Hậu trường bóng đá Việt Nam: Mặt trái cầu thủ Việt

13:42 Thứ hai 21/10/2013

Nổi tiếng và lắm tiền, nhưng đằng sau sự hào nhoáng đó, những cầu thủ kém bản lĩnh đều có thể bị sa ngã, trở thành những con nợ, con nghiện, tù tội bất cứ lúc nào. Lối sống buông thả của một bộ phận không nhỏ giới cầu thủ đã khiến họ phải trả giá. Mất danh tiếng đã đành, không ít người đã trở thành gánh nặng với gia đình, CLB.

Những cạm bẫy bên ngoài sân cỏ


Vụ việc một vài cầu thủ U21 Việt Nam trốn ra ngoài đi "bay đêm” khi giải U21 quốc tế đang diễn ra tại Ninh Thuận khiến báo chí và dư luận đang lên án mạnh mẽ. Điều đáng nói là các cầu thủ đã mặc nguyên cả bộ đồng phục của đội tuyển để tới vũ trường quậy phá, với lý do: "Không mặc thì ai biết mình là đội tuyển U21”.

Đây chỉ là một trong số ít những vụ việc cầu thủ vi phạm kỷ luật được phát giác. Bóng đá Việt Nam không thiếu những cầu thủ hư hỏng, vi phạm kỷ luật hơn như thế nhiều và không ít đã để lại hậu quả nặng nề từ lối sống buông thả của mình.

Năm 2007, cầu thủ Xuân Thành của HN.ACB bị bắt quả tang và khởi tố vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Cùng thời gian này, thủ quân đội U19 SL Nghệ An là Lưu Văn Hiền cùng Nguyễn Hồng Việt bị bắt khi đang chích ma túy trong phòng. Mới nhất là vụ 5 cầu thủ Hà Nội T&T bị bắt tại động lắc ở TP. Hồ Chí Minh nhưng sau đó được giải thích là "đi nhầm”.

Trong số các đội bóng từng bị điểm mặt chỉ tên vì có cầu thủ chơi ma túy, SL Nghệ An chắc chắn đứng đầu danh sách. Có thời điểm lãnh đạo đội bóng đã phải tiến hành kiểm tra xét nghiệm máu tất cả các cầu thủ, từ ngoại binh, trụ cột đến cầu thủ trẻ. Có lẽ vì quá nhiều cầu thủ chơi ma túy, nên chuyện cựu trung vệ, đội trưởng SL Nghệ An và ĐTVN Huy Hoàng dùng thuốc lắc rồi có những hành động múa may quay cuồng trên xe ô tô của mình không khiến nhiều người bất ngờ.

Không chỉ ăn chơi thâu đêm suốt sáng, cầu thủ Việt cũng dính rất nhiều vào những tệ nạn xã hội khác. Cứ thỉnh thoảng, trên mặt báo lại xuất hiện những thông tin đại loại như cầu thủ A bị nhóm côn đồ cầm dao đuổi chém, hay cầu thủ B thuê người xử người này, người khác. Năm 2004, một nhóm cầu thủ Huda Huế uống rượu say rồi đánh nhau, làm chết đuối một người ở đồi Thiên An. Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Vinh, tiền vệ Phi Hùng cà khịa trong quán bia để rồi bị hai kẻ truy sát bằng dao trên đường Quang Trung. Trước đó, năm 2003, trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn ở vũ trường Phương Đông, thủ môn của Đà Nẵng Ngọc Thế đã có xích mích với chủ quán cà phê Wonder dẫn đến bị đâm trọng thương. Năm 2005, trong một lần đi ăn sáng, cầu thủ Phan Thanh Hoài của SL Nghệ An đã bị một nhóm người rượt đánh. Nguyên nhân xuất phát từ việc Thanh Hoàn đi xe ga phân khối lớn và có những hành động gây khó chịu với những người xung quanh.

Vài mùa giải gần đây, chuyện cầu thủ đánh nhau giảm đi rất nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn có vụ thanh toán nhau, thậm chí ngay cả trong "doanh trại” CLB. Chuyện cầu thủ Tấn Tài thuê "đầu gấu” vào dằn mặt cầu thủ trong đội, chuyện thủ môn Hồng Sơn gọi đàn em vào đội để xử đồng đội hay cầu thủ Chí Công bị dân xã hội đen đuổi chém phải đi bệnh viện cấp cứu, Quốc Vượng bị bạn gái đâm vào bụng...Tất cả đã phản ánh phần não mặt trái của giới cầu thủ Việt. Nói cách khác, có nhiều cạm bẫy đang chờ họ đằng sau những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng và không ít người đã để lại tiếng xấu, không bao giờ trở lại được với bóng đá.

Hậu quả cho gia đình, xã hội


7 năm trước, hàng loạt cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam đã phải ra hầu tòa vì liên quan đến bán độ. Cho đến giờ, đó vẫn là một vết nhơ lớn nhất và chưa thể gột sạch với bóng đá Việt Nam. Đã có những hoàn cảnh dẫn đến sự sa ngã của cầu thủ, nhưng những lý do mà cầu thủ đưa ra chỉ là ngụy biện.

Nhìn cầu thủ U19 mà hổ thẹn!

Lứa cầu thủ U19 của Học viện HA Gia Lai không chỉ đá bóng hay, mà còn học văn hóa giỏi. Cứ nhìn việc cả đội không phải nhận 1 thẻ vàng nào tại vòng loại châu Á 2014 vừa qua, mới thấy cách dạy dỗ chơi bóng đá fair-play của Học viện HA Gia Lai như thế nào. Đang là tương lai của bóng đá nước nhà, các cầu thủ U19 cũng trang bị đủ kiến thức cho mình. Hầu hết các cầu thủ đều là học sinh giỏi, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, ứng xử chuyên nghiệp trong mọi tình huống…Đó thực sự là một tấm gương lớn cho các đàn anh soi vào.
Cũng cùng lứa với Quyến, Quốc Vượng từng được xem là một trong những tiền vệ tài năng, đã phải sống cảnh lang bạt nay đây mai đó. Hơn 2 năm về trước, nghi án Quốc Vượng bị bạn gái đâm gây xôn xao dư luận. Với những rắc rối liên tiếp phía hậu trường, nên dù Quốc Vượng rất nỗ lực làm lại nhưng cũng chẳng ai còn để ý đến anh. Giờ thì tiền vệ tài năng của bóng đá Việt Nam đã phải kiếm sống nhờ bóng đá phủi.

Bóng đá Việt Nam có không ít những ngôi sao chọn cho mình một lối sống buông thả. Có người đang cố gắng làm lại nhưng cũng có người gần như đã mất tất cả.

Đầu năm 2010, tin tiền vệ của B.Bình Dương, Molina đột tử vì sử dụng ma túy quá liều đã khiến làng bóng đá Việt Nam bị "sốc”. Việc cầu thủ chơi ma túy chẳng phải là chuyện bây giờ mới nói, nhưng quá đà tới mức sốc thuốc dẫn đến đột tử là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Molina chết tại một khách sạn ở phường Phạm Ngũ Lão (TP.Hồ Chí Minh) trong tình trạng mũi bị trào máu. Ngay bên cạnh Molina còn gần nguyên một gói bột màu trắng đang sử dụng dở và kim tiêm. Một cảnh tượng đã ám ảnh giới cầu thủ Việt Nam suốt một thời gian dài sau đó.

Trong cách quản lý của các CLB thì cầu thủ Tây vẫn được một cái cơ chế bất thành văn là "thoáng” hơn cầu thủ nội. Molina là trường hợp cầu thủ ngoại thứ 3 thiệt mạng ở Việt Nam. Trước đây, cầu thủ Clement Francis đang thử việc ở Quân khu 4 và Vedaste (người Bỉ gốc châu Phi) thử việc ở Đồng Nai cũng đã bất ngờ đột tử. Nhiều năm qua, những cái chết hay những sự biến mất bí ẩn của cầu thủ vẫn bị ém nhẹm thông tin. Trước Molina còn có một ngoại binh khác cũng đã "biến mất” một cách đầy bí ẩn. Đó là Musisi, ngoại binh người Uganda đến Việt Nam khoác áo Đà Nẵng. Kết thúc mùa bóng 2003 - 2004, Musisi về thăm nhà rồi không bao giờ trở lại nữa. Mãi về sau, từ lời kể của một cầu thủ đồng hương sang Việt Nam thi đấu, mới biết Musisi bị căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và chết năm 2005.

Hầu hết các ngoại binh khi sang Việt Nam thi đấu, đều sướng như ông hoàng bởi thu nhập cao. Bởi thế, ở CLB nào, các HLV cũng phải đau đầu trong việc quản lý ngoại binh.

Lỗ hổng quản lý

Sau khi để xảy ra vụ việc nhóm cầu thủ U21 trốn đội đi "bay đêm”, HLV trưởng đội tuyển U21 Đinh Văn Dũng đã nhận trách nhiệm không quản lý tốt học trò, đồng thời khẳng định sẽ gạch tên những cầu thủ đã vi phạm kỷ luật, không được tham dự giải U21 quốc tế nữa. Một hình thức kỷ luật kịp thời, nhưng có vẻ bóng đá Việt Nam thường mất bò mới lo làm chuồng. Nếu như cầu thủ được giáo dục thường xuyên và bị xử lý nghiêm sau những sai phạm, có lẽ không có chuyện vi phạm kỷ luật một cách thiếu chuyên nghiệp như vậy.

Thực tế, nhiều CLB hiện nay nuông chiều cầu thủ một cách thái quá. Rất nhiều chuyện đánh nhau, cờ bạc, ma túy...xảy ra mỗi năm, nhưng đều được các CLB che lại theo kiểu "trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Với sự nuông chiều đó, cầu thủ không hỏng mới lạ.

Các CLB có trách nhiệm trước tiên nhưng VFF, với vai trò là người chủ cuộc chơi, cũng không phải là người ngoài cuộc sau sự xuống cấp của bộ phận không nhỏ các cầu thủ.

Thông qua ban kỉ luật VFF có thể ra những án phạt vừa là để răn đe vừa là để giáo dục cầu thủ. Tuy nhiên, một mặt VFF cho rằng việc kiểm soát cầu thủ bên ngoài sân cỏ là điều quá khó khăn, nhưng chính mình cũng chưa làm tới nơi tới chốn.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, VFF phải đặt ra quy chế đủ nghiêm khắc. Với quy chế và chế tài trong tay, VFF có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế tình trạng tệ nạn xã hội tấn công cầu thủ. "Cùng với nạn doping, gian lận trong thi đấu, thể thao thế giới chống tiêu cực xã hội rất mạnh mẽ. Họ có những cách làm rất hay và triệt để. Đã đến lúc, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải học tập và kế thừa những thành tựu của nền thể thao thế giới để làm trong sạch hơn nền thể thao của chúng ta”, ông Vinh nói.
An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục