Từ thất bại của đội tuyển Việt Nam: Cái giá của sự ích kỷ

14:12 Thứ ba 04/12/2012

Bóng đá là trò chơi mà sự thăng hoa của cá nhân, của một vài ngôi sao là rất cần thiết, bởi nó là chất xúc tác để khán giả niềm đam mê. Tuy nhiên, vai trò tập thể mới là yếu tố tiên quyết đến thành bại…

Công Vinh là điển hình cho hình ảnh thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012. Ảnh: Kim Ngọc

Trở lại ĐT Việt Nam tại AFF Cup lần này, điều mà chúng ta cần nhất, và hy vọng một sự khác biệt lớn nhất so với các ĐTQG trước đây: một tập thể đồng thuận.

Chỉ một tập thể đồng thuận, thì mới hy vọng giúp chúng ta tháo gỡ được nhiều vấn đề về chuyên môn môn. Ai cũng biết, về lực lượng, ĐT lần này không ổn cả 3 tuyến, không có nhiều cá nhân làm điểm tựa tinh thần cho đồng đội, có khả năng thay đổi cục diện trận đấu.

Ai cũng biết, chỉ có sự đồng thuận, mới giúp các cầu thủ tạm quên hết những lợi ích cá nhân đang bị đe dọa ở cấp CLB, quên đi những dư chấn mà bóng đá nội đang vấp phải, để hướng tới một mục tiêu là danh dự Tổ quốc.

Tiếc thay, với những gì đã thể hiện qua 3 trận tại AFF Cup lần này, có thể khẳng định rằng cầu thủ ta đã không đá vì màu cờ sắc áo. Để tìm ra một vài chân dung nhằm chấm điểm cao, quả là một nhiệm vụ quá nặng nề. Và khi đã như thế, thì việc coi trọng danh dự cá nhân là chuyện xa xỉ. Còn gì tệ hơn, khi chẳng biết xấu hổ!

Tin chắc rằng, bất cứ ông bố bà mẹ vợ (cả tương lai) của đa số các tuyển thủ vừa từ Thái Lan về, chẳng ai có thể vui vẻ nổi (thậm chí phải xấu hổ) với cậu con rể “quý hóa” đá bóng với thái độ như thế. Tất nhiên, không phải đến lúc này, chỉ số tôn trọng và chỉ số niềm tin trong xã hội dành cho giới cầu thủ ta đã xuống rất thấp. Dù, họ có tiền, có đời sống rất sung túc.

Bởi vì, bóng đá không có chỗ cho sự ích kỷ. Họ không nghĩ đến quyền lợi CLB, khán giả, màu cờ sắc áo khi khoác áo ĐTQG, trên cả là không có sự chia sẻ với xã hội, thì trách gì bị xã hội định kiến và xem thường.

Thật cám cảnh khi đi tìm một thần tượng bóng đá giờ rất khó. Có rất nhiều tiêu chí để bầu chọn thần tượng, nhưng không thể thiếu 3 tiêu chí: thực tài, tư cách và những đóng góp cho xã hội. Chỉ như thế thì người được bầu chọn mới có chỗ đứng trong trái tim người hâm mộ. Bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng 2 tiêu chí sau thì thực sự là thiếu, rất thiếu!

Chắc chắn năm nay, lại thêm một năm, bóng đá sẽ bị “hắt hủi” trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu năm 2012. Kể từ khi Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch sáp nhập (năm 2007) đến nay, đã trải qua 5 lần bình chọn, chỉ duy nhất một lần đại diện bóng đá - thủ môn Dương Hồng Sơn và tiền đạo Lê Công Vinh - chia nhau ngôi nhì và ba. Đấy là năm 2008 mà ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup. Từ đó đến nay, bóng đá chỉ mang lại cay đắng và thất vọng nhiều hơn niềm hạnh phúc - từ cấp độ vĩ mô đến cơ sở.

Năm ngoái, cuộc bầu bán Quả bóng vàng thực sự đánh đố BTC và những nhà chuyên môn. Cuối cùng, phải bầu cho Thành Lương, chẳng có gì rực rỡ và nhiều cống hiến trong năm. Trước đó, phải đến gần đầu quý 3/2011 thì chủ nhân “Quả bóng vàng” năm 2010 mới được tìm ra. Minh Phương ẵm giải ở thời điểm anh đã ngả bóng, nên danh hiệu này được coi như một sự tưởng thưởng cho một chân dung ít tì vết, điều quá hiếm với bóng đá Việt Nam.

Người ta nói nhiều đến tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong bóng đá ta đang phủ một bức màn ảm đạm và là thách thức lớn cho cuộc tái cấu trúc hiện nay. Hãy nhìn thái độ cầu thủ đá bóng, từ cấp CLB đến các ĐTQG lâu nay, sẽ dễ hiểu từ sự ích kỷ đến lợi ích nhóm là khoảng cách quá gần, và tác động xấu như thế nào.

Quả là cám cảnh cho người hâm mộ nước nhà, khi liên tiếp là nạn nhân của thứ bóng đá vị kỷ và vô cảm.
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục