Sự khó lường đợi chờ các tay lái ở trường đua Red Bull Ring

09:42 Thứ năm 19/06/2014

Cuối tuần này là một dịp đặc biệt đối với làng F1, đánh dấu sự trở lại của trường đua Red Bull Ring sau hơn 10 năm vắng bóng. Đây chắc chắn sẽ là một thử thách độc đáo với các tay lái cũng như đội đua.

Lần cuối cùng Red Bull Ring tổ chức một chặng F1 là năm 2003. Bởi vậy, với sự tái xuất lần này, nó trở thành một địa điểm mới mẻ cho hầu hết các tay đua. Trong tổng số 22 lái chính hiện tại, chỉ có các "lão làng" Jenson Button, Kimi Raikkonen, Fernando Alonso (đua năm 2003) và Felipe Massa (tham dự năm 2002) từng chinh chiến tại đây trên xe F1. Nhưng thời gian trôi qua đã lâu, trường đua đã được cải tạo lại nên có thể nói Red Bull Ring cũng tương đối xa lạ với họ. Do vậy những người có nhiều kinh nghiệm nhất về chặng đua nước Áo bây giờ có lẽ là… Kvyat và Magnussen. Là các tân binh của F1, nhưng hai anh từng đua trên Red Bull Ring những năm gần đây ở các thể thức Formula Renalt hoặc Formula 3.

Chỉ có Button, Raikkonen, và Alonso đã từng tham dự Áo GP cuối cùng năm 2003. Ảnh: Motorsport.

Trên thực tế, F1 năm 2003 khác rất nhiều so với năm nay, nên tất cả các đội và tay đua sẽ ít nhiều bỡ ngỡ trong lượt chạy thử đầu tiên vào thứ Sáu tuần này. Nó là một trường đua mới, những sự chuẩn bị cho FP1 sẽ được tiếp cận theo cách khác biệt một chút so với thông thường. Có rất nhiều công việc cần được lên kế hoạch trước khi lên máy bay tới trường đua.

Hamilton, người từng đua tại Red Bull Ring từ năm 13 tuổi trên… game đua xe, sẽ sử dụng tới hệ thống lái giả lập đầu tiên. Anh thật thà chia sẻ: ”Tôi chỉ biết nó qua trò chơi điện tử, nhưng một khi bước vào buồng lái giả lập tôi sẽ làm quen nhanh thôi mà. Nói thật là chưa rõ sẽ phải vào cua T1 kiểu gì, nhưng tôi sẽ tìm ra trước khi đến đó. Rosberg thì biết, bởi cậu ấy từng chạy trên trường đua này ở Formula BMW trước đây rồi”.

Hamilton dùng hệ thống lái giả lập, và đây chắc chắn cũng là cách mà những đồng nghiệp khác thực hiện bởi đó là công cụ quan trọng nhất giúp họ chuẩn bị cho một đường đua mới. Tay đua sẽ ngồi trong buồng lái của một mô hình F1 (đó có thể là mô hình của mẫu xe đời cũ) với đầy đủ “đồ nghề” như vô lăng, ghế ngồi… trong khi các kỹ sư phần mềm sẽ tạo ra hầu hết mọi dữ liệu cần thiết.

Mô hình hệ thống lái giả lập. Ảnh: Automobilsport.

Các gói cài đặt cho xe trong cuộc đua vào ngày Chủ nhật cũng có thể được giả lập bởi phần mềm cho phép chỉnh nhíp xe, các thanh chống lật, phân bổ trọng lượng, góc bánh xe… Chưa hết, các mức độ gió thổi, lực ma sát khi động học, hay thậm chí là mức tiêu hao nhiên liệu cũng đều có thể được máy tính lập trình.

Sự phát triển của công nghệ ứng dụng vào hệ thống lái giả lập giúp ích rất nhiều cho tay lái. Đó chính là cách tập luyện gần với thực tế nhất, tìm hiểu sơ đồ trường đua, cách tiếp cận trên những nơi mà họ sắp lái xe đua qua vào cuối tuần.

Nhưng dù có được áp dụng những thành tựu của IT lớn đến mức nào, giả lập vẫn chỉ là giả lập, nó không bao giờ tái hiện chân thực nhất những gì diễn ra trên đường chạy. Ngoài việc thiếu cảm giác thực tế, hệ thống này không thể giả lập được lực G. Và dĩ nhiên là yếu tố thời tiết cũng chỉ có thể được đoán theo cách tương đối.

Chắc chắn, làm việc với một trường đua gần như là mới tinh như Red Bull Ring sẽ có thêm nhiều vấn đề phát sinh.Chẳng có bất cứ dữ liệu nào từ quá khứ có thể tận dụng: việc ước lượng độ bền của lốp gần như là không thể, khoảng cách phanh, lối vào và thoát cua, đỉnh khúc cua, và cả lực kéo cũng vậy.

Do đó, ngoài việc làm quen qua hệ thống lái mô phỏng, các buổi chạy thử có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều.

Những vòng đầu tiên rời pit, các tay lái luôn luôn chạy chậm. Họ sẽ tập trung vào việc tìm điểm phanh và những vệt đường tốt nhất cho mỗi khúc cua, qua đó định hình cách chạy ở tốc độ cao.

Massa và Bottas đang đi tìm hiểu đường đua. Ảnh: Motorsport.

Ngoài ra, cũng rất quan trọng cho lái xe đó là nhận biết lề đường (kerb) xem kerb nào an toàn khi chạy qua, kerb nào không. Kerb có thể mở rộng mặt đường lên tới một mét về phía ngoài hoặc trong đường đua để cho phép tay lái chạy cắt qua. Nhưng những kerb cao hoặc bẩn cần phải được đánh dấu để tránh. Ví dụ như ở trường đua Ấn Độ có một đoạn kerb nổi tiếng, được gọi là “Massa Kerb”, vì nó cao đến nỗi từng khiến xe của Massa gẫy cả hệ thống treo trước khi chạy đè lên.

Thông thường, các tay lái cùng kỹ sư đường đua sẽ đi bộ một vòng quanh trường đua vào thứ Tư hoặc thứ Năm để nghiên cứu kỹ mặt đường. Chuyến tiền trạm này sẽ giúp họ đánh giá kerb, các đoạn đường thoát hiểm, lối vào pit, vạch hạn chế tốc độ khi vào pit… trước khi ngồi vào xe đua.

Khi tất cả các công việc trên được hoàn thành, tay đua sẽ tập trung vào một vấn đề các, cực kỳ quan trọng: Giữ lốp.

Pirelli sẽ cử các chuyên gia tới trường đua khoảng hai tháng trước khi cuộc đua diễn ra để lấy mẫu nhựa đường. Sau khi làm việc với mẫu này, dựa trên những tiên đoán về hợp chất thích hợp nhất với mặt đường, họ sẽ chọn ra hai loại lốp sẽ dùng cho chặng đua. Nhưng vì chỉ là đoán nên không phải lúc nào Pirelli cũng đúng, họ đã mắc sai lầm ở US Grand Prix năm 2012. Chặng đua đó diễn ra trên trường đua Austin cũng mới tinh, do vậy Pirelli chưa hề có kinh nghiệm trong việc chọn lốp cho nó.

Chọn lốp cho một đường đua mới không hề đơn giản. Ảnh: Formula1.

Và một lần nữa, những sự thiếu hiểu biết này sẽ tiếp tục diễn ra tại Red Bull Ring. Chẳng ai nắm được điều gì cho tới khi xe chính thức lăn bánh.

Trên thực tế thì Red Bull Ring là một đường đua khá đơn giản, nên việc tiếp cận sẽ dễ dàng hơn đối với các tay đua. Chỉ có vỏn vẹn chín khúc cua, ít hơn rất nhiều so với những nơi khác.

Các tay lái giỏi có khi chỉ cần khoảng trên dưới 10 vòng là làm quen được. Như những gì Raikkonen từng thể hiện ở chặng Ấn Độ năm 2012, khi mà Người Tuyết thậm chí còn không cần chạy tập với hệ thống lái giả lập dù chẳng biết gì về đường đua này do vừa mới trở lại F1 từ WRC.

Phan Duy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục