Thước đo hiệu quả đầu tư

10:15 Thứ sáu 20/02/2015

Nếu SEA Games là nơi các nước Đông Nam Á thể hiện sức mạnh của nền thể thao nước nhà thì các đấu trường lớn hơn, như Olympic, lại được xem là thước đo giá trị nhất cho một chiến lược đầu tư quốc gia. Một chiếc huy chương, dù màu gì, tại Olympic hoàn toàn được coi là cột mốc kỳ vĩ của 1 quốc gia. Dù để có được điều đó, lại không chỉ dựa vào năng lực của VĐV.

Thể thao có những đặc thù riêng mà với những người làm nghề, đôi khi họ phải chịu “nỗi oan” chẳng biết giải thích ra sao. Ví dụ như sự thành công tại SEA Games có thể được đánh giá dựa trên số lượng huy chương, nhưng ở Asian Games chẳng hạn, đôi khi 1 chiếc HCB không đồng nghĩa với khả năng đoạt HCV ở lần tranh tài kế tiếp. Một môn thể thao có thể hoàn thành mục tiêu được giao tại SEA Games, nhưng với người trong nghề, sẽ là thất bại nếu những VĐV chủ lực không nâng cao thành tích cá nhân, đồng nghĩa với khả năng tiếp cận thành tích châu Á hay thế giới cũng dẫm chân tại chỗ.

Thành tích của Ánh Viên thể hiện sự hiệu quả trong đầu tư vào thể thao. (Ảnh: Dũng Phương)

Vì lẽ đó, việc ngành thể thao quy hoạch đầu tư trọng điểm cho từng cá nhân, ở những môn cụ thể trong năm 2015, là điều đáng mừng. Nó tiệm cận với tư duy chuyên nghiệp: Đã đầu tư thì phải có thành tích chứ không cào bằng và lệ thuộc vào các yếu tố ngoài lề như may mắn, trọng tài…

Có như vậy, VĐV thuộc 1 môn thế mạnh khi tham gia thi đấu SEA Games cũng sẽ nỗ lực cao hơn bình thường thay vì chỉ thi đấu vừa phải do quá dễ dàng đoạt HCV. Khi đó, SEA Games thực sự là một bước đệm về thành tích để VĐV hướng đến mục tiêu lớn hơn, đoạt vé dự Olympic ở các đợt tranh tài quốc tế kế tiếp.

Năm 2000, võ sỹ Taekwondo Trần Hiếu Ngân lập kỳ tích đoạt HCB, chiếc huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic danh giá. Phải đến 8 năm sau, Hoàng Anh Tuấn mới tái lập kỳ tích HCB cử tạ 56kg nam. Nếu taekwondo Việt Nam từ sau Trần Hiếu Ngân không còn cơ hội tiếp cận huy chương Olympic thì ở cử tạ, với việc đầu tư đúng mức, có trọng tâm, thể thao Việt Nam có quyền tính màu huy chương, kể cả HCV, đối với trường hợp của Thạch Kim Tuấn. Đơn giản là môn cử tạ được đo lường bởi những con số cụ thể, VĐV tập trung rèn luyện và thi đấu đúng phong độ thì sẽ đạt mục tiêu. Chúng ta có thể nêu một trường hợp tương tự ở môn bơi lội, với Nguyễn Thị Ánh Viên đang tiếp cận tốp tranh huy chương Olympic nếu tiếp tục duy trì sự phát triển thành tích nhờ quá trình đầu tư dài hạn qua chuyến tập huấn tại Hoa Kỳ.

Sự thay đổi trong tư duy đầu tư của thể thao Việt Nam làm người hâm mộ yên tâm hơn để kỳ vọng vào thành tích khả quan tại SEA Games 28, đấu trường mà thời gian qua, chúng ta vẫn đặt chỉ tiêu số lượng cao hơn chất lượng. Liên tục đứng trong tốp 3 từ năm 2003 đến nay đã đủ để chứng minh tiềm lực của nền thể thao, cái quan trọng bây giờ là liệu với tiềm lực đó, chúng ta đi được đến đâu trên đường chinh phục đỉnh cao thế giới.

SEA Games 28 được tổ chức vào tháng 6, tức là còn nửa năm cho các cuộc tranh tài quốc tế diễn ra sau đó, vốn là “trận địa” chính để các môn chủ lực tìm vé dự Olympic 2016. Chính vì thế, việc chọn điểm rơi huấn luyện ở đâu, đặt mục tiêu thế nào cho SEA Games và đề ra mức phấn đấu như thế nào cho thành tích mỗi VĐV sẽ là một bài toán cho các nhà chuyên môn. Chúng ta phải vừa thành công tại SEA Games 28 vừa duy trì được sự phát triển thành tích sau đó mới thực sự có ý nghĩa và là quả ngọt cho quá trình đầu tư.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục