Giữa hy vọng và hoài nghi

00:35 Thứ hai 24/11/2014

Cuối tuần này, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam sẽ chính thức "ra quân" tại Giải vô địch Đông - Nam Á (AFF Suzuki Cup) năm 2014, trong vai trò là nước đồng chủ nhà (cùng với Singapore). Có điều, hiếm khi đoàn quân áo đỏ đến với đấu trường quan trọng nhất của bóng đá khu vực trong trạng thái kỳ lạ đến vậy: được kỳ vọng cũng nhiều như bị hồ nghi.

ĐT Việt Nam luôn cần sự ủng hộ hết mình từ khán giả nhà.

Xứng đáng được kỳ vọng

Trong chuyến tập huấn vừa qua của đội tuyển (ĐT) Việt Nam tại Bình Dương, HLV trưởng Toshiya Miura (Tô-si-y-a Mi-u-ra) đã đưa ra một tuyên bố khiến tất cả mọi người nghe phải giật mình. Ông nói rằng nhận lời dẫn dắt ĐT Việt Nam bây giờ là "công việc dễ dàng với bất cứ HLV nào, bởi bóng đá Việt Nam đã ở mức không thể sa sút hơn được nữa". Và vì thế, những người làm nghề như ông Miura có thể "thỏa sức xây dựng lại ĐT Việt Nam theo ý của mình, mà không cần phải quá lo lắng tới áp lực thành tích".

HLV Miura không hề quá lời. Ngoài những chi tiết nói trên, chúng ta đều biết rằng nhà cầm quân này sang Việt Nam như là một phần trong chương trình hợp tác toàn diện giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản. Cho nên, dù ĐT Việt Nam phải nhận bất kỳ kết quả nào tại AFF Suzuki Cup 2014 sắp tới thì vị trí của ông Miura cũng vẫn sẽ "vững như bàn thạch", ít nhất là cho tới khi bản hợp đồng có thời hạn hai năm giữa ông và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) kết thúc.

Hơn nữa, sau những gì đã làm được tại ASIAD 17 cùng ĐT Olympic Việt Nam, HLV Miura xứng đáng được kỳ vọng sẽ giúp ĐT Việt Nam thể hiện được một diện mạo tươi mới tại kỳ giải sắp tới, sau khi chúng ta đã phải trải qua hai kỳ AFF Cup ở tận cùng thất vọng.

Lâu nay, chung sống với áp lực luôn là nhược điểm của cầu thủ Việt Nam nói riêng và VĐV Việt Nam nói chung. Biết đâu đấy! Trong trạng thái tâm lý thoải mái khi "không có gì để mất", thầy trò HLV Miura lại có thể "làm nên chuyện", nhất là khi ông thầy người Nhật đang có trong tay một lực lượng là sự kết hợp của các cựu binh dày dạn, được bổ sung thêm sức trẻ của một số tuyển thủ Olympic xuất sắc. Chẳng phải danh hiệu vô địch AFF Suzuki Cup năm 2008 - ngôi quán quân đầu tiên và duy nhất của bóng đá Việt Nam ở khu vực cho đến hiện tại -cũng đã từng đến theo cách vô cùng bất ngờ (sau sự khởi đầu vô cùng trầy trật ở vòng bảng và cả giai đoạn khởi động trước thềm giải đấu) đó sao?

Và cũng xứng đáng bị nghi ngờ

Tuy nhiên, dù không có áp lực thành tích trên lý thuyết, thì trong thực tế, ĐT Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức kinh khủng khác: yếu tố sân nhà. Mọi cổ động viên trên thế giới cũng đều luôn mơ mộng về những điều lớn lao nhất, chỉ cần còn một phần nghìn hy vọng. Điều đó, dù muốn dù không, cũng sẽ luôn biến những hồi trống thúc quân từ các khán đài rợp mầu cờ đỏ thành những sứ mệnh khắc nghiệt. Cũng cần phải nhắc lại, hai lần làm chủ nhà của Giải vô địch bóng đá các quốc gia Đông - Nam Á trước đây, người hâm mộ Việt Nam đều không được hưởng niềm vui trọn vẹn. Tiger Cup 1998 là một nỗi nuối tiếc khôn nguôi, với thất bại không thể tin nổi từ cái lưng của một hậu vệ Singapore (Xin-ga-po) trong trận chung kết. Còn năm 2004, ĐT Việt Nam đã phải cúi mặt rời cuộc chơi ngay sau vòng bảng, với thảm bại 0-3 trước ĐT Indonesia (In-đô-nê-xi-a) ngay tại SVĐ Mỹ Đình.

Bên cạnh đó, sẽ là sai lầm nếu như cho rằng một khi HLV Miura đã gây được tiếng vang ở sân chơi tầm cỡ châu lục như ASIAD 17 thì cũng sẽ dễ dàng tái lập thành công ấy ở đấu trường có quy mô nhỏ hơn. Bài học của năm 2007 vẫn còn nóng hổi. Dưới tay HLV Alfried Riedl (A.Ri-e-đơn), ĐT Việt Nam đã lần đầu tiên lọt vào vòng tứ kết Giải vô địch châu Á (ASIAN Cup), còn ĐT Olympic Việt Nam đã lọt vào vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh 2008, và thậm chí có thời điểm đã tiến tới rất gần một vé tham dự Thế vận hội. Nhưng, chỉ sau đó vài tháng, cũng với HLV ấy và lực lượng ấy, bóng đá Việt Nam đã thất bại thê thảm ở SEA Games 24 tại Thái-lan.

Không khó để lý giải sự khác biệt này, bởi khi thi đấu ở sân chơi châu lục, các cầu thủ mới thật sự chẳng phải chịu bất cứ thứ sức ép tâm lý nào. Hơn nữa, những người am hiểu bóng đá đều biết, đá với chiến thuật phòng ngự phản công kiểu "kèo dưới" luôn dễ hơn nhiều so với việc phải chủ động tiến công. Còn khi về với sân chơi khu vực, chúng ta khó lòng vào trận với lối chơi và tinh thần như vậy. Đó cũng có thể là nguyên nhân vì sao ĐT Olympic Việt Nam đã thi đấu ấn tượng như thế ở ASIAD 17, nhưng ĐT quốc gia lại chưa thể phô diễn phong độ tương tự, dù cùng được dẫn dắt bởi một người.
Với chừng ấy lý do, quả thật sẽ rất khó dự đoán cho hành trình của ĐT Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2014 sắp tới, nhất là khi lịch thi đấu lại không ủng hộ thầy trò HLV Miura. Chúng ta sẽ phải chạm trán với hai đối thủ mạnh nhất bảng đấu ở ngay hai lượt trận đầu tiên. Nghĩa là, chỉ cần một cú trượt chân trong hai cuộc so tài này, nguy cơ bị loại sớm là điều hoàn toàn có thể xuất hiện.

Vấn đề là nếu kịch bản tồi tệ đó xảy ra, người hâm mộ Việt Nam sẽ chọn cách phản ứng như thế nào? Ngay lập tức quay lưng lại với đội tuyển, hay tiếp tục sát cánh bên họ, để tiếp sức cho một cuộc hành trình tái thiết rất dài mới chỉ vừa được bắt đầu?

Hoàng Linh - Đông Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục