Xuất khẩu cầu thủ Việt: Bổ sung chất lượng cho ĐTQG

13:21 Thứ tư 16/12/2015

(TinTheThao.com.vn) – Những cầu thủ được tạo điều kiện đi chơi bóng ở nước ngoài khi trở về sẽ là sự bổ sung chất lượng vào đội hình của tuyển quốc gia. Đó cũng là nhịp cầu mà bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản đã và đang vươn mình ra thế giới trong những năm qua.

Bóng đá Việt Nam xác định học tập mô hình đào tạo và phát triển dựa vào hai nền bóng đá tiên tiến trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. VFF có cam kết hợp tác toàn diện với JFA (LĐBĐ Nhật Bản), còn VPF vừa có chuyến công tác ở các CLB K-League của Hàn Quốc. Cũng từ đây, nền bóng đá nước nhà có cơ hội tiếp cận và tìm ra những điểm mạnh yếu của riêng mình.

Công Phượng là cầu thủ đặc biệt và nếu được tiếp cận các nền bóng đá tiên tiến thì khả năng của cầu thủ này còn phát triển hơn nữa. Ảnh: Đình Viên.

Đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu

Không phải ngẫu nhiên mà HAGL định hướng cho những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường qua Hàn Quốc, Nhật Bản thi đấu và trở về phục vụ đất nước. Nên nhớ rằng, ở hai nền bóng đá tiên tiến này, họ cùng từng có những chiến dịch xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu với mục đích tương tự để rút ngắn khoảng cách với bóng đá thế giới thông qua những cầu thủ của mình.

Cả hai nước Đông Á này đều đã có những bước tiệm cận các nền bóng đá lớn. Sau thành tích ở World Cup 2002 của cả Hàn và Nhật, bóng đá của họ phát triển một cách bài bản và nhanh chóng định hình được thực lực trên bản đồ bóng đá thế giới. Phần lớn trong số đó là nhờ một cơ số nhiều các cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu trở về khoác áo ĐTQG.

Hàn Quốc trước đây nổi tiếng với Park Jisung của Man United, giờ có cầu thủ châu Á có giá trị chuyển nhượng kỷ lục Son Heungmin (Tottenham) với 30 triệu euro. Nói đến Nhật Bản là phải kể đến Shinji Kagawa cũng từng khoác áo “Quỷ đỏ”. Và chưa kể cả trăm tài năng khác đang thi đấu khắp 5 giải đấu lớn tại châu Âu. Sự tiếp thu của các cầu thủ này sẽ được phát huy khi họ trở về thi đấu cho quê hương.

Nâng cao chất lượng ĐTQG Việt Nam

Đối với nền bóng đá đang ở vùng trũng như Việt Nam, chúng ta chưa cần phải nhắm tới những cái đích xa vời như World Cup, Olympic. Nhưng để chinh phục được những nấc thang trong khu vực từ nhỏ đến lớn cũng cần một lộ trình và cách thức như cách người Hàn và Nhật đưa đất nước của họ ra thế giới. Chính là việc tạo điều kiện cho cầu thủ có tiềm năng ra nước ngoài thi đấu.

Bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vượt bậc nhờ lứa cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu. Ảnh: Đình Viên.

“Để nâng cao chất lượng ĐTQG, đây là công việc của các nhà lãnh đạo bóng đá nước nhà, của những ông chủ, những người có đủ năng lực và tài chính để xây dựng những học viện, trung tâm bóng đá. Ở đó, họ sẽ tạo ra môi trường bóng đá toàn diện, tạo điều kiện cho cầu thủ phát triển khả năng.” – Chuyên gia Nguyên Văn Vinh nói sau buổi lễ Yokohama FC ký hợp đồng với Tuấn Anh.

Ở giải đấu quốc gia như V-League, chúng ta chấp nhận sự có mặt của ngoại binh để nâng tầm chất lượng giải đấu và tăng tính cạnh tranh cho cầu thủ nội. Chúng ta từng xôn xao, bàn luận về việc có nên đưa cầu thủ nhập tịch vào ĐTQG hòng nâng cao thành tích hay không. Tất cả cũng chỉ mang tính cơ hội, chụp giật và không đạt hiệu quả cao.

Hiện tại, dù chỉ có mỗi học viện của CLB HAGL là có lộ trình xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài học tập và thi đấu, nhưng với mô hình phát triển và đào tạo bài bản này, mong rằng những trung tâm bóng đá khác cũng có định hướng như vậy. Như cách mà ông Vinh nhận định về chuyến “du học” của Tuấn Anh:

“Chuyến đi của Tuấn Anh chắc chắn sẽ thu lại những kết quả tốt. Rõ ràng là những nền bóng đá có tầm cao như Hàn và Nhật sẽ tạo ra môi trường thi đấu, đặc biệt văn hóa khác nhau, tiên tiến thì chúng ta chỉ có lợi, lợi rất nhiều về sau này. Tôi tin là sẽ không chỉ có 3 cầu thủ của HAGL, mà còn nhiều cầu thủ khác nữa.”

Quang Thịnh | 13:10 16/12/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục