Những khoảng trống phía sau ASIAD

14:40 Thứ sáu 03/10/2014

Trên thảm đấu karate ngày hôm qua (2.10), khi Ngân bước vào thi chung kết, tất cả thành viên lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam như nín lặng. Ngân gần như là tia hy vọng cuối cùng. Thế nhưng khi các trọng tài giơ cờ báo chấm cho đối thủ Nhật Bản thắng 0-5 thì đâu đó là những tiếng thở dài…

“Tre già” chưa thấy “măng mọc”

Ở tuổi 30, khi bước vào sàn đấu Hoàng Ngân vẫn đẹp, cái đẹp có phần sắc lạnh của một “thanh kiếm Nhật”. Ở tất cả các vòng đấu, Ngân vẫn thi tốt, thậm chí rất tốt. Tốc độ ra đòn, thân pháp, thần sắc đều khiến mọi người hài lòng.

Ấy thế nhưng, phía bên kia, Shimizu Kiyou của Nhật Bản cũng ngang ngửa cả về kỹ thuật thi đấu lẫn sắc đẹp. Sự chênh lệch ở đây, rõ nhất là tuổi tác.

Ngân sinh năm 1984 và cho đến tận bây giờ Ngân vẫn có thể hiên ngang bước ra thảm đấu đã là một sự hy sinh “vô điều kiện”- nói như HLV Lê Công. Cách đây mấy năm, Hoàng Ngân tưởng chừng như phải giã từ sự nghiệp với chấn thương đầu gối rất nặng. Ấy thế mà cô kịp trở lại, nhà vô địch thế giới năm 2008 về kata Nguyễn Hoàng Ngân lại tỏa sáng ở SEA Games 27 với tấm HCV.

Shimizu Kiyou trẻ hơn Ngân tới 9 tuổi. Ở một môn thi mà kết quả dựa nhiều vào cảm tính của trọng tài thì sự trẻ trung có thể là một lợi thế để Shimizu Kiyou được cả 5 trọng tài công nhận thắng với tỉ số 5-0 thay vì 3-2 hoặc 4-1. Nhưng câu hỏi với karate Việt Nam, sau Hoàng Ngân là ai? Ai sẽ gánh vác trọng trách còn lại của “Nữ hoàng Karate” Việt Nam? Chưa trả lời được. Bởi thế không thể đòi hỏi nhiều hơn ở Hoàng Ngân bởi cô đã cố hết sức và thể thao Việt Nam như tận dụng Ngân quá nhiều.

Ở ASIAD này, thể thao Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào những lão tướng (tre già nhưng măng chưa mọc). Trường hợp Vũ Thị Hương là một điển hình. Ở đường chạy chung kết 200m nữ, Vũ Thị Hương là người… cao tuổi nhất, 28 tuổi. Và ở một nội dung đòi hỏi sức mạnh như chạy ngắn thì việc người lớn tuổi nhất về cuối cùng cũng đâu có gì bất ngờ. Hai vị trí đầu đều thuộc về những VĐV kém Vũ Thị Hương tới 5-6 tuổi.

Với Vũ Thị Hương, chắc chắn đây là kỳ ASIAD cuối cùng. Đối với Phan Thị Hà Thanh (TDDC) cũng vậy. Hà Thanh sinh năm 1991, nghĩa là năm nay đã 23 tuổi cái tuổi đã khá cứng so với môn TDDC - môn thể thao mà các VĐV làm quen với thảm tập từ 5-6 tuổi.

Sau Ngân, Hương, Thanh sẽ là ai? Dường như vẫn là những khoảng trống chưa có lời giải đáp.

Giật mình với khâu đào tạo

Tiến Minh - VĐV cầu lông 31 tuổi gần như đã có một trận đấu “để đời” với Lee Chong Wei - tay vợt số 1 thế giới người Malaysia. Lee thua một set trước Tiến Minh và như thế Minh có thể “vui vẻ” trở về.

Một trường hợp khác, là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ở ASIAD này, Vinh có niềm vui là nhận quyết định lên hàm đại tá. Vinh sẽ tròn 40 tuổi vào ngày 6.10 tới đây và có lẽ anh sẽ trở thành một trong những đại tá trẻ nhất toàn quân. Song vinh quang ở đấu trường ASIAD hay Olympic cứ lẩn trốn Vinh như một định mệnh. Ở những giải đấu ít áp lực, Vinh thi đấu tốt, lập kỷ lục thế giới nhưng tại những sân chơi như ASIAD hay Olympic thì anh lại mắc những lỗi nghiệp dư, chủ yếu là vấn đề tâm lý.

Ở ASIAD này, nhiều môn thể thao lần đầu có huy chương nhưng cũng là một kỳ ASIAD mà khá nhiều VĐV coi đây là lần tham dự cuối cùng.

Nhìn trên BXH ASIAD, Việt Nam tụt dần so với khu vực ĐNÁ. Về tổng số huy chương, Việt Nam đứng thứ 9 nhưng nếu xét theo HCV thì TTVN đứng thứ 21 Châu Á và đứng thứ 6 ĐNÁ sau Thái Lan (9HCV), Singapore (5 HCV), Malaysia (4 HCV), Indonesia (4 HCV) và Myanmar (2 HCV)…

Đã đến lúc khỏa lấp những khoảng trống bằng việc mạnh dạn hơn đầu tư cho những môn Olympic thay vì dàn trải hay chỉ tập trung vào một số “gà nòi”. Tất cả các quốc gia đều bắt đầu việc tìm kiếm tài năng thể thao từ hệ thống các trường học và các CLB. Hoạt động giáo dục thể chất, thể thao giải trí, thể thao của mọi người mới chính là nền tảng để phát hiện tài năng thể thao để từ đó được quan tâm đào tạo theo chế độ đặc biệt… Những điều đó càng lộ ra sau ASIAD với những khoảng trống của TTVN.

Đắc Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục