9 sự thật ngạc nhiên về các CLB hàng đầu châu Âu

23:22 Thứ bảy 13/12/2014

Lật lại từng trang lịch sử của các CLB hàng đầu châu Âu, người hâm mộ đôi lúc sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên bởi những câu chuyện chứa đựng trong đó.

1. Real Madrid được sáng lập bởi người Catalan

Real - Barca vẫn luôn được xem là hai kẻ thù không đội trời chung nhưng khá ngạc nhiên khi người sáng lập nên đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha lại là hai anh em đến từ xứ Catalan, Carlos Padros Rubio và Juan Padros Rubio. Ban đầu, cả hai chỉ đến Madrid để lập nghiệp và mở một cửa hàng buôn bán tại con phố sầm uất Calle de Alcala. Sau đó, do niềm đam mê với trái bóng, Carlos và Juan đã cùng nhau thành lập nên Real Madrid. Juan cũng chính là vị chủ tịch đầu tiên của đội chủ sân Santiago Bernabeu.
2. Anfield từng là sân nhà cũ của Everton

"This is Anfield", câu nói nổi tiếng vẫn luôn được người hâm mộ nhắc đến mỗi khi nhớ về SVĐ huyền thoại của CLB Liverpool. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, Anfield ban đầu lại là sân nhà của đội bóng kình địch với The Kop tại Merseyside, Everton. Trong giai đoạn từ 1884 đến 1892, Everton thuê sân Anfield và xem đây là sân nhà của mình. The Toffees cũng từng giành chức vô địch quốc gia đầu tiên của mình tại Anfield (mùa giải 1890/91). Do những tranh chấp giữa vị chủ tịch John Houlding và các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo Everton, kể từ mùa hè 1892, đội bóng này quyết định chuyển sang thi đấu tại SVĐ mới Goodison Park cách đó không xa. Trong khi người ở lại, John Houlding cũng một tay thành lập nên Liverpool và từng bước biến Quỷ đỏ thành một thế lực tại giải đấu cao nhất của xứ sở sương mù.
3. Barcelona, FC Basel và FC Zurich cùng do 1 người sáng lập

Vào năm 1893, Joan Gamper thành lập đội bóng lấy tên FC Basel do chính ông làm đội trưởng. Sau đó ít lâu, ông cũng là một trong những thành viên đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lên CLB FC Zurich. Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của vị cố huyền thoại người Thụy Sỹ chính là sáng lập lên đội bóng danh tiếng, FC Barcelona. Năm 1898, trong một dịp đến thăm người chú ở Barcelona, Gamper đã nảy sinh tình yêu với thành phố này và quyết định ở lại lâu hơn so với kế hoạch. Đến 29/11/1899, ông chính thức thành lập FC Barcelona và thi đấu trong màu áo đội bóng xứ Catalan từ 1899 đến 1903 trước khi trở thành chủ tịch CLB vào 1908. Chính vì đồng sáng lập nên Basel và Barcelona mà màu áo truyền thống của hai đội bóng này có nhiều nét tương đồng.
4. Inter được thành lập vì AC Milan không có chỗ cho các ngoại binh

AC Milan được thành lập vào năm 1899 bởi 2 người Anh và không chỉ thi đấu bóng đá mà còn chơi cả cricket. Đến tháng 3/1908, một nhóm nhỏ của đội chủ sân San Siro quyết định tách ra thành lập đội bóng mới lấy tên "Internazionale" (hay vẫn thường gọi là Inter Milan dù đây không phải tên chính thống). Sở dĩ đội bóng xanh-đen được sáng lập là do khi ấy, AC Milan không chấp nhận thâu nạp những cầu thủ ngoại quốc, trong khi cái tên đã đủ cho thấy Inter sẵn sàng chiêu mộ bất cứ cầu thủ nào, miễn có tài.
5. Nội chiến Real Madrid tại chung kết cúp Quốc gia Tây Ban Nha

Một chuyện hy hữu trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha diễn ra tại trận chung kết cúp Quốc gia mùa giải 1979/80. Đội hình hai của Real Madrid, Real Castilla bất ngờ đánh bại những đối thủ mạnh hơn như Athletic Bilbao, Real Sociedad và Sporting Gijon để thẳng tiến đến trận tranh ngôi vô địch với chính đội một Real Madrid. Cuộc nội chiến sân Bernabeu đã diễn ra trong không khí hòa nhã với phần thắng đậm 6-1 nghiêng về đội một. Ở mùa giải tiếp theo, Real Castilla được tham dự cúp C2 nhưng họ bị loại ngay ở vòng đầu tiên bởi West Ham. Đến mùa 1990/91, LĐBĐ Tây Ban Nha mới quyết định ban hành lệnh cấm đội hình hai của các đội bóng tham dự những giải đấu cúp chính thức.
6. Vé thăng hạng mờ ám của Arsenal

Mùa giải 1919/20, giải VĐQG Anh (tiền thân của Premier League) tiến hành nâng tổng số đội bóng tham dự từ 20 lên 22 đội. Dù chỉ kết thúc giải hạng Hai 1914/15 (quãng thời gian sau đó bị gián đoạn bởi chiến tranh thế giới thứ nhất) ở vị trí thứ 5 song Arsenal vẫn bất ngờ giành 1 suất lên chơi tại giải đấu cao nhất của xứ sở sương mù bên cạnh 2 đội bóng vô địch và á quân là Derby County và Preston North End. Cho đến nay, rất nhiều ý kiến cho rằng chủ tịch của The Gunners khi đó, Sir Henry Norris đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình cũng như những đồng tiền hối lộ để giành vé thăng hạng.
7. Tỷ phú Roman Abramovich muốn mua Tottenham chứ không phải Chelsea

Dưới sự đầu tư không tiếc tay của ngài tỷ phú Roman Abramovich, Chelsea lột xác từ một đội bóng thường thường bậc trung thành một thế lực thực sự tại Premier League cũng như châu Âu. Chứng kiến đối thủ cùng thành phố lên tầm đại gia, các CĐV Tottenham có lẽ đang tiếc hùi hụi bởi thời điểm Abramovich chuẩn bị mua Chelsea (2003), vị tỷ phú người Nga từng có ý định đầu tư vào Spurs. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của cựu HLV tuyển Anh, Sven-Goran Eriksson (nếu muốn vô địch Premier League với Chelsea chỉ cần thay máu nửa đội hình còn với Tottenham thì phải thay cả), ông đã thay đổi quyết định ban đầu.
8. Chỉ 5 đội bóng được giữ chiếc cúp C1/Champions League nguyên bản

Chiếc cúp C1/Champions League danh giá luôn là đích hướng đến của những CLB hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vô địch chỉ được nhận bản sao thay vì chiếc cúp nguyên bản. Kể từ năm 2009, UEFA chính thức không trao chiếc cúp gốc cho các CLB đăng quang dù đội bóng đó đạt được 1 trong 2 điều kiện: Vô địch 5 lần hoặc vô địch 3 lần liên tiếp. Với quy định mới của UEFA, chỉ có 5 đội bóng, bao gồm Real Madrid (sau chức vô địch thứ 6 vào năm 1966), Ajax Amsterdam (sau chức vô địch thứ 3 liên tiếp vào năm 1973), Bayern Munich (sau chức vô địch thứ 3 liên tiếp vào năm 1976), AC Milan (sau chức vô địch thứ 5 vào năm 1994) và Liverpool (sau chức vô địch thứ 5 vào năm 2005) có vinh dự được mang chiếc cúp nguyên bản về phòng truyền thống.
9. Sir Matt Busby từng chơi cho 2 kình địch lớn nhất của M.U

Sir Matt Busby là một trong những HLV thành công nhất xuyên suốt chiều dài lịch sử của M.U. Dưới triều đại của chiến lược gia huyền thoại người Scotland, Quỷ đỏ đã giành được rất nhiều vinh quang, trong đó đáng chú ý có 5 chức VĐQG (tương đương Premier League), 2 cúp FA và 1 cúp C1. Tuy nhiên, khi còn theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số, Sir Matt Busby lại từng chơi cho cả hai đội bóng được xem là kình địch nhất với M.U là Man City (1928 - 1936: ra sân 204 trận và ghi 11 bàn thắng) và Liverpool (1936 - 1941: 3 bàn/115 trận).
Thành Quảng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục