EURO từ nước chủ nhà: Ba Lan mong chờ “hiệu ứng Barcelona”

15:30 Thứ hai 28/05/2012

“Hiệu ứng Barcelona” (Barcelona Effect) là cụm từ được chính phủ Ba Lan xem như kim chỉ nam cho chiến dịch EURO 2012. Warsaw khát khao được lột xác nhờ EURO giống như thành phố Barcelona từng hưởng lợi nhờ Thế vận hội 1992.

Ba Lan đang rất hy vọng cú hích từ một EURO 2012 thành công

Tấm gương Barcelona là mục tiêu mà người Ba Lan hướng đến. Thế vận hội 1992 tổ chức ở thủ phủ xứ Catalan đã giới thiệu Barcelona tới cả thế giới. Thành phố nằm dọc bờ Địa Trung Hải này lập tức trở thành cục nam châm thu hút khách du lịch và các dự án đầu tư kinh tế. Olympic 1992 không chỉ để lại cho Barcelona hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại mới được xây dựng mà còn là bệ phóng đưa Barcelona trở thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch hấp dẫn nhất ở châu Âu.

Warsaw đang đứng trước cú hích tương tự. Theo ước tính, sẽ có từ 700.000 đến 1.000.000 CĐV đổ bộ xuống Ba Lan trong thời gian diễn ra EURO 2012. Lượng CĐV này sẽ “nộp” cho nước chủ nhà khoảng 193 triệu euro chi phí ăn ở đi lại… Khoản doanh thu lớn này thực ra không quan trọng bằng khoản “lãi” vô hình nhưng khổng lồ, đó là hình ảnh của Ba Lan đến được với đông đảo NHM trên khắp thế giới. “Họ sẽ là đại sứ du lịch của chúng tôi”, giám đốc tổ chức du lịch Ba Lan Rafal Szmytke nói về các CĐV.

Lượng khách du lịch nước ngoài tới Ba Lan hiện vào khoảng 10 triệu lượt người/năm. Nhưng sau EURO 2012, con số đó có thể tăng lên đến 13,6 triệu vào năm 2013 theo ước tính của các chuyên gia kinh tế. “Việc đầu tư lớn nhất của EURO 2012 không phải là những SVĐ mới, những sân bay được hiện đại hóa, những con đường hay nhà ga. Mà quan trọng hơn, đó là sự đầu tư vào thương hiệu và danh tiếng của Ba Lan thông qua sự theo dõi của hàng trăm triệu người trên truyền hình hay hàng trăm nghìn CĐV tới đây. Họ sẽ đánh giá chúng tôi không chỉ ở khía cạnh thể thao”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk từng tuyên bố như vậy.

Việc Ba Lan bỏ ra tới 22,8 tỷ euro cho EURO 2012, trong đó có tới 90% xuất phát từ công quỹ khiến xuất hiện dư luận lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên cần biết rằng chỉ có 4% trong số 22,8 tỷ euro được dành để nâng cấp các SVĐ. Phần lớn khoản tiền trên dùng để nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu của đời sống như giao thông, sân bay. Rõ ràng, số tiền khổng lồ đầu tư cho EURO không phải là câu chuyện của các SVĐ, mà đó là câu chuyện hiện đại hóa đất nước.

Ba Lan đang dốc sức cho EURO 2012 vì một giải đấu thành công tốt đẹp. Nhưng lợi ích lâu dài của nó mới là mục tiêu cuối cùng của nước đồng chủ nhà.

Tú Sơn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục