Mời Arsenal lời hay lỗ?

12:57 Thứ tư 19/06/2013

Xung quanh chuyện ban quản lý sân Mỹ Đình “chặt chém” ban tổ chức trận đấu tuyển VN - Arsenal, cũng có một số người tin vào lời ỡm ờ của giám đốc Cấn Văn Nghĩa khi cho rằng “các ông ấy - ban tổ chức - có ăn”, khi chỉ mới tiền vé đã thu được 40 tỉ đồng (ông Nghĩa làm bài tính đơn giản là 40.000 vé, mỗi vé trung bình 1 triệu đồng).

Vì vậy, “có ăn” ở đây dễ được hiểu là có lãi lớn, mà đã có lãi lớn thì phải chi thuê sân 1,5 tỉ đồng là bình thường.

Nếu có một chút kiến thức về kinh tế thể thao, ắt đều biết ở VN không thể có lãi khi mời những đội bóng tên tuổi đến thi đấu. Nếu không thì những đội như Manchester United, Arsenal, Real Madrid, Barcelona... đã được mời đến từ lâu chứ chẳng phải đợi đến bây giờ.


Xin làm những bài tính để chứng minh: nguồn thu duy nhất của ban tổ chức trận đấu tuyển VN - Arsenal là bán vé. Sân Mỹ Đình có 39.300 chỗ ngồi nhưng chỉ phát hành 36.300 vé vì có 3.000 vé mời (tuy nhiều nhưng không thể tránh được ở VN!). Có 12.000 vé được bán với giá 400.000 đồng (thu 4,8 tỉ đồng); 7.000 vé bán với giá 700.000 đồng (thu 4,9 tỉ đồng); 11.300 vé bán với giá 1 triệu đồng (thu 11,3 tỉ đồng) và 6.000 vé bán giá 1,5 triệu đồng (thu 9 tỉ đồng). Như vậy tổng thu từ bán vé là 30 tỉ đồng, chưa tính thuế.

Nguồn thu thứ hai theo tính toán của ông Nghĩa là bán bảng quảng cáo, nhưng thực tế đây là con số 0. Bởi sân Mỹ Đình có 48 bảng quảng cáo nhưng phải giao cho Arsenal 12 bảng, đội tuyển VN 12 bảng (cho các nhà tài trợ đội tuyển) và 24 bảng còn lại thuộc về hai nhà tài trợ sự kiện là Hoàng Anh Gia Lai với Eximbank.

Vậy còn chi thì thế nào? Những người có trách nhiệm không công bố vì đây là một điều khoản cam kết với Arsenal. Tuy nhiên thông tin hậu trường chúng tôi nắm được, tổng chi vào khoảng 50 tỉ đồng. Con số này hoàn toàn có thể tin được khi tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ, trước đây cựu ngôi sao bóng đá Thái Lan Kiatisak từng đề nghị chúng tôi phối hợp với anh để mời đội Newcastle đến VN đá giao hữu. Chỉ riêng phí ra sân cho đội này là 1,2 triệu USD (chưa tính vé máy bay, ăn ở).

Hay năm 2009, khi hai khách sạn Marriott và Ritz-Carlton bị đánh bom ở Jakarta, Manchester United đã phải hủy trận đấu tại Indonesia. Một công ty tổ chức sự kiện cho chuyến đi này đã cử người đến VN gặp gỡ một số công ty chuyên tổ chức sự kiện thể thao để chào mời chuyển trận đấu từ Indonesia đến VN, và phí ra sân cho M.U là 3 triệu USD (chưa tính vé máy bay, ăn ở). Đó là một con số phù hợp, khi trước đó thông tin báo chí nước ngoài cho biết Indonesia chi cho M.U 2,5 triệu bảng. Tuy nhiên lúc ấy không ai kham nổi vì không giải được bài toán về chi phí. Từ những thông tin này, việc mời Arsenal tốn hết 50 tỉ đồng (tròm trèm 2,5 triệu USD) là hợp lý, nếu không muốn nói là rẻ.

Từ các thông tin trên, có thể thấy các nhà tổ chức trận tuyển VN - Arsenal lỗ không dưới 20 tỉ đồng. Dĩ nhiên còn một khoản thu “vô hình” khác cho họ là quảng bá thương hiệu. Cái này thì khó tính, nhưng quảng bá với số tiền hơn 20 tỉ đồng cũng không thể gọi là “có ăn” như ông giám đốc sân Mỹ Đình nói.

Một nhà quản lý sân vận động quốc gia mà không nắm rõ các bài toán kinh tế thể thao thì quả là đáng ngại!
H.T. | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục