Luật Công bằng tài chính của UEFA: Sự công bằng giả tạo

13:57 Thứ ba 19/02/2013 | 1

Kể từ mùa giải 2013-14, Luật Công bằng tài chính (Financial Fair Play – FFP) sẽ chính thức có hiệu lực và các CLB không đáp ứng quy định sẽ bị phạt, với mức nặng nhất là cấm tham gia các giải đấu do UEFA tổ chức.

Thoạt nhìn, quy định này có vẻ sẽ giúp bóng đá trở nên công bằng hơn. Nhưng trên thực tế, các điều khoản của FFP đã được tính toán rất chu đáo để giúp các “ông lớn” tuân thủ quy định và hầu như sẽ chẳng có thay đổi gì lớn trong làng túc cầu châu Âu các mùa giải tiếp theo.

FFP là gì?

Vào tháng 9/2009, UEFA đã thống nhất về mặt nguyên tắc sự ra đời của một đạo luật “nhằm giúp duy trì sự ổn định của các CLB bóng đá”. Tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino diễn giải một cách cụ thể hơn: “Tất cả các CLB đều muốn cạnh tranh.

Do đó họ phải chi tiền, nhưng chỉ một số ít CLB đủ khả năng tài chính để chạy đua, còn số khác thì không. Nhiều CLB vay mượn hoặc nhận tiền từ các ông chủ để mua sắm cầu thủ, nhưng điều này là không bền vững và một ngày nào đó họ sẽ có nguy cơ phá sản”.


Đã có nhiều bài học được rút ra: nhờ đầu tư không tiếc tay vào mua cầu thủ (đáng kể nhất là thương vụ trị giá 18 triệu bảng cho Rio Ferdinand, khi đó mới 22 tuổi), Leeds United từng là một thế lực trong làng bóng đá Anh giai đoạn đầu thế kỷ mới và đã vào đến bán kết Champions League mùa 2000/01.

Nhưng chỉ sau một mùa giải vắng mặt ở Champions League, Leeds không có đủ nguồn thu để thanh toán cho các khoản nợ khổng lồ và nhanh chóng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính.

Đến năm 2007, họ thậm chí đã rơi xuống League One (giải hạng Ba ở Anh) và vẫn chưa hẹn ngày trở lại Premier League. Bóng đá Italia cũng chứng kiến không ít câu chuyện tương tự: trong nhóm “7 chị em” đua tranh Scudetto những năm 2000, có ít nhất 4 CLB (Fiorentina, Parma, Lazio, Roma) từng rơi vào khủng hoảng vì vung tay quá trán.

Dù Chelsea nhận được thêm hơn 60 triệu euro từ chức VĐ Champions League nhưng họ vẫn thua lỗ lớn

Vì thế, FFP được ban hành để ngăn cản các CLB chi tiêu vượt quá số tiền họ kiếm ra. Trong 3 mùa giải liên tiếp từ 2011 đến 2014, các CLB châu Âu không được phép lỗ lũy kế nhiều hơn 45 triệu euro.

Tuy nhiên đó là trong trường hợp các ông chủ (như Abramovich hay Sheikh Mansour) chấp nhận bỏ tiền túi ra để bù lỗ cho đội bóng, nếu không thì mức lỗ tối đa được phép chỉ là 5 triệu euro.

Mới nghe qua, quy định này có vẻ rất chặt chẽ và có vẻ như không ít CLB sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối thu chi. Nên nhớ, chỉ riêng mùa 2010/11 Man City đã thua lỗ tới 197 triệu bảng, Chelsea lỗ 67 triệu và Liverpool lỗ 49 triệu.

“Đại gia” vô sự

Những nạn nhân đầu tiên của FFP đã xuất hiện. Đáng kể nhất là Malaga, đội bóng sẽ bị cấm tham dự đấu trường châu lục trong 1 mùa giải kể từ mùa 2013-14 do không thanh toán được các khoản nợ. Ngoài ra Besiktas, Bursaspor, Hajduk Split, Rapid Bucarest và Arsenal Kiev cũng phải nhận các án phạt với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn chung các đội bóng lớn ở các giải đấu hàng đầu châu Âu đều bình an vô sự. Không phải bởi tình hình tài chính của họ đều lành mạnh: trên thực tế, UEFA đã cài không ít điều khoản giảm trừ vào FFP để “tạo điều kiện” cho các CLB lớn đáp ứng quy định.

Rõ ràng, nếu những Chelsea, Man City, Barca hay Real Madrid bị cấm tham dự Champions League thì sức hút của giải đấu này sẽ giảm mạnh và UEFA không dại gì làm tổn thương đến con bò sữa của mình (riêng trong mùa giải 2011/12, UEFA đã kiếm được tới 335 triệu euro từ Champions League).

Do số liệu của mùa giải 2011/12 vẫn chưa được công bố, hãy xem xét báo cáo tài chính của một số CLB lớn ở Premier League mùa giải 2010/11 (các đội bóng khác, như Real hay Barca, sẽ được đề cập ở những kỳ sau):

Như vậy, trong khi Man Utd và Arsenal có tình hình tài chính khá lạc quan thì Man City, Chelsea và Liverpool đều thua lỗ lớn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, không loại trừ khả năng cả 3 CLB kể trên sẽ phải chịu hình phạt của UEFA.

Tuy nhiên, FFP không bao gồm các khoản đầu tư “lành mạnh” như nâng cấp SVĐ, cơ sở tập luyện hay học viện bóng đá trẻ và cũng không tính tới chi phí khấu hao tài sản (gồm cả tài sản cố định và giá trị cầu thủ).

Như vậy, số tiền thua lỗ Liverpool sẽ được khấu trừ bớt 72 triệu bảng (phần lớn là chi phí cải tạo sân Anfield), tại Chelsea là 60 triệu và Man City là 55 triệu. Đó cũng là lý do vì sao Chelsea vẫn có thể mua sắm mạnh tay trong mùa hè 2012 vừa qua, nhất là khi họ sẽ nhận được thêm hơn 60 triệu euro từ chức VĐ Champions League.

CLB duy nhất vẫn gặp vấn đề là Man City, với mức thua lỗ khổng lồ 142 triệu bảng ngay cả khi đã khấu trừ nhiều khoản mục. Tuy nhiên, UEFA vẫn có một ngoại lệ cuối cùng cho các CLB làm ăn thua lỗ.

Theo đó, CLB sẽ không phải chấp hành án phạt nếu kết quả kinh doanh của họ có xu hướng đi lên trong 3 năm gần nhất, và số tiền thua lỗ không bao gồm tiền lương trả cho các cầu thủ được mua về trước ngày 01/06/2010, nghĩa là chi phí lương cho Tevez, anh em Toure, Barry, Lescott và Kompany sẽ được khấu trừ khỏi kết quả kinh doanh của Man City.

Mặc dù vậy, có thể Man City cũng không cần sử dụng đến ngoại lệ này sau khi ký hợp đồng tài trợ có giá trị lên đến 400 triệu bảng với Etihad Airways trong năm 2011.

Nhiều nhân vật có liên quan như Arsene Wenger hay ông chủ John Henry của Liverpool đã lên tiếng chỉ ra rằng con số 400 triệu bảng là “phi thực tế” và chỉ nhằm mục đích giúp Man City lách luật để đáp ứng các yêu cầu về tài chính của UEFA.

Mới nhất, UEFA đã tuyên bố họ sẽ điều tra tính chân thực của bản HĐ tài trợ này, nhưng Man City đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo mọi chi tiết đều hợp lý…

Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục