Chuyện “chàng” Mách

09:47 Thứ hai 23/01/2012

7.430.000 là số kết quả mà Google “tra được” trong vòng 0,06 giây cho từ khóa “phạm văn mách”, với từ khóa “lực sĩ Phạm Văn Mách” là 581.000 kết quả trong 0,24 giây. Toàn bộ kết quả hiển thị ở trang đầu đều liên quan đến Cặp đôi hoàn hảo (CĐHH). Chỉ 6 tuần phiêu lưu cùng CĐHH đã đủ để “ca sĩ” Phạm Văn Mách “đè bẹp” lực sĩ Phạm Văn Mách, người đang sở hữu một bảng thành tích đồ sộ: 3 HCV thế giới, 6 HCV châu Á, 3 HCV Sea games, rất nhiều HCV quốc gia… sau hơn 10 năm theo đuổi nghiệp thể hình.

Chàng lực sĩ mê hát

Khi được hỏi cảm nghĩ về “sự bất công” nói trên, Mách chỉ cười, nói: “Tôi thấy rất bình thường, không có gì phải so đo hết. Thể thao thì không thể nóng bỏng như văn hóa nghệ thuật về mặt thông tin đại chúng rồi. Chỉ mỗi lần có giải thi đấu mới có thông tin. Không xuất hiện thường xuyên thì không riêng gì thể hình mà môn nào cũng vậy thôi, ngoại trừ bóng đá là môn vua rồi nên… không chấp, khó mà thu hút sự chú ý nhiều của giới truyền thông”. Hơn 10 năm là người nổi tiếng nhưng phải đến khi “bỗng dưng… hot” cùng CĐHH, Phạm Văn Mách mới trải nghiệm đầy đủ và “thấm thía” cả hai mặt phải - trái của sự nổi tiếng. Mách vui khi được mọi người biết đến và công nhận là một lực sĩ có khả năng ca hát, lại có thêm nhiều fan hâm mộ, được nhiều khán giả nhận ra chào hỏi, làm quen, được quen biết thêm nhiều người bạn mới trong giới showbiz... Nhưng khó có thể nói anh vẫn hoàn toàn vô tư khi trở thành đối tượng bị săm soi, nhất cử nhất động đều có thể xuất hiện trên “bản tin”. Cũng lần đầu tiên anh biết thế nào là “búa rìu dư luận”, là “bị đánh hội đồng”. Và biết “sợ… báo chí”, nhất là khi có những bài báo hoành tráng viết về mình mà anh không biết nguồn tin ở đâu ra.

Phạm Văn Mách tập luyện tại phòng tập của anh trên đường Huyền Trân Công Chúa, Q.1, TP.HCM...

Nhưng đó lại là phần không thể thiếu của showbiz mà anh đang “dạo chơi”. CĐHH là một cuộc chơi thú vị mà ở đó Mách được thể hiện năng khiếu, sở thích ca hát; là cơ hội để anh cho mọi người thấy một khía cạnh khác của “lực sĩ”: bên cạnh cơ bắp rắn chắc, thân hình vạm vỡ là một tâm hồn cũng… lãng mạn như ai. Không ít người đã giật mình ngỡ ngàng khi những giai điệu quen thuộc của Careless Whisper được chàng lực sĩ thể hiện “ngọt” đến thế trong đêm khai màn CĐHH. “Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi. Những lúc buồn hay bị stress (tình trạng… thường xuyên, nhất là trong 3 tháng chuẩn bị “nước rút” trước mỗi giải đấu) âm nhạc giúp tôi giải tỏa rất nhiều. Tôi thích những bài hát tiếng Anh bất hủ với giai điệu trữ tình, nội dung sâu sắc, rất dễ đi vào lòng người. Ngoài Careless Whisper, tôi yêu những giai điệu mượt mà của Hotel California, Right Here Waiting For you, Nothing Gonna Change My Love For You…”, Mách chia sẻ.

Đặc biệt, âm nhạc cũng “góp công” rất lớn cho “bảng vàng” của Mách. Sở thích ca hát, khả năng thẩm âm tốt giúp anh cảm nhận dễ dàng về nhịp điệu mà luôn tự tin với các phần thi biểu diễn trên nền nhạc. “Đây là phần thi rất khó. Khi biểu diễn, không những phải thể hiện rõ cơ bắp trên góc độ tạo hình, không những cơ bắp chuẩn mà các động tác phải nhịp nhàng theo nhạc nền, uyển chuyển về hình thể. Tôi thường tự tay dàn dựng, làm nhạc cho các bài thi của mình. Phải chọn nhạc cho phù hợp, phải cắt chỗ này, xén chỗ kia, gọt giũa lại, kết hợp thêm hiệu ứng âm thanh (như làm động tác người máy thì phải có tiếng động như thế nào), rồi lúc cao trào, lúc nhẹ nhàng ra sao... Công đoạn này là “cực” nhất nhưng nếu chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ đem lại kết quả tốt. Tôi rất thích cảm giác được đứng trên sàn đấu biểu diễn, khi tiếng nhạc vang lên là chỉ còn có mình với âm nhạc, cảm nhận trọn vẹn những giai điệu đó, thả từng động tác hòa hợp cùng điệu nhạc…”, Mách cho biết.

Màu cờ sắc áo là trên hết

Thời gian qua, thông tin về con đường “hậu CĐHH” của Phạm Văn Mách có vẻ đang bị… nhiễu: người nói anh sẽ giải nghệ để tập trung cho “giấc mơ ca sĩ”, người nói anh sắp tung ra album đầu tay... Mách cũng xác nhận anh nhận được nhiều lời mời đi hát và đã có những chuyến lưu diễn xa TP.HCM. Tuy nhiên anh chưa bao giờ nhận mình là “ca sĩ” và cũng chưa hề có ý định từ giã sự nghiệp thể hình đã làm nên tên tuổi Phạm Văn Mách hơn 13 năm nay. “Vận động viên thể hình có thể thi đấu đỉnh cao đến 40 tuổi. Tôi đang ở thời kỳ phong độ cao, tại sao lại nghĩ đến chuyện giải nghệ? Vừa rồi, tôi nợ người hâm mộ một tấm HCV thế giới, tôi sẽ trả lại vào năm sau”, Mách khẳng định.

Hào quang của showbiz dẫu có bắt mắt thật nhưng không phải là Mách chưa từng nếm trải vinh quang từ sự nghiệp thể hình (mà có lẽ còn chói sáng hơn). Mách không thể nào quên lần đầu tiên anh đem về chiếc HCV thế giới hạng cân 60kg cho thể hình Việt Nam tại Myanmar vào năm 2001: “Thật không thể tưởng tượng được! Vừa về tới sân bay là tôi hoàn toàn sửng sốt khi thấy toàn bộ lãnh đạo Sở ra đón rất nồng nhiệt. Rồi một nghi thức đón rước rất “hùng vĩ” với đội ngũ mô tô hùng hậu, mỗi bên 25 chiếc dàn hai hàng, dẫn đường, tôi đứng trên một chiếc xe hơi thể thao giơ cao chiếc HCV thế giới, thêm 2 xe ô tô 16 chỗ đi sau… Cả đoàn diễu hành đến tượng đài Bác báo công. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất và càng ý nghĩa hơn khi ba tôi cũng có mặt chứng kiến ngày hôm đó”.

...và trên sân khấu ca hát với bạn diễn Văn Mai Hương

Phạm Văn Mách càng có lý do để tự hào hơn nữa khi anh gần như đi lên từ hai bàn tay trắng và có một tuổi thơ không ít thăng trầm. Ít ai biết rằng Mách xuất thân từ một gia đình gia thế ở Phú Tân (sau chuyển lên Long Xuyên, An Giang). Là con trai duy nhất trong gia đình có đến 8 chị em gái nên dễ hiểu khi Mách trở thành tâm điểm của sự cưng chiều. Anh kể: “Hồi nhỏ được cưng lắm, gần như là muốn gì được nấy. Mà cũng “làm trời, làm đất” dữ lắm à, ai mà đụng tới đồ chơi của tôi là không… yên đâu” (cười). Tuổi thơ “nhung lụa” của Mách không kéo dài, khi anh vào cấp học 2 thì kinh tế gia đình sa sút. Còn ở tuổi “ham chơi”, Mách vẫn rất hồn nhiên vô tư, chưa ý thức được những lo toan của gia đình. Anh dường như cũng không mấy bận lòng khi điều kiện sống của mình thay đổi. Cuối năm lớp 11, như một cái duyên Mách và nhóm bạn cùng lớp rủ nhau đi tập thể hình, vốn là phong trào mới nổi ở Long Xuyên thời gian đó. Ngay chính bản thân Mách cũng không ngờ chỉ từ “tập cho vui” theo phong trào lại trở thành cái “nghiệp” của anh.

Năm 1995, thi trượt Đại học Kiến trúc (anh thích vẽ và đã biết cầm cọ vẽ từ năm… 3 tuổi), Mách khăn gói lên Sài Gòn luyện thi lại, phải tự bươn chải nuôi thân và kiếm tiền học. Nhờ “vốn liếng” những ngày tập thể hình ở Long Xuyên, Mách được nhận làm hướng dẫn viên cho một trung tâm thể hình ở Tân Bình. Tại đây, anh được động viên tham gia giải thể hình học sinh - sinh viên và ngay lập tức lấy HCV, rồi tiến tới HCV toàn quốc ở hạng phong trào. Cuối năm 1998, Phạm Văn Mách được “lên thẳng” đội tuyển quốc gia, trước khi được triệu tập vào tuyển… TP.HCM (!). Từ đây, Mách nhận ra đâu là con đường mình cần đi.

Hơn 13 năm cống hiến với biết bao gian khó, nhất là những thử thách về ý chí, nghị lực - những “đợt hành xác” trước mỗi giải đấu: chế độ luyện tập, ăn uống kiêng cữ rất nghiêm mà nói theo Mách là “ăn chay còn dễ hơn” hay “rất dễ stress vì… ăn kiêng”; cái “nghèo” chung của nghiệp VĐV thể thao (trừ cầu thủ bóng đá); rồi việc thiếu thời gian cho cuộc sống riêng, và đủ thứ linh tinh khác… - Mách vẫn đứng vững và chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Anh chia sẻ: “Hoàn toàn không có chuyện làm giàu, hay dư ăn dư để khi chọn con đường của một VĐV chuyên nghiệp. Động lực chính giúp chúng tôi gắn với sự nghiệp chỉ có niềm đam mê và trách nhiệm với quốc gia. Ra đấu trường quốc tế thì màu cờ sắc áo là quan trọng lắm. Chúng tôi hầu như không nghĩ đến chuyện tiền bạc nữa mà chỉ tưởng tượng khi vô địch lá cờ Việt Nam bay lên, Quốc ca Việt Nam được cất lên với tất cả niềm tự hào. Đem vinh quang về cho đất nước, khiến đối thủ phải tôn trọng mình, thấy “nể” khi nghe đến hai tiếng Việt Nam là mục tiêu rất thật của chúng tôi, chứ không chỉ là những lời phát biểu hoa mỹ để báo công hay… lên báo…”

Chế độ ăn tập của Phạm Văn Mách ở đội tuyển quốc gia trung bình khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng (đã được tăng lên đáng kể trong năm 2011). Với sự tốn kém của một VĐV thể hình (7 bữa ăn/ngày, có 4 bữa chính và 3 bữa phụ, đảm bảo dinh dưỡng nghiêm ngặt) bắt buộc các VĐV phải có thêm nghề tay trái để “nuôi nghề”. Từ năm 2001, Mách đã tích cóp và mở được một phòng tập thể hình riêng tại Phú Nhuận. Hiện nay, phòng tập của anh tại đường Huyền Trân Công Chúa (Q.1) là nguồn thu nhập chính của Mách. Và sau bao năm ở nhà thuê, nay Mách cũng đã dành dụm đủ mua một căn nhà ở Nhà Bè để ổn định và tính chuyện lâu dài (kết thúc cuộc sống độc thân chẳng hạn?).
Ngọc Tuyết | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục