Trò chuyện cùng VĐV tuổi Tỵ Đỗ Ngân Thương: "Không bao giờ hối hận khi theo nghiệp TDDC"

16:11 Thứ tư 13/02/2013

16 năm theo nghiệp Thể dụng dụng cụ (TDDC), quãng thời gian không phải là nhiều so với một đời người nhưng quá lớn với một VĐV mới chỉ bước qua tuổi 23 như Ngân Thương. Thế nhưng 16 năm ấy, là thời gian đủ để Ngân Thương có nhiều trải nghiệm với đời, đủ để cảm nhận những giây phút hạnh phúc, những vị đắng tưởng như không bao giờ có thể quên nổi.

“Trùm nợ” thích thiết kế thời trang

Ai cũng bảo, nhìn Thương chẳng khác nào học sinh cấp 2, cấp 3. Trẻ lâu như vậy có thích không?

(cười) Ai chẳng thích được khen trẻ nhưng tôi tự cảm nhận thấy mình già rồi. Đến giờ mà vẫn chưa có người yêu, chưa có tấm bằng Đại học, chắc phải vài năm nữa mới hoàn thành được...

Nghe nói ở Đại học TDTT, Ngân Thương nổi tiếng là sinh viên nợ nhiều môn nhất, vẫn bị bạn bè trêu là “trùm nợ”?

Đó là do những lúc tôi đi tập huấn, thi đấu nên phải bảo lưu kết quả học tập lại. VĐV nào cũng nợ môn, lúc đầu nợ thấy sợ không biết bao giờ mới trả được, giờ lại thấy quen, tranh thủ bất cứ lúc nào để đi học và trả nợ. Rất may là các thầy cô cũng rất thông cảm nên không bị đúp. Hiện nay tôi vẫn đang phải cố gắng hoàn thành một số môn nữa để có thể sớm ra trường.

Đỗ Ngân Thương với cái tết ý nghĩa. Ảnh: SN

 

Vừa theo học Đại học TDTT vừa tập luyện và thi đấu liên miên, Thương sắp xếp thời gian như thế nào để hoàn thành tốt cả 2 công việc trong một lúc?

Lúc đầu cũng vất vả lắm, trường học cách xa mấy chục cây số nhưng ngày nào cũng phải đi đi, về về để chiều và tối còn tập luyện. Sau đi nhiều cũng thành quen.

Ngoài việc tập luyện và theo học Đại học, Thương có sở thích nào khác không?

Tôi đam mê thiết kế thời trang từ bé. Việc tập luyện, thi đấu đã chiếm hết thời gian của nên đam mê đó bị bỏ dở. Tuy nhiên cứ có thời gian rảnh là tôi lại tự thiết kế trang phục cho mình và bạn bè.

Ở ngoài đời tính cách của Thương như thế nào?

Các bạn tôi thường trêu, bảo tôi vui tính, hay tò mò, đầu trò nghịch ngầm, nhưng ở một khía cạnh khác, đó chính là cách để chúng em có thể vượt qua những khoảnh khắc nhớ nhà, khi ở xa gia đình...

Không bao giờ bỏ tập

Một ngày tập luyện của các VĐV TDDC chắc vất vả lắm?

Thể thao mà, môn nào cũng đòi hỏi phải duy trì tập luyện hàng ngày. Riêng môn TDDC có một đặc thù là chỉ cần 1-2 hôm không tập là các động tác cứng ngay. Chính vì thế, dù mùa đông hay mùa hè, các VĐV TDDC không bao giờ được nghỉ tập. Tập nhiều đến độ, đôi tay cứ dày cộp từng lớp, đôi lúc lại bong cả mảng, thậm chí mưng mủ. Chấn thương nặng cũng vẫn băng chun thật chặt cho máu tụ lại để tê đi, làm mất cảm giác đau, lại tập. Nhiều khi ốm vẫn phải tập để duy trì phong độ, chỉ trừ khi sốt cao trên 40 độ mới nghỉ tập.

Ngân Thương hạnh phúc với những thành quả đạt được trong năm 2012. Ảnh: SN

Nghe nói môn TDDC chính là môn mà các VĐV gặp nhiều chấn thương nhất?

Hầu như các VĐV TDDC ai cũng dính năm bảy kiểu chấn thương khác nhau, có người đã phải giải nghệ sớm vì những cơn đau hành hạ. Rất may là đa số đã được rèn luyện, làm quen với cực khổ từ nhỏ nên cũng sống chung được với những chấn thương.

Hơn 10 năm theo nghiệp, Thương giành được bao chiến công hiển hách và từng “vô đối” ở đấu trường khu vực trong nhiều năm liên tiếp. Hơn 2 năm nay, Thương phải chiến đấu với chấn thương dây chằng đầu gối của mình. Bước sang tuổi 23, cái tuổi đáng lẽ phải "về hưu" với một VĐV TDDC. Thương đã tính đến chuyện giải nghệ?
Tôi đã suy nghĩ về điều này rất nhiều rồi. Đúng là ở độ tuổi của tôi không còn thể hiện tốt những động tác khó như trước nữa. Trước SEA Games 26, tôi định sẽ giải nghệ, vừa dành thời gian cho gia đình, vừa tạo cơ hội cho lớp trẻ. Tuy nhiên, các thầy vẫn khuyên tôi ở lại để dẫn dắt thế hệ đàn em. Nhưng có lẽ năm nay TDDC không có ở SEA Games, nên tôi sẽ đưa ra quyết định.

Luôn phải đánh đổi

Chắc hẳn Thương sẽ chẳng bao giờ quên những ngày đầu theo nghiệp TDDC?

Hồi đó còn bé tí, chừng 6-7 tuổi. Những ngày mới sang Trung Quốc tập huấn, đứa nào cũng khóc không ngớt vì nhớ nhà và đau do tập luyện. Vì là VĐV TDDC nên chúng tôi được quản lý chặt chẽ về chế độ dinh dưỡng, không được ăn bất cứ thứ gì ngọt. Vì vậy cho đến giờ, tôi vẫn có thói quen chỉ ăn 1 bát cơm mỗi bữa. Chúng tôi thèm được ăn tất cả những món mà bọn trẻ con thường thích nhưng không được, đặc biệt là món kem.

Nhưng đổi lại, Ngân Thương đã có bảng thành tích sáng chói trong sự nghiệp, lại lần thứ 2 vinh dự có mặt tại Olympic?

Đó chính là hạnh phúc nhất của mỗi VĐV. Hạnh phúc nhất là những lúc nhận huy chương, mang vinh quang về cho tổ quốc. Lúc đó được mọi người quan tâm. Nhưng có phải ai cũng dám đánh đổi như chúng tôi đâu? Được nhiều, mất cũng nhiều lắm. Những VĐV TDDC như chúng tôi gần như mất hẳn tuổi thơ, mất tình thương của bố mẹ, bạn bè...Đó là chưa kể nếu gặp những sự cố, sẽ rất khó khăn để đứng dậy và không phải ai cũng thông cảm cho mình.

Cú "sốc" doping tại Olympic Bắc Kinh 2008 đến giờ vẫn chưa lành với Thương?

Khi thấy hơi tăng cân, tôi đã dùng thuốc lợi tiểu chỉ để giảm cân, mà không hề biết trong đó có chất thuộc danh mục cấm của Ủy ban Olympic quốc tế. Có lẽ đó là kỷ niệm buồn không thể nào tôi quên được. Tôi coi đây là một bài học lớn cho mình và chắc chắn sẽ không bao giờ tái phạm. Tôi cũng mong muốn đó sẽ là bài học với các VĐV trẻ và cũng mong họ sẽ đứng được dậy mỗi khi vấp ngã. Có bước qua những khó khăn mới đo được nghị lực của mình.

Và ngay cả đến bây giờ, Thương vẫn còn đánh đổi với nghiệp VĐV của mình?

Tôi lại vừa tái phát chấn thương mẻ xương mắt cá trái, nên phải bỏ một số giải. Theo nghiệp VĐV chấn thương liên miên, lại mất tuổi thơ, thiệt thòi đủ thứ, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy hối hận khi theo môn này.

Xin cảm ơn Thương về cuộc trao đổi thú vị này!

Bằng Lăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục