Câu chuyện bóng đá: Nghề cầu thủ và câu chuyện “xuất ngoại”, “định cư”!

21:24 Thứ ba 15/12/2015

Những ngày qua, dư luận cả nước không ngừng xôn xao trước câu chuyện Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ - Dương Thái Công chia sẻ về việc ông Doãn Minh Đăng, một giáo viên của trường (cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia) tố cáo ông và trường lên mạng xã hội.

Liên quan đến câu chuyện của ông Doãn Minh Đăng, đáng chú ý là một cựu thí sinh khác của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là Nguyễn Thành Vinh (đang định cư tại Úc) đã đăng đàn bày tỏ suy nghĩ của người có cơ hội “xuất dương”, đồng thời giải thích vì sao đa số sinh viên Việt Nam đều có chung suy nghĩ “không nên trở về” nếu muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp với những đãi ngộ cao hơn.

Trải nghiệm về công việc và định hướng tương lai của cựu học sinh Trường THPT Lam Sơn không phải không có những phần đúng. Song dường như Nguyễn Thành Vinh đã không chú ý đến yếu tố “năng lực” và “khả năng thích nghi” - yếu tố mà theo chúng tôi là điều kiện cốt tử để có thể định cư ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Lấy dẫn chứng từ những chuyển động trên sân cỏ - làng cầu quốc nội từng chứng kiến không ít chuyến xuất dương khá ầm ĩ. Chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp tiền vệ đội bóng bên bờ sông Mã - Mai Tiến Thành (thử việc tại CLB Leed United).

Khán giả biết đến Mai Tiến Thành là nhờ một buổi phát sóng Đường lên đỉnh Olympia năm 2003 (có thí sinh người Thanh Hóa tham dự) từ lời giới thiệu rất ấn tượng từ người dẫn chương trình: thí sinh giành giải nhất tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ bóng đá Việt Nam”, giành suất học bổng 9 tháng tại câu lạc bộ Leeds United (những năm đầu thế kỷ 21, Leeds là đội bóng lừng danh xứ sương mù, nhiều mùa giải liên tiếp góp mặt trong nhóm dẫn đầu).

Vậy mà chỉ vẻn vẹn 2 tuần sau, Mai Tiến Thành buồn bã hồi hương cùng lời giải thích của công ty Lasta (đơn vị đồng tổ chức cuộc thi): giải nhất chỉ giúp Mai Tiến Thánh "xuất ngoại" trong hai tuần, còn có được tu nghiệp hay không thì cần phải trải qua một cuộc kiểm tra ngặt nghèo về thể lực và kỹ thuật. Cũng như một số cầu thủ trẻ châu Á khác, Mai Tiến Thành “đo ván” ở bài thi thể lực.

Chịu chung “số phận” như Mai Tiến Thành là cựu tiền đạo lừng danh - đương kim huấn luyện viên trưởng đội bóng Chùa vàng Kiatisuk. Trong những năm đỉnh cao của sự nghiệp, “Zico Thái” từng được đưa sang đội bóng Huddersfield thi đấu ở giải hạng Nhất Anh, nhưng do không đáp ứng được yêu cầu về năng lực cũng như thể lực nên tại đây Kiatisuk phải “xách va-li về nước” chỉ sau đúng 1 mùa giải.'

Bóng đá Thái còn nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” khác như cầu thủ từng được coi là thần đồng của bóng đá Thái Teerathep Winothai từng có thời gian học việc khá dài ở các CLB: Crystal Palace, Everton (Anh), nhưng khi “bế giảng khóa học” cũng là lúc anh phải ngậm ngùi hồi hương và gắn bó với giải quốc nội Thai-League.

"xuất ngoại" và “định cư” dù là trong bóng đá hay các ngành nghề khác thì cốt lõi của vấn đề không chỉ là cơ hội mà như đã nói, cần phải lưu ý tới “năng lực” và “khả năng thích nghi”.

Điều này sẽ được kiểm chứng thêm qua những chuyến “Đông du” gần đây của các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai - sự kiện đang được xem là “nóng” ở V-League.

Mạnh Hà (THO) | 09:19 15/12/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục