bầu Đức chưa bao giờ tuyên bố trực diện không ưa nhau, nhưng những hành động của 2 ông chủ quyền lực này trên sân cỏ Việt Nam cho thấy họ không cùng "chiến tuyến".

So với bầu Đức, bầu Hiển thuộc thế hệ thứ hai của trào lưu những doanh nhân đầu tư vào bóng đá. V.League thuở mới khai sinh đầu những năm 2000 gắn liền với tên tuổi của bầu Đức, bầu Thắng… cùng với quá trình chuyển đổi từ mô hình bóng đá quốc doanh sang bóng đá doanh nghiệp.

Khoảng hơn nửa thập kỷ sau, bóng đá Việt Nam đón nhận thêm luồng tiền khổng lồ từ những doanh nhân như bầu Hiển, bầu Trường hay bầu Thụy… tương ứng là những thay đổi mạnh mẽ về chế độ dành cho đội ngũ HLV và cầu thủ.

Bầu Đức là một trong những doanh nhân đầu tiên đầu tư vào bóng đá Việt Nam và góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ bóng đá quốc doanh sang bóng đá doanh nghiệp.

Chứng kiến cuộc đua tiền tại V.League mà bầu Hiển là một trong những “lá cờ đầu”, bầu Đức từng lên tiếng thách thức: “Cách làm như vậy phá nát bóng đá Việt Nam. Tôi chống mắt ngồi coi họ đua tiền đến bao giờ”.

Khi phát ngôn điều này, ông chủ của HAGL dựa vào những trải nghiệm của chính mình trong lĩnh vực bóng banh. Thành công của đội bóng phố núi với 2 chức vô địch V.League 2003, 2004 xuất phát từ việc bầu Đức không tiếc tiền để chiêu mộ các ngôi sao của bóng đá Việt Nam và khu vực để tạo nên “dải thiên hà” ở Pleiku.

Nhưng rất nhanh chóng sau đó, một doanh nhân sành sỏi như bầu Đức nhận ra đấy không phải là cách làm căn cơ. Nên ông chuyển hướng sang bắt tay với CLB Arsenal và Học viện JMG để làm bóng đá bài bản, từ nền tảng đào tạo cầu thủ trẻ.

Bầu Hiển đáp lại bằng quan điểm quá trình xã hội hóa nền bóng đá không thể thiếu nguồn tài chính dồi dào từ các doanh nghiệp. Và một khi những ông bầu đi trước từng thành công bằng công thức tiền bạc đổi lấy danh hiệu, không ai có thể ngăn cấm bầu Hiển thực hiện lại điều đó.

Thành công nhanh chóng của ông chủ Tập đoàn T&T trong lĩnh vực bóng đá vô tình biến ông thành “cái gai” trong mắt “quyền lực cũ” ở V.League. Mùa giải 2010, Hà Nội T&T đăng quang ngôi vô địch sớm một vòng đấu, nhưng ở trận cuối cùng đá với HAGL, bầu Đức vẫn xua quân “đá chết bỏ” để dằn mặt đội bóng thủ đô bằng tỷ số 4-1.

Bầu Hiển bắt tay vào làm bóng đá muộn nhưng nhanh chóng thu được thành công.

Năm 2011, tại Hội nghị thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), bầu Đức từng chỉ mặt một thành viên của Hà Nội T&T là “phá đám”. Trước đó, nhân vật này bỏ phiếu chống và chất vấn hội nghị về việc các ông chủ CLB cũng tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty nắm quyền điều hành nền bóng đá.

Vài ngày sau, bầu Hiển đăng đàn phản pháo: “Các ông bầu nên nói ít thôi và tập trung vào những việc thiết thực”. Kịch bản chung của những lần đối đầu giữa bầu Đức và bầu Hiển trong lĩnh vực bóng đá là ông chủ của HAGL chọn "đấu pháp" tấn công trực diện như lối chơi của Công Phượng, Tuấn Anh trên sân cỏ. Còn bầu Hiển khôn khéo phòng ngự và phản công sắc bén, giống như phong cách thi đấu kinh nghiệm và bản lĩnh của Hà Nội T&T.

Cả bầu Đức và bầu Hiển đều thuộc tuýp ưa hành động, nên những cuộc đối đầu giữa HAGL và Hà Nội T&T vô tình đã trở thành nơi thỏa mãn “thú vui” mang tên danh dự của các đại gia.

Sau khi bị HAGL “dằn mặt” tại V.League 2010, Hà Nội T&T trả đũa bằng "ván tennis" 6-1 trên sân Hàng Đẫy ở mùa giải kế tiếp. Sau khi vùi dập đối thủ, bầu Hiển hả hê huy động đầy đủ tướng sĩ đi ăn khao ở một nhà hàng sang trọng nằm bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội.

Bước sang V.League 2012, một trong những lý do khiến đội bóng Thủ đô vuột mất chức vô địch là bởi HAGL đã đóng vai “cảm tử quân” ở vòng đấu áp chót. Sau bàn thắng ấn định tỷ số 3-1 trước Hà Nội T&T trên sân Hàng Đẫy vòng 25, ông Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh của đội bóng phố núi đã chạy ra đường pitch ăn mừng như thể vừa giành ngôi vô địch. Vì hành động có phần quá khích này, ông Tấn Anh đã bị “mời” lên khán đài ngồi.

Sự xuất hiện của lứa cầu thủ Công Phượng là chất xúc tác hâm nóng đại chiến HAGL - Hà Nội T&T.

Tất nhiên, cả bầu Hiển và bầu Đức đủ tỉnh táo để không đưa “sự không ưa nhau” vượt ra khỏi phạm vi sân cỏ. Khó khăn kinh tế 3-4 năm qua cũng khiến họ phải tập trung hơn cho công việc kinh doanh. Những cuộc đối đầu giữa Hà Nội T&T và HAGL phần nào cũng bớt đi tính nóng bỏng, khi 2 ông chủ không còn những lời tuyên chiến làm tăng nhiệt độ trận đấu cả tuần trước đó.

Nhưng với sự xuất hiện của lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh tại V.League 2015, độ máu mê của bầu Đức đã quay trở lại cùng với tình cảm yêu quý ông dành cho các học viên khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG. Đã lâu lắm, ông chủ đội bóng phố núi mới lại ngồi trong khu vực kỹ thuật, chỉ đạo cầu thủ thi đấu ở cuộc đọ sức với Đồng Nai tại vòng 10.

Đại chiến Hà Nội T&T và HAGL vì thế sẽ lại được hâm nóng, khi bên kia chiến tuyến là những gương mặt con cưng của bầu Hiển như Thành Lương, Văn Quyết… cùng với quyết tâm, họ có thể thua ai chứ không thua HAGL.

Hoàng Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục