Ủy ban châu Âu đề nghị cải cách thị trường chuyển nhượng: Mùa Hè vắng “bom tấn”?

16:35 Thứ bảy 20/04/2013

Những ngôi sao như Ronaldo, Falcao, Cavani… vẫn có thể thay đổi địa điểm thi đấu trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay, nhưng mức giá tối đa chỉ là 30-40 triệu euro, thấp hơn rất nhiều so với những gì mà CLB của họ đang đòi hỏi. Đó là một trong những đề xuất đáng chú ý nhất tại bản báo cáo về thị trường chuyển nhượng mà Ủy ban châu Âu mới công bố.

Mối đe dọa thứ ba

Bóng đá đã và đang là môn thể thao phổ biến nhất hành tinh, nhưng nó cũng đang đứng trước không ít mối đe dọa. Đầu tiên là nạn dàn xếp tỉ số: chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có ít nhất 700 trận đấu trên toàn cầu bị sắp đặt, với hơn 50% trong số đó diễn ra ở châu Âu, bao gồm cả các trận đấu vòng loại World Cup/EURO và các cuộc tranh tài trong khuôn khổ Champions League. Đáng nói hơn, hoạt động này được thực hiện một cách vô cùng kín kẽ và cảnh sát Đức chỉ tình cờ phát hiện ra tên đầu sỏ Ante Sapina khi … xử phạt một vụ vi phạm giao thông. Tiếp theo là phân biệt chủng tộc, vấn đề mà đích thân Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phải thừa nhận là “nghiêm trọng hơn cả dàn xếp tỉ số” bởi môi trường bóng đá đang ngày càng phẳng và các cầu thủ đến từ mọi ngóc ngách của thế giới. Chỉ trong mùa giải 2011/12, đã có tới 144 vụ phân biệt chủng tộc diễn ra trong bóng đá Anh, 48 vụ trong bóng đá Italia và gây ảnh hưởng lớn đến các trận đấu.

Tuy nhiên, vấn đề nóng bỏng và đang gây tranh cãi nhiều nhất là sự mất cân đối và thiếu minh bạch của thị trường chuyển nhượng, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay. Vào tháng 4 này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission – EC) Jose Manuel Barroso đã có cuộc gặp với Chủ tịch UEFA Michel Platini để nghiên cứu phương án cải cách thị trường chuyển nhượng cầu thủ, với các nội dung cụ thể được đề cập trong một bản báo cáo dài tới 346 trang mà EC vừa xuất bản. 


Thất bại của “thỏa thuận 2001”

Kể từ tháng 1/2012, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc công ty tư vấn KEA (Bỉ) và Trung tâm nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế thể thao (CDES - Pháp) đã tiến hành điều tra về tính hiệu quả của thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu theo đơn đặt hàng của EC. Kết quả, thị trường này bị coi là “thiếu tính cạnh tranh, không tạo ra đủ dòng tiền để tái đầu tư vào đào tạo trẻ và nâng cấp các giải đấu hạng thấp”. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kết luận rằng “thỏa thuận 2001” giữa EC và FIFA về việc duy trì tính bền vững của thị trường chuyển nhượng cầu thủ đã hoàn toàn thất bại.

Cụ thể, cách đây 12 năm EC và FIFA từng thiết lập một cơ chế phân phối tài chính cho các CLB nhỏ nhằm khuyến khích họ tăng cường đào tạo tài năng trẻ, ngoài ra khi một cầu thủ dưới 23 tuổi được chuyển nhượng thì đội bóng mới của anh ta buộc phải bồi thường chi phí đào tạo cho CLB cũ. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có khoảng 6% doanh thu từ Champions League rơi vào túi các CLB nhỏ, những đội không được tham dự đấu trường cấp CLB số 1 châu lục này. Nếu tính trên tổng số tiền chuyển nhượng cầu thủ thì các đội bóng nhỏ chỉ nhận được khoảng 2%, và hầu như tất cả các tài năng đều tập trung vào một số CLB giàu có bởi giá cầu thủ bị đẩy lên quá cao và chỉ có các đội bóng lớn đủ khả năng chi trả.

Luật Ronaldo?

Khi phương án năm 2001 đã không có hiệu quả, tất nhiên EC phải tìm kiếm một liều thuốc khác cho thị trường chuyển nhượng. Trong đó, giải pháp đáng chú ý và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là việc thiết lập một mức trần cho giá chuyển nhượng cầu thủ. Theo đó, các CLB sẽ không được quyền quy định mức phí giải phóng hợp đồng cao khủng khiếp (100-200 triệu euro) như hiện nay, mà giá chuyển nhượng sẽ được tính toán dựa trên tiền lương, thời gian còn lại trong hợp đồng và một hệ số chuyển nhượng. Ví dụ: Cristiano Ronaldo hiện còn 2 năm HĐ với Real Madrid và đang lĩnh 12 triệu euro/năm, giả sử hệ số chuyển nhượng là 2 thì Ronaldo sẽ có giá tối đa là 12 x 2 x 2 = 48 triệu euro, chỉ bằng chưa đầy 1/2 số tiền mà PSG dự định trả cho Real để sở hữu siêu sao người BĐN. Tương tự, Falcao (lương 6 triệu euro/mùa, còn 3 năm HĐ) sẽ chỉ có giá 6 x 3 x 2 = 36 triệu euro, thấp hơn đáng kể so với mức 46 triệu bảng (53 triệu euro) trong điều khoản chuộc lại HĐ với Atletico Madrid. Cavani còn 4 năm HĐ, nhưng với mức lương 4,5 triệu euro/mùa thì anh cũng chỉ có giá tương đương Falcao và kém xa mức 50 triệu euro mà Napoli đang “hét”.

Thực ra đây không phải ý tưởng hoàn toàn mới, bởi trước đó FIFA và Tòa án thể thao Quốc tế (CAS) cũng từng thông qua “Luật Webster”, cho phép các cầu thủ tự mua lại hợp đồng sau 2 năm thi đấu (hoặc 3 năm nếu anh ta ký HĐ khi chưa tròn 28 tuổi), tuy nhiên nếu đề xuất mới của EC được thông qua thì nó sẽ có hiệu lực đối với tất cả các cầu thủ, không phân biệt độ tuổi và thời gian đã thực hiện HĐ. Cũng liên quan đến phí chuyển nhượng, EC dự kiến sẽ áp thuế cho những thương vụ đắt giá và số tiền thu được sẽ được phân phối lại cho các CLB nhỏ, đảm bảo họ nhận được 5-8% tổng giá trị của tất cả các vụ chuyển nhượng cầu thủ.

Nên nhớ, EC là cơ quan hành pháp tối cao của Liên minh châu Âu và tiếng nói của họ có trọng lượng cực lớn. Mới nhất, EC đã quyết định điều tra việc chính quyền TBN hỗ trợ tài chính cho Real Madrid một cách bất hợp pháp, và cũng chính nhờ sự ủng hộ của EC mà UEFA mới có thể thành công áp dụng Luật Công bằng tài chính kể từ mùa giải 2013/14. Mặc dù các giải pháp nêu trên không phải là văn bản pháp lý và chỉ nằm ở dạng đề xuất, có thể khẳng định rằng các cơ quan điều hành bóng đá sẽ phải chịu những sức ép nhất định trong việc quản lý thị trường chuyển nhượng. Do đó, đừng ngạc nhiên nếu một vài năm nữa chúng ta được chứng kiến quy định về mức phí chuyển nhượng tối đa, có tên “Luật Ronaldo” chẳng hạn…

Thị trường chuyển nhượng đã bùng nổ nhanh đến mức khó tin. Theo số liệu của EC, làng bóng đá châu Âu mùa giải 1994/95 chỉ chứng kiến 5.735 vụ mua bán cầu thủ với tổng giá trị 402,86 triệu euro. Đến mùa 2010/11, các đội bóng đã thực hiện 18.307 bản hợp đồng chuyển nhượng, còn tổng giá trị vọt lên 3 tỷ euro. Như vậy, tổng chi phí chuyển nhượng của các CLB ở lục địa già đã tăng tới 7,5 lần chỉ trong 16 năm, tương đương mức tăng trưởng 13,5% mỗi năm. Để so sánh, trong cùng thời kỳ thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của các nền kinh tế thuộc EU chỉ là 6,7%/năm.

Theo dự định của EC, các đội bóng sẽ chỉ được phép đăng ký tối đa 25 cầu thủ và số lượng cầu thủ được phép cho mượn cũng sẽ bị giới hạn. Biện pháp này nhằm hạn chế tình trạng các CLB lớn vung tiền ra gom hết tài năng trẻ rồi sau đó lại đem cho CLB khác mượn. Ngoài ra, các đội bóng có thể sẽ bị yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về các vụ chuyển nhượng, bao gồm cả phí trả cho người đại diện cầu thủ, tương tự như nghĩa vụ công bố thông tin mà các công ty cổ phần đang phải thi hành.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục