Từ cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình: Những điều trông thấy…

14:47 Thứ bảy 25/02/2012

Nếu không có sự xuất hiện của VPF rồi từ đó khơi ra cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình, có lẽ vấn đề này sẽ không nhận được sự quan tâm nhiều đến như thế thì phía dư luận. Ai cũng biết xây dựng và phát triển bóng đá chuyên nghiệp không thể không có bản quyền truyền hình, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là bóng đá VN đã thực sự xứng đáng với 2 từ “chuyên nghiệp” chưa để nghĩ tới việc bản quyền truyền hình sẽ trở thành nguồn thu chủ yếu cho các CLB trong tương lai gần?

Có nền bóng đá chuyên nghiệp nào mà trước một trận đấu cầu thủ phải được “bơm doping” tiền thưởng thì mới có động lực chiến đấu? Tình trạng “trăm hoa đua thưởng” ấy dẫn tới việc tạo nên khoảng cách quá lớn giữa những đội bóng chịu rải tiền để mua chiến thắng và những đội bóng không đủ khả năng hoặc không muốn làm như vậy.

Thế nên mới có chuyện VPF ngay sau khi ra đời đã tìm cách khống chế mức thưởng từ 500 triệu đồng/trận trở xuống, nhưng kết quả “nguyễn y vân”, khi CLB nào có tiền thì cứ thưởng bạo như cũ, còn đội nào áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” thì tiếp tục “bóp mồm bóp miệng”.

Có nền bóng đá chuyên nghiệp nào mà để tồn tại dai dẳng tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” ở cùng một giải đấu, hay một ông chủ tuy chỉ có hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng đã có tới 3 lần thay tên đổi họ cho những đội bóng mà mình nắm quyền lãnh đạo, cứ như câu chuyện cổ tích “khắc nhập khắc xuất” mà trẻ em VN nào cũng được nghe kể.

Chừng nào những hình ảnh này không còn xuất hiện đều đặn trên sân cỏ VN như hiện tại thì lúc ấy mới hy vọng bản quyền truyền hình sẽ thành nguồn thu đáng kể cho các đội bóng. Ảnh: Kim Ngọc

Có nền bóng đá chuyên nghiệp nào mà một ông chủ đứng giữa Hội nghị Chủ tịch các CLB để tuyên bố rằng nếu ông không cho phép thì không một cầu thủ nào có thể rời khỏi đội bóng dưới quyền của ông, và mới đây khi một cầu thủ không muốn tiếp tục khoác áo đội bóng của ông thì nhận được lời “đe dọa” rất có trọng lượng: “Cháu không đi được đội nào đâu. Chú có quan hệ với tất cả các đội bóng, chú cũng có rất đông luật sư trong tay”.

Tuyên bố của vị Chủ tịch CLB mà miệng “có gang có thép” này làm người ta nhớ lại câu chuyện cách đây mấy năm, khi Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng tạo nên một cơn bão truyền thông vì sử dụng cụm từ “nô lệ thời hiện đại” để nói về việc M.U lúc ấy ngăn cản không cho Cristiano Ronaldo tới Real Madrid theo nguyện vọng của cầu thủ này.

Quan hệ giữa cầu thủ và ông chủ đội bóng là quan hệ giữa người lao động và chủ sở hữu lao động, thế nên phải nằm trong phạm vi hiệu lực của Bộ luật Dân sự và Luật Lao động, và dù là giữa 2 bên có ký hợp đồng không xác định thời hạn thì cũng không thể có chuyện bên này dùng ý muốn áp đặt chủ quan để bắt bên kia phải làm theo yêu cầu của mình. Thử hỏi nền bóng đá nào trên thế giới này lại có ông chủ một CLB nào dám đứng ra vỗ ngực tuyên bố nếu tôi không cho phép thì không một cầu thủ nào có thể rời khỏi đội bóng của tôi?

Rất nhiều ví dụ như thế để thấy rằng bóng đá VN hiện nay tuy đã trải qua mùa giải chuyên nghiệp thứ 10, nhưng danh xưng chuyên nghiệp có vẻ chỉ là cái vỏ bề ngoài, còn bản chất bên trong vẫn chưa thay đổi là mấy. Ở VN hiện nay, bóng đá hầu như chỉ được coi là công cụ để các ông bầu xuất thân từ doanh nhân mưu cầu lợi ích cho mình, còn để nói tới việc lấy bóng đá nuôi bóng đá như các nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ trong khu vực và trên thế giới thì còn là chuyện của thì tương lai rất xa.

Cũng bởi thế mới có chuyện ở VN có những ông bầu tuy không đứng chức danh cụ thể nào ở đội bóng của mình, nhưng trên thực tế ông bầu đó lại là người nắm toàn bộ quyền sinh quyền sát, mà câu chuyện bầu Hiển với HN.T&T và SHB.ĐN hay bầu Thụy với Sài Gòn FC là những dẫn chứng tiêu biểu.

Thật lạ khi có những người cứ nhìn vào giải Ngoại hạng Anh, giải VĐQG Tây Ban Nha để rồi từ đó cho rằng trong tương lai gần bản quyền truyền hình cũng sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho các CLB VN. Hãy thử nhìn xem, ở giải Ngoại hạng Anh hay giải VĐQG Tây Ban Nha có tình trạng SVĐ vắng như chùa Bà Đanh giống ở VN hay không.

Chỉ khi nào các đội bóng VN kéo được khán giả tới ngồi chật SVĐ ở mỗi vòng đấu thì lúc đó mới có thể nghĩ đến khả năng thu hút người xem qua truyền hình và nguồn thu từ bản quyền truyền hình.

Thế mà thay vì nghĩ cách hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chính yếu của mình là tổ chức thật tốt các giải đấu để bóng đá VN phát triển đúng hướng, lành mạnh và từ đó trở thành “con gà đẻ trứng vàng” thực sự trong lĩnh vực giải trí trên truyền hình, người ta lại dồn tâm trí cho những cuộc chiến theo kiểu “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” dưới chiêu bài vì bóng đá VN. Nếu cứ tiếp tục kéo dài thế này thì “trứng vàng” chắc chắn sẽ không xuất hiện, mà ngay cả “con gà” rồi có lúc cũng chẳng còn, và bóng đá VN sẽ đi đến đâu?
Hoàng Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục