Chuyện chưa kể ở SEA Games 26: Hồn Việt nơi xứ người

16:02 Thứ năm 26/01/2012

Mỗi ngày đều thức dậy từ sớm, vượt hơn 100 km lên cổ vũ đội tuyển U23 thi đấu.

Trường President – nơi có đông đảo các du học sinh Việt Nam cổ động SEA Games 26.

Đội ngũ CĐV nhiệt thành ấy là những du học sinh Việt Nam đang “dùi mài kinh sử” tại các trường đại học Indonesia. Chính họ đã biến SEA Games 26 (vừa được tổ chức hồi tháng 11/2011) thành một ngày hội thực sự và tạo nên ấn tượng đẹp đẽ về “hồn Việt” trên đất khách quê người trong mắt bạn bè quốc tế.

Tình yêu bóng đá ở ngôi trường đặc biệt

Nằm cách trung tâm Thủ đô Jakarta khoảng gần 80km về phía đông, trường Đại học President (Indonesia) là nơi có đông du học sinh VN theo học nhất, khoảng gần 100 sinh viên. So với nhiều quốc gia khác, Indonesia không phải là địa điểm được nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn như là nơi lý tưởng để du học. Nhưng khi đến President và tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của ngôi trường này, người viết mới hiểu vì sao President được đông đảo du học sinh Việt Nam lựa chọn. Nổi bật với hệ thống đào tạo không kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực và châu lục, trường Đại học President hỗ trợ tối đa tiền học phí nên mỗi năm, các sinh viên ngoại quốc chỉ đóng khoảng 2.000 USD.

Với không gian rộng hơn 10.000 m2, đại học President có đầy đủ các khu học tập, nghiên cứu. Khu ký túc xá của trường có thể chứa được 3.000 sinh viên lưu trú trong cùng một thời điểm, thậm chí là cả hệ thống nhà hàng đủ món ăn của các nước, tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên nước ngoài theo học. Lịch học ở đây khác so với sinh viên trong nước, 1 năm học tại Indonesia là 3 kỳ, mỗi kỳ từ 2,5 đến 3 tháng, sau đó được nghỉ khoảng 1 tháng. Đến trường Đại học President trong những ngày SEA Games 26 diễn ra quyết liệt, thêm một điều khiến chúng tôi rất ấn tượng là không khí SEA Games 26 tràn ngập trong khu ký túc xá sinh viên VN.

So với các bạn bè trong khu vực, thậm chí là cả các học sinh người bản xứ, các sinh viên VN ăn đứt về khâu chuẩn bị cổ vũ, sự cuồng nhiệt. Cờ Tổ quốc được treo rất nhiều. Sau những giờ học, các sinh viên VN tụ tập với nhau ở các căn phòng ký túc để cổ vũ cho các đội tuyển VN, chứ không riêng gì bóng đá.

Tâm Hiền và nụ cười rạng rỡ trên khán đài Bung Karno.

Hết mình vì SEA Games 26

Tâm Hiền – sinh viên đang theo học năm 2 Khoa quản trị khách sạn – nhà hàng tại đại học President tâm sự: “Chúng em đã theo dõi lịch thi đấu của đội tuyển bóng đá tại SEA Games 26 từ trước đại hội cả tháng. Đây quả thực là cơ hội hiếm có không thể bỏ lỡ. Nhưng với giá vé loại rẻ nhất cũng lên tới gần 500.000 đồng/chiếc (quy ra tiền Việt), bài toán kinh tế đặt ra cho chúng em cũng là vô cùng lớn”. Để có thể cháy hết mình vì đội tuyển, nhóm của Hiền đã nghĩ ra cách mua hoa quả tươi về làm ô mai bán thêm vào các buổi tối. “Mệt và bận rộn nhưng thu nhập khá ổn. Tụi em thường phải làm việc đến 11-12h đêm, sau đó mới trở về ký túc làm bài tập. Nhưng quan trọng là sau nhiều ngày vất vả, cả nhóm tích lũy được đủ tiền mua vé xem các trận vòng bảng”. Trong những ngày SEA Games 26 diễn ra sôi nổi, lịch học được nhà trường “nới lỏng”, nhóm của Hiền lại tiếp tục đi làm ngoài thời gian cổ vũ với hy vọng kiếm đủ tiền mua vé xem trận bán kết, chung kết.

Tinh thần cháy hết mình vì đội tuyển tại SEA Games 26 ấy cũng là lý do để nhiều du học sinh Việt Nam phát huy sự sáng tạo trong công việc của mình. Bo, Hoàng là hai bạn du học sinh Việt Nam hiện đang bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Nhưng từ những ngày đầu SEA Games, họ luôn bận rộn với vai trò tình nguyện viên. Họ nhận lời BTC giúp đỡ các đội tuyển của Đoàn TTVN. Lịch di chuyển bận bịu tối ngày. Vậy mà mỗi lúc rảnh rỗi, Bo, Hoàng vẫn sẵn sàng hỗ trợ cánh phóng viên giải quyết những vấn đề từ nhỏ (mua sim điện thoại, tìm điểm kết nối internet) đến lớn (thuê khách sạn, tư vấn về đồ ăn, thức uống). Những lúc bận bịu, họ lại cùng nhau thiết lập hẳn một “đường dây nóng” giúp đỡ phóng viên Việt Nam sang Jakarta. Sự nhiệt tình của họ càng hâm nóng thêm nhiệt huyết nơi những người làm báo trên xứ người. Hơn bao giờ hết, tình quê hương, nghĩa đồng bào đã được thể hiện qua hình ảnh của các du học sinh người Việt trên đất nước chủ nhà SEA Games 26.

Nét đẹp Việt nơi đất khách

Khoảng cách địa lý và chi phí đắt đỏ khiến cho suốt vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 26, CĐV Việt Nam từ quê nhà kéo sang cổ vũ rất ít ỏi. Ở Jakarta, không giống như Vientianne (Lào) nơi sinh sống, làm việc của rất nhiều Việt kiều, tinh thần Việt Nam, những lá cờ đỏ sao vàng chỉ được nhìn thấy qua các du học sinh là chính. Mỗi trận đấu, từ President và một vài trường lân cận, hàng trăm du học sinh Việt Nam lại xuất hiện trên khán đài. Sự cuồng nhiệt, bản sắc Việt Nam mà các bạn trẻ thể hiện thực sự đã làm bật lên nét đẹp quê hương rực rỡ nơi đất khách.

Hôm U23 Việt Nam đá khai mạc gặp U23 Philippines, Hải Yến – sinh viên năm 3 trường President chia sẻ: “Chúng em đã vượt gần 100 km đường bộ để lên cổ vũ cho đội tuyển. Mọi việc đều được lên kế hoạch từ sớm trước cả tháng, bởi ai cũng xác định SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia là cơ hội lớn cho tất cả thể hiện tình yêu với tổ quốc mình”.

Những du học sinh Việt Nam luôn “cháy” hết mình đã tạo nên ấn tượng đẹp. Ảnh: Mai Hương.

Tham vọng ấy đã khiến các du học sinh tự động họp nhau lại từ rất sớm vào mỗi buổi sáng ngày thi đấu. Bên cạnh lòng nhiệt tình, các bài cổ động cùng “đồ nghề” như: loa, kèn, trống, băng rôn, cờ…đều được chuẩn bị đâu vào đấy. Được ban giám hiệu nhà trường “ủng hộ” hai chiếc xe 45 chỗ ngồi phục vụ di chuyển, các sinh viên chủ động đến sân từ sớm. Họ chờ đợi thầy trò HLV Falko Goetz ở lối vào và cùng nhau hát những bài hát sôi động, tấu lên tiếng kèn rạo rực lòng người. Từ “chảo lửa” Bung Karno đến SVĐ “cấp huyện” Lebak Bulus, hình ảnh ấy đã liên tục được tái hiện.

Một đồng nghiệp Singapore khi tác nghiệp cùng tôi trên sân Bung Karno ngày khai mạc đã đặc biệt ấn tượng trước hình ảnh một góc khán đài đỏ rực màu cờ đỏ sao vàng và không ngớt tiếng hò reo. Chỉ có chừng hơn 100 du học sinh ngồi đó, nhưng bầu không khí mà họ tạo ra thực sự cuồng nhiệt. Ít người biết, mỗi khi ghi bàn thắng, các tuyển thủ U23 Việt Nam thường chạy ăn mừng về phía tập trung các CĐV trung thành và rất đặc biệt đó, những người luôn “tự hào là người VN và sẽ cổ vũ hết mình đến những trận đấu cuối cùng”.

Có một câu chuyện thú vị ở SEA Games 26 liên quan đến hành trình theo chân đội tuyển của các du học sinh Việt Nam. Vé vào xem các trận đấu vòng bảng môn bóng đá nam rất đắt đỏ. Biết được những khó khăn này, Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn đã gom hết vé mời của lãnh đạo, ban huấn luyện và các cầu thủ U23 Việt Nam để tặng cho các du học sinh.

Các thành viên của đội U23 đều vui vẻ đáp ứng nguyện vọng này, bởi người thân của họ hầu như cũng chưa sang Indonesia trong dịp vòng bảng. Nhờ số vé rất lớn từ đội tuyển U23, các du học sinh đã tiết kiệm được khá nhiều tiền. Số tiền tiết kiệm này sau đó đã được gom lại mua vé xem trận bán kết giữa U23 Việt Nam – U23 Indonesia. Rất tiếc là trong trận đấu bán kết, thầy trò HLV Falko Goetz đã thất bại với tỷ số 0-2.
Hải Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục