Góc suy ngẫm: Liệu có nên chấp nhận HGH trong bóng đá?

19:56 Thứ tư 23/01/2013

Chuyện một số cầu thủ sử dụng HGH (Human Growth Hormone - thuốc kích thích tăng trưởng) để có được thân hình như ý đã không còn là đề tài nóng hổi hay bí mật. Tuy nhiên, trong số các cầu thủ đó lại có cả Lionel Messi, người đang được xem là cầu thủ hay nhất hiện nay.

Chuyện Lionel Messi được các bác sĩ lò La Masia tiêm HGH vào chân, để vượt qua mức chiều cao 1m43 mà các bác sĩ người Argentina của đội River Plate đã chẩn đoán rằng suốt đời anh sẽ không vượt qua, đã không còn là chuyện mới mẻ. Bản thân Messi cũng đã thừa nhận chuyện này sau trận thắng 6-2 trước Real Madrid hồi tháng 5 năm 2009:

"Tôi biết một sự giúp đỡ có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Ngày tôi còn nhỏ, tôi cũng đã có những vấn đề về hoóc môn. Nếu tôi không nhận được sự giúp đỡ (từ các bác sĩ lò La Masia), tôi đã không có được ngày hôm nay."

Sẽ là tàn nhẫn và vô nhân đạo nếu nói rằng việc tiêm thuốc để Messi có thể phát triển như người bình thường là không đáng và không nên làm. Nhưng liệu nó có công bằng?

Ngược về khoảng 12 năm trước, khi mà Messi vẫn còn là một cậu bé loắt choắt ở La Masia và yếu ớt đến nỗi cứ mỗi lần va chạm trong luyện tập là lại nằm sân, tài năng triển vọng nhất của bóng đá Argentina lúc bấy giờ là Javier Saviola, một cái tên khiến nhiều người phải nảy ra thắc mắc “Gã nào đây?” vào thời điểm hiện tại. Nhưng Saviola chính là ngôi sao trẻ sáng nhất trên bầu trời Argentina lúc đó, sánh ngang cùng những đàn anh giàu kinh nghiệm như Gabriel Batistuta, Pablo Aimar hay Juan Riquelme.

Vì thể chất yếu đuối, một Saviola đầy tài năng đã không thể vươn lên tầm thế giới - Ảnh: Internet

Javier Saviola là một hiện tượng gần như vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá, có lẽ chỉ đứng sau mỗi mình Diego Maradona. Anh ra mắt đội 1 của CLB River Plate vào năm 16 tuổi, và trụ lại đó trong suốt 3 năm tiếp theo, ghi đến 45 bàn trong tổng số 86 lần ra sân, giúp River Plate giành được cả hai chức vô địch giải miền Apertura năm 1999 và Clausura năm 2000. Năm 1999, Saviola, lúc đó chỉ mới 18 tuổi, đã được tờ El Pais bầu chọn là Cầu thủ Nam Mỹ xuất sắc nhất năm đó, đẩy tiền bối huyền thoại Juan Riquelme xuống vị trí thứ ba.

Đến Barcelona năm 2001 với mức giá “khủng” là 15 triệu bảng, sự nghiệp tươi sáng của Saviola bắt đầu đi xuống, với những chấn thương liên miên khiến giá trị của anh giảm dần. Bến đỗ tiếp theo của anh là Real Madrid cũng không thành công, khi chấn thương vẫn không buông tha anh. Hậu quả là khi chuyển đến Benfica năm 2009, đội bóng Bồ Đào Nha chỉ còn phải trả cho Los Blancos vỏn vẹn có 5 triệu euro. Hiện nay Saviola thậm chí còn không được xem là chân sút số 1 của Malaga và đang phải chật vật để giành một suất đá chính.

Cùng cảnh ngộ với Saviola, sự nghiệp của những cái tên như Ronaldo de Lima (Ro “béo), Pierluigi Casiraghi, Michael Owen, Owen Hargreaves, Michael Essien, Roberto Di Matteo, Vicenzo Montella, Jonathan Woodgate, Damien Duff, Kieron Dier, Ledley King, Louis Saha, Harry Kewell, Jorge Andrade, Stefan Apiah, Alvaro Recoba, Jamie Redknapp cũng sẽ thành công rực rỡ gấp nhiều lần nếu như không có những chấn thương dai dẳng hành hạ họ, và danh sách này sẽ kéo dài đến vô tận. Trong đó, có những trường hợp phải giải nghệ vì chấn thương như Ronaldo, Dean Ashton hay Maniche. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: nếu những cầu thủ kể trên được tiêm HGH từ nhỏ thì sự nghiệp của họ ngày nay sẽ ra sao?

Ai cũng biết rằng một trong những tác dụng chính của HGH chính là giúp cấu trúc cơ xương của người sử dụng tốt hơn người thường rất nhiều. Điều đó có nghĩa là, nếu anh được tiêm HGH thì cơ xương của anh sẽ cứng chắc hơn những người không được tiêm. Đối với một môn thể thao cạnh tranh khốc liệt như bóng đá thì điều này có ý nghĩa như thế nào, không nói ai cũng biết. Đó là chưa kể việc tiêm HGH sẽ giúp cơ xương phát triển nhanh hơn, giúp cầu thủ lực lưỡng và cao to hơn. Một Michael Owen hay Nguyễn Hồng Sơn với đôi chân khéo léo và cứng rắn như thép, chiều cao 2m12, thân hình cơ bắp cuồn cuộn như John Cena, Batista hay Arnold Schwarzenegger? Hoàn hảo.

Nếu tất cả các cầu thủ thấp bé nhẹ cân đều đổ xô đi tiêm HGH để có thân hình như thế này, bóng đá Châu Á sẽ giành được bao nhiêu World Cup? - Ảnh: Internet

Không lạ khi Lionel Messi có thể cày ải cùng Barca không dưới 60 trận/mùa mà vẫn rất ít khi xuống sức hay chấn thương. Sẽ là thậm vô lý nếu bỏ qua công lao của các bác sĩ thành Barcelona, đặc biệt là bác sĩ trị liệu Juanjo Brau. Nhưng có công bằng không khi một Javier Saviola hay Michael Owen phải ngồi ngoài vì một đôi chân gãy do xương yếu, còn Lionel Messi vẫn chạy băng băng trên sân cỏ, dù bị phạm lỗi ác ý liên tục?

Nếu nói trường hợp của Messi là một trường hợp "đặc biệt" do căn bệnh còi xương của anh thì liệu thể chất yếu ớt bẩm sinh của Saviola, Owen hay Woodgate không phải là một dạng "bệnh" và một nỗi thiệt thòi sao? Liệu có công bằng không khi trong cùng một trận chiến, một người thì được trang bị giáp trụ đầy mình như Iron Man, còn người khác thì trần trụi không mảnh vải che thân? Phải chăng đó là lý do mà thiên tài Bill Gates đã từng phát biểu một câu bất hủ: “Đời chẳng công bằng đâu, tập quen với điều đó đi.”

Trong video trên, có rất nhiều cú chuồi bóng ác ý mà nếu cầu thủ khác nhận thì phải nằm sân và chấn thương, còn Messi vẫn trơ trơ. Hãy tưởng tượng một hiện tại mà trong đó, Messi không được tiêm HGH. Với chiều cao 1m43 và một thân hình còm cõi, anh sẽ không thể thắng trong bất kỳ một pha tranh chấp nào. Với thân thể bị còi xương, Messi cũng sẽ chẳng khác nào một bệnh nhân xương thuỷ tinh trên sân bóng, khi anh gãy chân, gãy tay sau mỗi cú chuồi bóng ác ý của đối phương. Liệu một Messi như thế có thể giành được 4 quả bóng vàng liên tiếp, phá kỷ lục ghi bàn của Gerd Muller hay dẫn Barcelona đến hết chức vô địch này tới chức vô địch khác?

Ngẫm xa hơn một chút, nếu lứa cầu thủ “vàng” của tuyển Việt Nam với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng kỹ thuật đầy mình được tiêm HGH từ nhỏ để to cao, khoẻ mạnh như các cầu thủ châu Âu thì hiện nay bóng đá Việt Nam sẽ đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Liệu nền bóng đá của chúng ta đã có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”? Nếu trường hợp của Messi là hợp lệ và công bằng thì phải chăng nên tiêm HGH cho các “mầm non” của học viện Arsenal – HAGL JMG ngay từ bây giờ để đảm bảo các em có nền tảng thể lực tốt?

TinTheThao.com.vn sẽ để cho bạn đọc trả lời những câu hỏi trên bằng mục Bình Luận bên dưới.
 

HGH là gì?

HGH là tên gọi chung cho một nhóm các chất kích thích tố nội tiết, nói nôm na là chất kích thích tăng trưởng. Các loại HGH thường gặp là những hoóc môn như testosterone, estrogen, melatonin, và DHEA. HGH thường được dùng để kích thích tăng trưởng và chống lão hoá. Chính vì những tác dụng phi thường trong việc xây dựng cơ xương, HGH được sử dụng rộng rãi trong môn thể hình và tăng chiều cao.

Nếu sử dụng HGH để kích thích tăng trưởng: (1) quá trình tạo và tái tạo cơ xương sẽ được kích thích nhanh gấp nhiều lần. (2) ngủ ngon hơn và ít bị giật mình trong khi ngủ. (3) HGH tạo ra nhiều năng lượng hơn. (4) xương cứng chắc hơn. (5) cải thiện chất lượng hoạt động của tim và thận.

Tuy nhiên, HGH cũng thường gây ra nhiều tác dụng phụ cực kỳ nguy hiểm, trong đó có: (1) Gây bệnh Tớc nơ, một loại bệnh tương tự bệnh đao chỉ gặp ở phụ nữ. (2) Suy thận. (3) Suy giảm hoạt động hệ nội tiết. (4) Con cái sinh ra nhẹ cân và vóc dáng thấp bé bẩm sinh. Chính vì thế mà ở nhiều nơi, người ta cấm bán và sử dụng HGH nếu không có sự theo dõi sát sao của ít nhất một bác sĩ.

Trong thế giới thể thao, rất nhiều môn cấm tuyệt đối sử dụng HGH, đặc biệt là đua xe đạp. Tuy nhiên, FIFA vẫn chưa đưa chất kích thích này vào danh mục những chất cấm của mình.
Bạch Yên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục