Khi cổ động viên trở thành “cổ đông” của Câu lạc bộ

15:42 Thứ sáu 08/06/2012

Những người ham mê môn thể thao vua hẳn ai cũng muốn tìm cho mình một câu lạc bộ để “gửi gắm tình cảm” vào những ngày cuối tuần, hoặc trực tiếp trên sân vận động của đội bóng “con cưng” hoặc qua màn hình TV. Và có lẽ, nếu được là một phần của đội bóng theo đúng danh nghĩa, chắc chắn không ai muốn từ chối cơ hội này. Đó là khi cổ động viên trở thành cổ đông của một Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.

Đại hội nhiệm kỳ VI (2009 – 2013) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam xác định cổ phần hóa là bước đi bắt buộc trong lộ trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Và theo lộ trình đó, đến năm 2011, tất cả các Câu lạc bộ bóng đá của Việt Nam phải chuyển sang doanh nghiệp bóng đá chuyên nghiệp.

Trên thực tế thì hầu hết các câu lạc bộ ở ta đều có đại diện chính thức gọi là Công ty mẹ và đã được cổ phần hóa, một số ít câu lạc bộ thì “sống nhờ” vào sự tài trợ của các doanh nghiệp khác như câu lạc bộ bóng đá Lâm đồng, Cần Thơ… Tuy nhiên, ngay cả những câu lạc bộ đã có Công ty mẹ làm đại diện và được xem là những “gã nhà giàu” hiện nay, cũng chủ yếu là nhờ vào sự hào phóng của các ông chủ hơn là lợi nhuận mang lại từ hoạt động thể thao của Công ty.

Cổ phần hóa bóng đá - bước tiến phát triển chuyên nghiệp ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Chính vì thực trạng đó nên khi không có nhà tài trợ, các câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam cũng gần như bị mất hút theo. Đơn cử như trường hợp của đội bóng Thừa thiên-Huế.

Nhìn sang trời Âu và lấy câu lạc bộ Chelsea để chiêm nghiệm: đội bóng thành lập từ năm 1905 từ sự ngẫu hứng của một nhóm bạn đam mê bóng đá và bây giờ, câu lạc bộ đã gần 110 năm tuổi. Điều đáng nói ở đây là Chelsea, cũng như phần lớn các câu lạc bộ khác ở Anh, đều chưa có nhà tài trợ nào từ trước thập niên 80 của thế kỷ 20. Có nghĩa là trong gần suốt 1 thế kỷ, câu lạc bộ vẫn tồn tại và phát triển mà không có nhà tài trợ nào. Vậy thu nhập của họ từ đâu?

Những người làm bóng đá ở ta khi nghiên cứu cách thức làm bóng đá chuyên nghiệp ở Châu Âu cho rằng thu nhập chính của các CLB chủ yếu là từ tiền bán vé và các dịch vụ đi kèm khác cho khán giả, thứ đến là tiền bản quyền truyền hình, tiền thưởng, chuyển nhượng cầu thủ,…

Quả thật, hãy thử nghĩ: Ai là người đầu tiên mua vé vào xem các trận đấu của câu lạc bộ: cổ động viên của họ. Ai là người sử dụng nhiều nhất các dịch vụ do câu lạc bộ tổ chức tại mỗi trận đấu: cổ động viên của họ. Và nếu như họ trở thành các cổ đông của câu lạc bộ đó thì sao? Liệu họ có đều đặn mua vé đến sân vận động vào mỗi cuối tuần hay thậm chí đặt mua vé hết cả mùa giải, liệu họ hào phóng mua những món quà lưu niệm hay ưu tiên sử dụng các dịch vụ do câu lạc bộ mình tổ chức? Chí ít thì cũng hơn hẳn khi họ chỉ là cổ động viên đơn thuần.

Và hãy làm thử các phép tính: mỗi đội bóng của ta bình quân có khoảng 20.000 cổ động viên nhà (tương đương với sức chứa bình quân của mỗi SVĐ). Nếu 20 ngàn cổ động viên này sở hữu khoảng 20 cổ phiếu/người (mỗi cổ phiếu có mệnh giá 100.000 đ) thì Câu lạc bộ có được số vốn bao nhiêu? Và nếu như 2/3 trong số này thường xuyên mua vé đến xem các trận đấu và sử dụng các dịch vụ tại SVĐ thì đem lại ổn định thu nhập thế nào cho CLB?

Có thể là nó không lớn so với nguồn thu của các câu lạc bộ lớn hiện nay của ta, nhưng ít ra, cách mở rộng cổ đông cũng sẽ góp phần củng cố các câu lạc bộ và quan trọng hơn, nó được xây dựng một cách vững chãi trên nền móng của một lực lượng cổ động viên trung thành.

Bóng đá là môn thể thao vua bởi nó có lực lượng cổ động viên đông đảo nhất so với các môn thể thao khác. Mối dây liên hệ giữa cổ động viên và đội bóng càng trở nên gắn bó khi quyền lợi vật chất đi liền với lợi ích tinh thần. Với tình yêu sẵn có với đội bóng mình yêu thích, việc tạo cơ hội cho các cổ động viên trở thành cổ đông của câu lạc bộ là vấn đề cần làm trong quá trình cổ phần hóa các câu lạc bộ hiện nay. Hy vọng rằng, một hôm nào đó, ta bất chợt bắt gặp một anh chàng lái xe ôm, một chị bán nước mía ở góc phố đang trang nghiêm ngồi dự Đại hội cổ đông để tham gia bàn thảo về kế hoạch phát triển của đội bóng con cưng trên thành phố quê hương của mình.

(Bạn đọc: LVT)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục