Xuân Vinh và cái "dớp" tuột vàng phút cuối tại ASIAD

16:06 Thứ sáu 26/09/2014

(TinTheThao.com.vn) - Cùng với thất bại của Hoàng Xuân Vinh ở nội dung 25m súng ngắn ổ quay sáng ngày 26/9, bắn súng Việt Nam đã khép lại hành trình tại sân chơi châu lục mà không giành được tấm HCV nào.

Ký ức Quảng Châu

ASIAD 16 cách đây đúng 4 năm tại Trung Quốc có lẽ là kỳ đại hội khó quên nhất trong sự nghiệp của Xuân Vinh và cả BHL đội tuyển bắn súng. Ở nội dung 25m súng ngắn ổ quay, Xuân Vinh thi đấu cực tốt, dẫn đầu xuyên suốt trong phần lớn thời gian của cuộc thi. Thậm chí, trước lượt bắn cuối cùng HCV gần như đã nằm chắc trong tầm tay xạ thủ sinh năm 1974, bởi anh dẫn đối thủ bám đuổi là một xạ thủ người Hàn Quốc tới 4 điểm trước lượt bắn cuối. 

Xuân Vinh từng tuột vàng trong gang tấc ở Quảng Châu 2010. Ảnh: Internet.

Điều đó có nghĩa là chỉ cần bắn được 7 điểm (số điểm ở mức tương đối) là Xuân Vinh sẽ bước lên bục vinh quang. Dù vậy, trong thể thao bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Và không may nó lại rơi vào trường hợp của xạ thủ người Hà Nội.

Khi tấm HCV đang rất gần tầm với, Xuân Vinh giương súng lên và chưa kịp ngắm thì tiếng nổ đã vang lên, đạn đi chệch bia đồng nghĩa với việc anh không ghi được điểm nào. Từ chỗ dẫn đầu, "viên đạn định mệnh" do áp lực tâm lý đè nặng đã khiến anh tụt xuống tận vị trí thứ 13 chung cuộc. Trong tích tắc, xạ thủ VN mất tất cả.

Nỗi buồn Incheon

Tính tới trước khi những nội dung cuối cùng của môn bắn súng diễn ra sáng 26/9, Xuân Vinh chỉ giành được duy nhất 1 chiếc HCĐ... đồng đội ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Đây được xem là nỗi thất vọng với xạ thủ 40 tuổi.

Không thể giành quyền vào chung kết 10m súng ngắn hơi nam dù từng vô địch thế giới năm 2013, tuột luôn huy chương 50m súng ngắn bắn chậm, Xuân Vinh bước vào ngày thi đấu cuối cùng với toàn bộ hy vọng được dồn vào nội dung 25m súng ngắn ổ quay.

Đến Incheon, anh một lần nữa không vượt qua được cái "dớp" trắng tay. Ảnh: Internet.

Mọi chuyện dường như suôn sẻ với Xuân Vinh trên hành trình chinh phục "vàng" cho TTVN. Kết thúc lượt bắn chậm, anh dẫn đầu với 294 điểm, hơn đối thủ bám đuổi người Ấn Độ 2 điểm. Đó là một cách biệt không nhiều nhưng rõ ràng ở lượt thi chung kết, việc dẫn trước 2 điểm là lợi thế lớn để hướng đến chiến thắng. 

Dù vậy đến lượt bắn nhanh, Xuân Vinh chơi thiếu ổn định. Kết thúc phần thi anh chỉ đạt 582 điểm và xếp thứ 5 chung cuộc. Bắn súng VN cũng khép lại một kỳ đại hội có thể nói là thất bại trong mục tiêu giành HCV.

Thất bại do đâu?

Trên thực tế, Việt Nam từng có những xạ thủ từng hụt vàng đáng tiếc tại các sân chơi như SEA Games, ASIAD hay thậm chí cả Olympic. Điển hình nhất là trường hợp của Nguyễn Mạnh Tường tại SEA Games 2009, dù từng có hơn 200 chiếc huy chương lớn nhỏ trong sự nghiệp nhưng áp lực sợ súng hỏng đã khiến Mạnh Tường tâm lý và mất HCV. Ngay tại Incheon 2014, Nguyễn Hoàng Phương cũng khiến người hâm mộ "tiếc hùi hụi" khi đánh rơi vàng ở lượt bắn cuối nội dung 50m súng ngắn do tâm lý đè nặng.

Nhìn vào 2 trường hợp cụ thể đó để thấy thất bại của Xuân Vinh tại ASIAD lần này không mới. Thậm chí không muốn nói là quá cũ so với việc anh từng mất huy chương Olympic Luân Đôn 2012 do sơ sẩy ở những lượt bắn cuối. 

Vậy đâu là nhuyên nhân khiến bắn súng VN nói chung và Xuân Vinh nói riêng phải nhiều lần ngậm ngùi mất huy chương? Câu trả lời có lẽ nằm ở yếu tố tâm lý.

Nguyễn Hoàng Phương - xạ thủ điển hình vì cho việc mất vàng vào phút chót vì tâm lý. Ảnh: Internet.

Để lý giải cho nguyên nhân thất bại của Xuân Vinh, TinThểThao.com.vn xin được trích lại nguyên văn phần trả lời phỏng vấn của anh trên tờ Thể Thao Văn Hóa sau khi thất bại ở Quảng Châu 2010: “Tôi xin lỗi mọi người. Tôi bị áp lực quá nên thần kinh không thể điều khiển được cò và bị điểm ngắm ảo chi phối đôi mắt.

Động tác đảo tay lên ngắm lại không đúng kỹ thuật nên đã bị nổ cò làm đạn lạc bia. Khi 10 viên cuối cùng có vài viên không thành công, tôi đã thấy đã có phản ứng bất ổn. Lúc đó tôi không còn nghĩ đến bản thân, mà nghĩ nhanh đến một điều: cả đoàn thể thao nước nhà đang rất trông đợi vào mình. Nếu không được như mong muốn thì sao? Thế là phân tâm. Ai ngờ tai nạn nó lại xảy ra đúng viên cuối. Tôi không tưởng tượng được mình lại bị tâm lý tới mức phản xạ không kiểm soát nổi. Nỗi đau này không biết bao giờ nguôi ngoai”.

Thực tế, điểm yếu tâm lý không chỉ xảy ra với riêng bản thân Xuân Vinh mà còn với hầu hết các xạ thủ của bộ môn bắn súng, đặc biệt là ở những thời điểm quyết định. Bắn súng VN quá khứ và hiện tại không thiếu nhân tài, song tâm lý dễ lay động đã khiến nhiều xạ thủ phải chịu chung một kịch bản "cầm vàng lại để vàng rơi".

Có lẽ người hâm mộ không nên trách Xuân Vinh, cũng không nên dồn mọi sự chỉ trích vào đội tuyển bắn súng hay bất cứ một bộ môn nào khác. Chúng ta nên chấp nhận sự yếu kém của một nền thể thao vốn còn nghiệp dư, chỉ đào tạo được về chuyên môn mà không thể giúp các VĐV có được bản lĩnh thép trong những cuộc chơi mang tính "sống còn".

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục