“Vàng mười” của Hoàng Xuân Vinh
Olympic vốn là sân chơi quá sức với thể thao Đông Nam Á. 4 năm trước, cả Đông Nam Á không giành nổi một tấm HCV nào, thì năm nay, sau 7 ngày thi đấu, khu vực có nền thể thao kém phát triển này đã giành được 3 HCV cùng nhiều HCB khác (2 HCV cử tạ của Thái Lan và 1 HCV bắn súng Việt Nam). Với việc Olympic còn kéo dài đến ngày 21/8, các VĐV trong khu vực hứa hẹn sẽ tiếp tục giành thêm những tấm huy chương danh giá.
Ghi dấu ấn lớn nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á tham dự Olympic là thể thao Việt Nam, với sự xuất sắc của cá nhân xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Thái Lan dù giành 2 HCV cử tạ nhưng khá may mắn vì các đối thủ mạnh Trung Quốc và Nga không tham dự vì chấn thương, doping.
Hoàng Xuân Vinh giành tấm HCV bắn súng đầu tiên cho Đông Nam Á ở đấu trường Olympic. Ảnh: Internet. |
Việt Nam có HCV đầu tiên trong lịch sử các kỳ Olympic. Tổng số huy chương mà đoàn TTVN có được ở Olympic 2016 đến thời điểm này cũng đã ngang với số lượng huy chương ở tất cả các kỳ Olympic trước đó của chúng ta cộng lại (năm 2000, Việt Nam có 1 HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân, còn 2008 có thêm 1 HCB cử tạ của Hoàng Anh Tuấn).
Cả Đông Nam Á có thể tự hào với Hoàng Xuân Vinh bởi trong lịch sử tham dự Olympic, bắn súng khu vực này chưa bao giờ có HCV ở Olympic. Hoàng Xuân Vinh thậm chí còn làm tốt hơn như thế, khi lập kỷ lục ở nội dung 10m súng ngắn hơi.
Sự kiện Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic (sau đó giành thêm HCB) khiến báo chí Đông Nam Á lên cơn sốt. Tờ Bangkok Post, tờ nhật báo hàng đầu Thái Lan nhấn mạnh: “Hoàng Xuân Vinh vươn lên dẫn đầu sau phát đạn cuối cùng gần như hoàn hảo.” Tờ The Star còn dẫn lời chính Wu Felipe, thể hiện sự ngạc nhiện của xạ thủ người Brazil sau khi thua Hoàng Xuân Vinh đúng ở phát đạn cuối cùng: “Chỉ có thể nói đấy là phát đạn hoàn hảo.”
Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, từ 10 năm nay chúng ta mới hướng đến những môn Olympic. Trước đây, nhất là năm 1989, khi Việt Nam hội nhập lại đấu trường SEA Games thì chúng ta rất lạc hậu. Sau một thời gian, Việt Nam cũng ở trong đấu trường có một thành tích tương đối tốt, nó cho thấy việc đầu tư đúng hướng.
Thế giới cũng ngưỡng mộ
Còn nhớ tại Olympic 2008 với tấm HCB của đô cử Hoàng Anh Tuấn, đoàn TTVN đứng thứ 71/204. Trước đó ở Olympic 2000, Việt Nam xếp hạng 64/199 nhờ tấm HCB của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Đó là HCB, còn HCV sẽ là một vị thế hoàn toàn khác. Nhìn lại nhiều kỳ Olympic trở lại đây, số đoàn giành được HCV luôn chỉ khoảng 50, hầu hết là các quốc gia có nền thể thao phát triển.
Tính đến 8h sáng nay, đoàn Việt Nam tạm đứng ở vị trí 23 trên BXH tổng sắp huy chương Thế vận hội. Với thành tích 1 HCV, 1 HCB, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ nằm trong TOP 50 tại Olympic năm nay. Như vậy, chỉ với tấm HCV, Hoàng Xuân Vinh đã giúp Việt Nam xếp trên khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Bảng tổng sắp huy chương Olympic Rio 2016.
Bắn súng là một trong những môn lâu đời nhất của Olympic, được đưa vào chương trình thi đấu ở kỳ đầu tiên năm 1896 cho đến nay (chỉ trừ năm 1904 và 1928). Chính vì thế, việc các VĐV giành được huy chương ở môn này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Những hãng tin lớn như AFP, Reuters, Xinhua cho rằng xạ thủ sinh năm 1974 đã mở ra một chương mới cho Thể thao Việt Nam. Còn BBC nhấn mạnh Hoàng Xuân Vinh xứng đáng là huyền thoại, giúp Việt Nam có tên trên bảng vàng Olympic.
Thành tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 không chỉ nổi bật bởi thực tế rằng đoàn thể thao Việt Nam không đặt kỳ vọng quá nhiều ở một sân chơi tầm cỡ cao nhất, mà còn bởi Xuân Vinh đã hơn tài so với nhiều đối thủ khác cho dù chi phí đầu tư cho trang thiết bị của anh thấp hơn nhiều.
Cần phải biết rằng, nhà vô địch nội dung 50m súng ngắn Jin Jong-oh (người vừa đánh bại Hoàng Xuân Vinh trong lượt bắn chung kết) đã bắn hết 20.000 USD (hơn 400 triệu) tiền đạn trong một buổi tập. Trong khi, số tiền mà Hoàng Xuân Vinh dùng cho việc mua đạn tập chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng.