‘’Phong sát’’ ở bóng đá nội: cầu thủ chơi xấu chớ coi thường

23:14 Thứ ba 04/07/2023

V-League nói riêng và bộ mặt bóng đá Việt Nam nói chung đã có rất nhiều thay đổi trong năm nay, nhưng vấn nạn chơi thô bạo vẫn còn đó.

Vòng đấu thứ 13 V-League 2023 trên lý thuyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi là vòng đấu cuối cùng giai đoạn 1 – giai đoạn phân định tốp 8 đua vô địch và tốp 6 đua trụ hạng. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có cặp đấu giữa Topenland Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai là còn ý nghĩa phân tranh tách tốp, còn kết quả các cặp đấu khác gần như đều không thể ‘’gây bão’’ dư luận bằng những tình huống chơi thô bạo của Văn Hậu và Tấn Sinh trên sân Hòa Xuân.

Rất nhiều người nói về Văn Hậu và thói quen chơi quyết liệt của cầu thủ này, mà ít ai nhắc đến Tấn Sinh với vấn đề tương tự. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi trong khi Văn Hậu vẫn đang là tuyển thủ quốc gia, là thỏi nam châm thu hút truyền thông, thì Tấn Sinh đã từ 3 năm nay biến mất trên các mặt báo, kể cả sau khi chuyển đến Công An Hà Nội.

‘’Phong sát’’ ở bóng đá nội: những cầu thủ chơi xấu chớ coi thường - Bóng Đá

Từng được tung hô vì khoác áo đội tuyển U23, ngoại hình sáng, Huỳnh Tấn Sinh bỗng chốc biến mất hoàn toàn trên truyền thông.

Nhiều người hâm mộ giờ đây có lẽ còn quên rằng cựu cầu thủ Quảng Nam cũng từng là nhà vô địch SEA Games, là mảnh ghép được đánh giá cao trong đội hình U23 của HLV Park Hang Seo. Quên là đúng thôi, vì có lẽ Tấn Sinh chính là trường hợp đầu tiên của bóng đá nội chịu một hình thức trừng phạt vốn quen thuộc hơn với giới giải trí: tên của nó là ‘’phong sát’’.

Nói chính xác là Tấn Sinh chịu phong sát ở các cấp độ đội tuyển quốc gia, còn tất nhiên, anh vẫn thi đấu cho CLB. Nhưng không được lên tuyển nữa thì chẳng ai còn nhắc đến những màn trình diễn của Tấn Sinh ở Quảng Nam, đặc biệt từ khi đội bóng này xuống hạng.

Trước hết, giải thích từ ‘’phong sát’’. Xuất phát từ giới giải trí Trung Quốc, 'phong sát’ đồng nghĩa với một lệnh cấm vận một nghệ sĩ hay người nổi tiếng, khiến họ không thể xuất hiện trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, không được tham gia bất kỳ hoạt động nghệ thuật giải trí nào. Hệ quả của phong sát là sự biến mất của nhân vật bị trừng phạt, sự nghiệp hoàn toàn bị đóng băng và khả năng không bao giờ còn có thể vươn trở lại đỉnh cao được nữa.

‘’Phong sát’’ ở bóng đá nội: những cầu thủ chơi xấu chớ coi thường - Bóng Đá

Nhiều nghệ sĩ Trung Quốc có vấn đề về nhân cách, thiếu tài năng đã bị phong sát.

Trở lại câu chuyện của Tấn Sinh.

Năm 2019, trung vệ này từng được quy hoạch ở lứa U23 của HLV Park Hang Seo, tham dự các sân chơi quan trọng là SEA Games 30 trên đất Philippines và vòng chung kết U23 châu Á 2020, cũng là nơi tranh vé đến Olympic Tokyo. Ở SEA Games 30, mọi chuyện thuận lợi với đội tuyển U23 (chính xác là U22 +2) của chúng ta với thành tích giành tấm huy chương vàng lịch sử.

Tuy nhiên, trong một trận chung kết với Indonesia, Tấn Sinh đã để lại những hình ảnh không đẹp, đỉnh điểm là cú đánh cùi chỏ vào mặt của cầu thủ đối phương và quay đi với một nụ cười.

Vòng chung kết U23 châu Á lại là một thất bại của tập thể U23 Việt Nam, với thành tích 2 hòa, 1 bại và bị loại ngay từ vòng bảng. Cá nhân Tấn Sinh, ngay trận ra quân hòa U23 UAE 0-0, lại có một cú thúc cùi chỏ vào mặt đối thủ. Dù trọng tài không xử lý tình huống này, nhưng hình phạt phong sát dành cho Tấn Sinh đã bắt đầu từ đây.

‘’Phong sát’’ ở bóng đá nội: những cầu thủ chơi xấu chớ coi thường - Bóng Đá

Tấn Sinh có cú cùi chỏ mà tất cả BLV, chuyên gia, người hâm mộ đều đồng tình là xứng đáng nhận thẻ trong trận gặp U23 UAE.

Ở cả 2 trận đấu còn lại gặp U23 Jordan và U23 Triều Tiên, Tấn Sinh không được HLV Park sử dụng dù chỉ 1 giây, dù bản thân anh không gặp vấn đề chấn thương. Tấn Sinh hoàn toàn bị bỏ qua, kể cả khi sơ đồ chiến thuật và nhân sự hàng thủ của U23 Việt Nam thay đổi liên tục trong 2 trận còn lại, mọi hậu vệ đều có cơ hội ra sân, bao gồm cả Trần Đình Trọng vốn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương.

U23 Việt Nam trở về với kết quả đáng quên, còn cá nhân Tấn Sinh, anh thực sự bị quên lãng ở các đội tuyển quốc gia. Không bao giờ thầy Park còn điền tên Tấn Sinh vào bất cứ danh sách nào, ở bất kỳ chiến dịch nào, kể cả ở những bản danh sách sơ bộ có đến hàng chục cái tên góp mặt.

Rất khó để nói cầu thủ lúc ấy chơi cho Quảng Nam không được gọi lên tuyển thuần túy vì chuyên môn, bởi những gì anh thể hiện trước và sau giai đoạn thi đấu liền 2 giải SEA Games 30 – Vòng chung kết U23 châu Á 2020 không có khác biệt đáng kể. Cũng không có trung vệ nào bên ngoài danh sách thi đấu 2 giải trên nổi lên, vượt trội Tấn Sinh để lọt vào mắt xanh của HLV Park Hang Seo, người vốn đề cao tính ổn định trong bộ nhân sự của mình và vô cùng hạn chế thay đổi.

Có cơ sở để tin rằng ông Park đã đưa ra quyết định phong sát Tấn Sinh ở đội tuyển quốc gia. Đừng quên rằng trong giai đoạn đầu nhà cầm quân người Hàn Quốc nắm các đội tuyển Việt Nam, bất chấp sự đề đạt của đông đảo giới mộ điều, ông đã nhất định không gọi đến Quế Ngọc Hải vì lối chơi quá rắn, luôn mang lại nguy cơ bị phạt thẻ của cầu thủ này. Chỉ đến khi trung vệ người Nghệ An thể hiện sự ăn năn trên sóng truyền hình, cũng như tiết chế trong những màn trình diễn trên sân cỏ, anh mới được cất nhắc lên các đội tuyển quốc gia.

‘’Phong sát’’ ở bóng đá nội: những cầu thủ chơi xấu chớ coi thường - Bóng Đá

Cho đến hôm nay, những cầu thủ còn đang có những pha bóng thô bạo nên biết nhìn nhận lại.

Kỷ nguyên của ông Park Hang Seo ở Việt Nam đã là quá khứ, nhưng những bài học từ trường hợp của Huỳnh Tấn Sinh, của Quế Ngọc Hải vẫn còn nguyên vẹn. Không có ông Park thì vẫn sẽ có những HLV khác, hay những lực lượng khác của bóng đá Việt Nam, trừng phạt trực tiếp hay gián tiếp những tư duy chơi bóng triệt hạ, những thói quen thô bạo đáng lên án. Nhưng cũng sẽ luôn có một đường lui, nếu chủ nhân của những pha bóng ấy biết ‘’quay đầu là bờ’’.

Mong rằng các cầu thủ đang chơi bóng trong hệ thống bóng đá Việt Nam sẽ có thể tự ý thức về hành vi của mình, đặc biệt là những ai đang nuôi giấc mơ được chơi cho các đội tuyển quốc gia. Bên cạnh các khía cạnh chuyên môn, người cầu thủ biết thi đấu quyết liệt trong khuôn khổ, giữ cái đầu lạnh, bỏ đi những tiểu xảo và tư duy thô bạo, sẽ vừa có ích cho bản thân, vừa là đóng góp cho sự phát triển về mặt hình ảnh và chuyên môn của bóng đá nước nhà.   

(Bạn đọc: Ngọc Bách)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 22:16 04/07/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục