‘Chelsea Việt Nam’ và 7 phi vụ bom tấn thành bom xịt

14:56 Thứ tư 22/10/2014

Đưa về Công Vinh, không phải lần đầu tiên lãnh đạo CLB Bình Dương phớt lờ ý kiến chuyên môn khi chiêu mộ cầu thủ dù từng phải trả những cái giá rất đắt trước đó.

Lee Nguyễn

Trước thềm mùa giải 2011, bất chấp hàng tiền vệ của Bình Dương đang chơi rất hay với sự xuất sắc của công thần Philani, ban lãnh đạo đội bóng đất Thủ vẫn quyết định chiêu mộ tiền vệ Việt kiều Mỹ với mức phí lót tay khoảng 200.000 USD/năm cùng mức lương 10.000 USD/tháng chưa kể những tiện nghi đi kèm như biệt thự, xe hơi đưa đón… Dù thi đấu không tồi nhưng cũng khó có thể nói Lee Nguyễn là bản hợp đồng thành công của Bình Dương. Anh đã nói lời chia tay chỉ sau một mùa giải.

Leandro

Cũng trong mùa giải 2011, dù khu trung tuyến đã trở nên rất chật chội với sự góp mặt của nhiều ngôi sao và vấn đề của Bình Dương được chỉ ra là thiếu một tiền đạo đẳng cấp, "Chelsea Việt Nam" vẫn trả 200.000 USD phí lót tay và mức lương khủng 20.000 USD/tháng để đưa "King Lean" về Thủ Dầu Một. Cái kết của Leandro tại Bình Dương quả đáng thất vọng so với những gì người ta kỳ vọng ở anh.

Joseph Nwafor

Với cái mác từng chơi cho CLB Panathinaikos (Hy Lạp) tại Champions League và được định giá tới cả triệu USD trên sàn quốc tế, Joseph Nwafor khiến các nhà làm bóng đá ở Bình Dương không chút đắn đo móc túi 200.000 USD phí lót tay. Nhưng chỉ sau lượt về V.League 2011, sự thất vọng lên đến đỉnh điểm với đôi chân quá "gỗ" của cầu thủ người Nigeria khiến Bình Dương vội bỏ của chạy lấy người. Nhưng Joseph Nwafor cùng người đại diện của anh chứng tỏ họ không phải tay mơ khi dọa kiện đội bóng đất Thủ khiến lãnh đạo CLB phải cắn răng chi trả nốt khoản tiền còn lại của nửa năm hợp đồng.

Nguyễn Hoàng Helio

Sau chức vô địch V.League 2011 cùng SLNA và việc có thêm tấm hộ chiếu Việt Nam, giá chuyển nhượng của hậu vệ gốc Brazil tăng chóng mặt. Trước thềm mùa giải 2012, Nguyễn Hoàng Helio chuyển về Bình Dương với mức phí 8 tỷ cho bản hợp đồng có thời hạn 1 năm và kết quả cũng là một phi vụ bom tấn thành bom xịt.

Nguyễn Việt Thắng

Ở đoạn cuối sự nghiệp nhưng Việt Thắng vẫn kiếm được phí lót tay 9 tỷ đồng/3 mùa cùng mức lương 50 triệu/tháng khi chuyển về Bình Dương từ Ninh Bình năm 2012 nhờ được lòng lãnh đạo. Nhưng khi chỉ chơi cho Bình Dương chưa đầy nửa mùa, anh đã bị đem cho ĐTLA mượn do thể lực và phong độ không đảm bảo.

Phan Văn Santos

Ở độ tuổi ngoài 30 và đã trở nên nặng nề, chậm chạp nhưng rất khó hiểu là thủ môn gốc Brazil vẫn kiếm được phí lót tay khủng cùng mức lương 8.000 USD/tháng ở Bình Dương. Hậu quả là lại thêm một phi vụ hớ nữa của đội bóng đại gia phương Nam.

Bùi Tấn Trường

Phong độ sa sút cả trong màu áo CLB lẫn đội tuyển Việt Nam, bị CLB Sài Gòn Xuân Thành thanh lý hợp đồng sau những sai sót khó tha thứ nhưng lãnh đạo Bình Dương vẫn nhắm mắt chiêu mộ Tấn Trường chỉ vì thương hiệu của anh trong quá khứ. Thủ môn người Đồng Tháp hiện đóng vai đời thừa ở Bình Dương.

Dấu hỏi Lê Công Vinh

Tổng giám đốc Cao Văn Chóng của CLB Bình Dương cho biết lý do chiêu mộ Công Vinh bởi anh là cầu thủ giỏi, tác phong chuyên nghiệp và sở hữu kinh nghiệm quốc tế phong phú. Mặt khác, vụ chuyển nhượng Công Vinh còn hướng đến nhiều mục đích khác nằm ngoài chuyên môn như việc quảng bá hình ảnh của "Chelsea Việt Nam". Tuy vậy, HLV Lê Thụy Hải thẳng thừng nói rằng ông không đồng tình với quyết định này vì nó có thể gây ra những xáo trộn không cần thiết làm ảnh hưởng đến thành tích của CLB. Một trong những nguyên nhân khiến Bình Dương lận đận suốt hơn nửa thập kỷ kể từ chức vô địch năm 2008 đến chức vô địch năm 2014 chính là việc chiêu mộ ồ ạt các ngôi sao nhưng không xây dựng được thành một tập thể đoàn kết. Ý kiến chuyên môn của các HLV hầu như không có tiếng nói quyết định một khi lãnh đạo "Chelsea Việt Nam" quyết chiêu mộ cầu thủ họ yêu thích.
Hoàng Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục