Grand Prix Singapore và những lý giải dưới góc độ chiến thuật

10:56 Thứ sáu 26/09/2014

Bài viết của phóng viên BBC James Allen sẽ cho độc giả hiểu rõ hơn tại sao sau khi xe an toàn xuất hiện thì Fernando Alonso (đội Ferrari) đã bị Sebastian Vettel (Red Bull) tước đi mất cơ hội về nhì tại Singapore.

 

 

Khác với cuộc đua các năm trước và Grand Prix Italy mới đây, năm nay rõ ràng Grand Prix Singapore là một chặng mà chiến thuật có ảnh hưởng lớn tới cục diện cuộc đua. Việc xe an toàn xuất hiện ở thời điểm giữa cuộc đua được coi là dĩ nhiên tại đường đua trên phố Singapore, nơi mà từ khi đăng cai các chặng đua F1 vẫn chưa một lần vắng bóng chiếc xe an toàn. Tại thời điểm đó, các đội đua có rất nhiều toan tính và lựa chọn chiến thuật khác nhau. Sự khác biệt đã quyết định tới trật tự về đích trong top 10.

Chiến thuật không chính xác đã khiến Alonso đánh mất vị trí thứ nhì để rơi xuống vị trí thứ 4 ngay sau bộ đội Red Bull. Ở phía sau một chút, sự liều lĩnh đặt cược vào canh bạc thay lốp ở những vòng cuối cùng đã giúp Jean Eric Vergne (đội Toro Rosso) và Sergio Perez (đội Force India) vượt qua lần lượt 7 và 9 chiếc xe chỉ trong 15 vòng đua cuối và xuất sắc cùng nhau về đích ở vị trí thứ 6 và thứ 7. Yếu tố quyết định thành bại chính là tùy chọn lốp cho lần thay lốp thứ 2 và các đội phải sớm quyết định và theo đuổi lựa chọn này càng sớm càng tốt. Những phân tích sau đây sẽ chứng minh điều này.

Tình hình trước cuộc đua chiều Chủ nhật: Các buổi chạy thử hôm thứ Sáu đã cho thấy dưới điều kiện thi đấu tại Singapore, lốp Pirelli xuống cấp rất nhanh. Ngoài ra sự chênh lệch giữa việc sử dụng lốp siêu mềm và mềm là cực lớn. Ở một số đội đua, sự khác biệt lên tới 2,5 giây mỗi vòng. Điều này khiến phần lớn các đội đua đã phải chuẩn bị cho kế hoạch sử dụng chiến thuật 3 lần thay lốp. Theo đó 3 giai đoạn đầu tiên dùng lốp Siêu mềm và chuyển sang lốp mềm ở giai đoạn cuối cuộc đua. Mặc dù vậy các đội đều lường trước được nguy cơ xe an toàn xuất hiện trên đường phố chật hẹp tại Singapore sẽ phá hỏng chiến thuật.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi xe an toàn xuất hiện tại vòng 31: Việc xe an toàn xuất hiện ở giai đoạn giữa cuộc đua luôn khiến các đội lâm vào thế khó xử. Các chỉ đạo viên luôn phải đắn đo trước việc phải lựa chọn nhanh, về thay lốp hay vẫn bám trụ trên đường đua. Hai lựa chọn này luôn nằm trong trạng thái mập mờ ngay cả đối với những chiến thuật gia lão làng và cẩn thận trừ khi đó là cuộc đua với chiến thuật 1 pit hoặc là khi tay đua đội nhà vẫn chưa về thay lốp nhưng ngày nay những trường hợp đó là ngoại lệ và rất hãn hữu mới xảy ra.

Xe an toàn xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm khiến nhiều đội đua rơi vào tình thế khó xử. Ảnh: F1.

Điều này đã lý giải tại sao Red Bull thay vì dùng lốp mềm ở giai đoạn cuối cuộc đua đã sử dụng loại lốp tốt hơn này ngay sau lần vào pit thứ 2 của Sebastian Vettel (vòng 25) và Daniel Ricciardo (vòng 27). Theo đó kế hoạch sử dụng lốp dự kiến của họ là Siêu mềm-Siêu mềm-Mềm-Siêu mềm để đối phó với nguy cơ xe an toàn xuất hiên ở giai đoạn giữa cuộc đua.

Sự lựa chọn này đã giúp đội đua nước Áo bớt được lần thay lốp thứ 3 do xe an toàn xuất hiện giúp cuộc đua có 7 vòng chạy với tốc độ thấp (phần lớn các đội buộc phải có lần thay lốp này để bảo đảm yêu cầu dùng cả hai loại lốp trong một chặng đua). Điều này đồng nghĩa với việc Vettel và Ricciardo lần lượt phải thi đấu suốt 28 và 26 vòng đua tốc độ cao với bộ lốp mềm, mức độ đã lên tới giới hạn nhưng vẫn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, với chiến thuật này tay đua đáng được khen ngợi hơn cả đó là Felipe Massa (Williams), người đã thi đấu đầy bất ngờ suốt 31 vòng đua tốc độ cao với bộ lốp mềm và về đích ở vị trí thứ 5. Tuy nhiên, cùng với quãng đường gần như tương đương thậm chí là ít hơn thì đồng đội của Massa, Valtteri Bottas lại không thành công trong việc trụ vững ở vị trí thứ 6 cho tới khi kết thúc cuộc đua do mất kiểm soát chiếc xe với lốp đã quá mòn ở những vòng đua cuối.

Williams thành công với chiến thuật này bởi họ đã sớm chủ động lựa chọn ngay ở lần vào pit đầu tiên. Massa về thay lốp tại vòng 10 và nhảy cóc qua hàng loạt tay đua như Kimi Raikkonen (Ferrari), đồng đội Bottas và Kevin Magnussen (McLaren) bằng chiến thuật này. Williams đã có sự lựa chọn táo bạo và họ xứng đáng với kết quả giành được.

Việc tính toán chiến thuật cũng là bài toán quản lý xác suất. Nếu vẽ một đồ thị về những vòng đua nằm dưới sự kiểm soát của xe an toàn tại Singapore thì bạn dễ dàng nhận thấy xe an toàn có xu hướng xuất hiện ở lân cận khung thời gian thay lốp của các tay đua. Điều này được lý giải bởi vì các tay lái thường có khuynh hướng bứt tốc ngay trước và sau khi thay lốp để cố gắng giữ ưu thế so với đối thủ xung quanh, ngoài ra tại thời điểm này sự chênh lệch về hiệu suất giữa các xe là rất lớn, vì vậy tai nạn rất dễ xảy ra. Thời điểm xuất hiện xe an toàn năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này, vụ va chạm giữa Adrian Sutil (Sauber) và Sergio Perez diễn ra chỉ sau khi tay đua người Mexico thay lốp có 2 vòng.

Một yếu tố quan trọng khác trong năm nay là thời gian xe an toàn có mặt trên đường đua là khá dài ngay cả khi vụ va chạm giữa Sutil và Perez là không quá nghiêm trọng do quá trình để các xe chạy chậm xóa bỏ việc bị bắt vòng tiêu tốn nhiều thời gian.

Tại sao Mercedes không sớm đưa Lewis Hamilton vào thay lốp lần cuối: So với bộ đôi Red Bull thì hai tay đua Alonso và Hamilton đều sử dụng chiến thuật thông thường với bộ lốp mềm được sử dụng sau cùng. Mặc dù việc xe an toàn xuất hiện khiến ngôi đầu của Hamilton rơi vào tình trạng lung lay nhưng Mercedes vẫn không đưa Hamilton vào thay lốp bởi họ bị mắc kẹt với chiến thuật ban đầu. Khi xe an toàn xuất hiện, ngôi sao người Anh chỉ mới thay lốp được 5 vòng. Để đảm bảo an toàn, sau khi xe an toàn rút khỏi đường đua thì Hamilton phải tạo được khoảng cách an toàn 27 giây để giữ vững ngôi đầu sau lần vào pit cuối.

Sự vượt trội của chiếc W05 giúp Hamilton (trái) vượt qua sự bất lợi về chiến thuật so với Red Bull. Ảnh: Formula 1.

Giữa chiếc W05 của Hamilton và hai chiếc RB10 có sự khác biệt lớn về tốc độ trong giai đoạn này khi chiếc W05 nhanh hơn đối thủ tới 2 giây mỗi vòng đua do đối thủ phải cố gắng duy trì và giữ bộ lốp cho tới khi cuộc đua kết thúc. Mercedes tận dụng tối đa lợi thế này và yêu cầu Hamilton liên tục tăng tốc. Mục tiêu của đội đua nước Đức không phải là tạo ra khoảng cách 27 giây với Vettel mà là ra khỏi pit trước mũi Ricciardo.

Dù có chiếc xe vượt trội nhưng Mercedes lo ngại khả năng Red Bull sử dụng tay đua trẻ người Australia làm chim mồi để cố gắng ghìm chân Hamilton càng lâu càng tốt và tạo điều kiện cho Vettel. Đây là lý do vì sao tới vòng 52 thì Mercedes với gọi tay đua người Anh về thay lốp. Sau đó Hamilton đã ra pit trước Ricciardo và tiếp đó nhẹ nhàng đánh bại Vettel để chiếm ngôi đầu. Rõ ràng con mắt chiến thuật của Mercedes là rất sắc sảo và tinh tường

Tại sao nói Alonso mắc kẹt giữa muôn vàn gian khó: Những diễn biến tại chặng đua vừa qua chứng minh Ferrari đã tạo ra chiếc F14T giàu sức cạnh tranh tại Singapore. Nhưng kết quả chung cuộc đã cho thấy đội đua Italy đã để tuột mất một cơ hội tốt để có thêm một lần nữa về nhì, thành tích tốt nhất mà họ có được kể từ đầu năm.

Alonso vốn đã để mất cơ hội xuất phát thứ 3 khi không thể phát huy hết khả năng của chiếc xe tại vòng phân hạng tối thứ Bảy. Khi xuất phát, ngôi sao người Tây Ban Nha đã vượt qua cả hai chiếc xe của Red Bull trước khi phải trả lại 1 vị trí sau đó do chạy tắt tại Turn 1. Tuy nhiên sau đó, bằng một pha nhảy cóc chiến thuật khi vào thay lốp lần 2 để tiếp tục dùng lốp siêu mềm tại vòng 24, trước Vettel 1 vòng trong lúc đối thủ đang vật lộn với việc nhiên liệu tiêu hao quá nhanh. Mặc dù vậy, mọi toan tính của Ferrari dành cho Alonso đã bị phá tan bởi sự xuất hiện của xe an toàn khi Red Bull đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho tình huống xấu vốn luôn xảy ra tại Singapore.

Lúc này, sau khi chỉ mới sử dụng bộ lốp siêu mềm mới được có 7 vòng thì Alonso được gọi vào thay lốp để chuyển sang dùng lốp mềm. Nếu anh không sớm thay lốp ngay khi xe an toàn xuất hiện, anh sẽ còn tụt sâu hơn vị trí thứ 4 bởi vướng phải traffic khi trở lại đường đua và sẽ phải đối mặt với rất nhiều chiếc xe đối địch trên mặt đường chật chội và đầy rẫy cạm bẫy nếu muốn trở lại vị trí thứ 4 hoặc cao hơn nữa.

Alonso không có được thành tích tốt do sự tự ti và chuẩn bị không tốt về chiến thuật của Ferrari. Ảnh: Formula 1.

Giả sử nếu Alonso vẫn cố gắng thi đấu với bộ lốp siêu mềm và chỉ về thay sang lốp mềm ở vòng 45, giả dụ như thế thì anh vẫn phải trở lại đường đua với hàng loạt xe cản trở phía trước. Ngôi sao người Tây Ban Nha bắt buộc phải vào pit lần 3 để đủ điều kiện là sử dụng cả hai loại lốp. Vergne đã có chiến thuật dùng lốp tương tự Alonso và đã leo từ vị trí thứ 14 lên thứ 6. Do đó có thể thấy dù vướng nhiều xe thì bạn vẫn có khả năng để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cần để ý rằng đám đông phía trước Vergne bám sát nhau nên dù gì thì vẫn dễ vượt hơn những đối thủ cản đường Alonso. Vì thế dù dùng chiến thuật giống Vergne thì tay đua người Tây Ban Nha khó có thể giành được vị trí cao hơn thứ 4.

Để làm được điều này thì chiếc F14 T phải có được tốc độ như chiếc W05 của Hamilton làm được trong 10 vòng sau khi xe an toàn rời đi. Có như vậy thì Alonso mới có thể tạo ra khoảng cách an toàn trước khi về pit thay lốp lần cuối và tấn công Red Bull ở những vòng cuối. Nhưng Ferrari lại không nghĩ như vậy, có thể là họ không tin mình đủ khả năng làm được như Mercedes. Thực tế là Alonso đã mất nhiều thời gian để làm nóng bộ lốp mềm sau khi xe an toàn rút đi. Phải mất tới 3 vòng đua thì chiếc F14 T mới có được thành tích vòng tương tự chiếc RB10.

Một chi tiết ít người được biết là tại Singapore vừa qua, nhiệt độ phanh trên xe của các tay đua là cao tới mức đáng nguy hiểm. Bởi vì thế nên không có nhiều tay đua dám tăng tốc thường xuyên. Hamilton đã không chỉ may mắn có được cách biệt thành tích 25 điểm so với Rosberg do đối thủ gặp trục trặc và sớm bỏ cuộc mà còn vì nếu tay đua người Đức còn thi đấu bình thường ở vị trí thứ 2 thì có thể Hamilton đã gặp rất nhiều nguy hiểm với bộ phanh do phải chịu sức ép lớn từ Rosberg.

Minh Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục