Cá độ bóng đá: 'Làm kinh tế' đừng quên hệ lụy xấu

08:40 Thứ ba 26/03/2013

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo về cá cược bóng đá, đại diện tập đoàn chuyên tổ chức các hoạt động cá cược của Anh đã đưa ra con số lợi nhuận hơn nửa tỷ USD, khiến những tín đồ của bóng đá Việt Nam "giật mình thon thót".

Cái nhìn mới về cá độ bóng đá

Câu chuyện cấm hay không cấm cá độ bóng đá ở Việt Nam trở thành một đề tài tranh luận của giới quan chức bóng đá và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đã có nhiều đề xuất khác nhau nhưng đến nay vẫn chưa có một phương án nào khiến người hâm mộ yên lòng. Trong khi mọi đề xuất của các cơ quan quản lý đang ở dạng "ý tưởng" thì thực tế dân cá độ vẫn cứ âm thầm "cá độ chui" bất chấp luật pháp ngăn cấm.

Thống kê về lợi nhuận từ cá độ bóng đá ở nhiều nước trong khu vực và thế giới khiến nhiều nhà quản lý bóng đá Việt "mê mẩn". Họ tin rằng, nguồn thu này tạo ra kinh phí để đầu tư phát triển bóng đá mà không cần phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước. Từ những chuyến "vi hành", khảo sát tại trời Âu, trời Á, của nhiều chuyên gia, bộ phận chóp bu của bộ máy quản lý bóng đá Việt, tất thảy đã rút ra được một "bài học", muốn có tiền thì nên cho "cá độ" bóng đá. Càng phong phú về hình thức bao nhiêu nguồn lợi thu được sẽ lớn bấy nhiêu. Số tiền lợi nhuận mang đến sẽ là một nguồn "dinh dưỡng" dồi dào để nuôi mầm bóng đá trẻ.

Từ những trải nghiệm "chớp nhoáng" sau những chuyến hành trình ở các nền bóng đá phát triển từ Âu sang Á các chuyên gia đã đưa ra nhiều phát kiến. Một cách nhìn mới được đưa ra "V-League và giải hạng nhất sẽ trở thành sân chơi hấp dẫn cho giới cá cược tại Việt Nam". Đây được xem là cuộc "cách mạng" trong tư duy của những nhà cải cách bóng đá Việt. "Chúng ta cần thay đổi tư duy và nhận thức về vấn đề này. Hiện tại, bóng đá nội chưa thực sự thu hút người dân đến xem nên ban tổ chức các sân chưa thể thu hút được nhiều tiền từ bán vé. Nếu áp dụng mô hình các cược các trận đấu của V - League, hạng nhất, sẽ kích thích khán giả đến xem đông hơn. Và cũng từ đó, thu được số tiền không nhỏ", ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF cho biết.

Trên thế giới, cá cược bóng đá đã diễn ra phổ biến từ rất lâu.

Ý kiến của ông Hỷ không phải một phát kiến gì mới, bởi thế giới đã áp dụng việc cá độ đã hàng chục năm nay. Nhưng điều đáng lo ngại, lập luận của ông Hỷ tỏ ra khá lạc quan: "Ở Singapore, mỗi năm, thu được khoảng 10 triệu USD từ cá cược bóng đá. Việt Nam mỗi năm mất ít nhất 4 tỷ USD. Mấy năm trước, một nhà cái đến Việt Nam tìm hiểu, đã gặp tôi và tiết lộ, họ kiếm được rất nhiều tiền từ dân cá độ Việt Nam. Tôi nghe rất xót vì chúng ta đã mất đi khoản ngoại tệ quá lớn, mà bóng đá Việt Nam lại đang rất thiếu tiền". Nghe bình luận rõ ràng nếu áp dụng bóng đá Việt sắp "giàu to". Không có gì đáng nghi ngờ điều này, bởi rồi đây cá cược sẽ được "mùa" nếu "giấc mơ" của vị quan chức này trở thành hiện thực.

Không khó để hiểu màu hồng mà cá độ mang lại đang phủ kín trong tư duy của vị quan chức này. Cũng dễ hiểu, bởi người Việt Nam thường có lối tư duy "ăn cây nào, rào cây ấy", miễn cây nhà mình sai quả nên không cần thiết phải nghĩ nhiều. Hệ lụy xấu, làm gì có! "Đặt cược ở nước ngoài rất văn minh và mô hình này, Việt Nam phải áp dụng vì cái hay là kiểm soát được cả người chơi. Ai thắng nhiều sẽ được đi du lịch, người thua nhiều cũng được mời đi du lịch. Các trận đấu sẽ khống chế cụ thể số tiền mỗi người được phép chơi".

Rõ ràng, với tư duy của vị quan chức này, cá độ không có gì phải nghĩ nhiều. Nhưng chúng tôi cũng hơi e ngại rằng, việc khảo sát từ các nền bóng đá của những người "lái con thuyền túc cầu Việt" có thực sự nghiêm túc. Chỉ đến sân xem bóng đá và khảo sát môi trường cá độ qua một trận đấu chẳng khác nào "cưỡi ngựa xem hoa". Không có gì toàn là màu hồng và cá độ bóng đá cũng vậy.

Tiền cá độ sẽ "chảy" về đâu

Con đường mà các nền bóng đá thế giới đang đi, Việt Nam sớm hay muộn cũng sẽ đi, tự do cá độ bóng đá ở các giải quốc nội nước ta cũng thế. Nhưng, đi như thế nào và lộ trình của nó ra sao cần phải suy xét kỹ càng. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch hội Cổ động viên Việt Nam, NSƯT Đức Trung chia sẻ, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh kinh tế, rõ ràng khi áp dụng cá độ ở các giải thi đấu bóng đá quốc nội sẽ mang đến một nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Số tiền này sẽ là nguồn vốn để đầu tư vào phát triển bóng đá trong nước. Nhưng mọi việc phải rất cẩn trọng, không thể nói nước phương Tây làm tốt mà áp dụng vào Việt Nam sẽ thành công.

Thực tế, vấn đề quản lý bóng đá ở nước ta còn yếu kém, từ cấp độ quốc gia đến câu lạc bộ. Nhiều trận đấu có dấu hiệu bán độ nhưng việc xử lý chưa được nhiều. Vụ việc bán độ có liên quan đến những cầu thủ như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh chỉ mới phản ánh được một phần của "thế giới ngầm" trong bóng đá Việt. Nhiều người tỏ ra lo ngại, nếu trường hợp các trận đấu bán độ được phát hiện, ai sẽ bồi hoàn số tiền cho những người tham gia cá độ. Những trường hợp bán độ không phát hiện được sẽ nhiều hơn số vụ bị phát hiện...

Đó là những lo lắng mà người hâm mộ Việt đặt ra, nếu được phép cá độ bóng đá tại các giải V- League và giải hạng Nhất. Theo ông Trung, để tránh làm hại nền bóng đá Việt, trước hết chỉ cho phép cá độ ở các giải quốc tế. Việc quản lý thuê công ty nước ngoài và tham gia các hình thức cá độ cần phải nghiên cứu kỹ, không nên ồ ạt cho phép áp dụng nhiều hình thức cùng một lúc. Vừa áp dụng vừa học hỏi, nếu có lợi sẽ làm, không có lợi sẽ cấm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, anh Nguyễn Đăng Thành ở Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, cá độ bóng đá cấm vẫn rất khó quản lý, nhưng cho cá độ hạn chế thì lại càng khó quản lý hơn. Ai chắc chắn rằng những người cá độ "chui" giờ chuyển sang cá độ ở những nhà cái của Việt Nam. Nếu như hạn chế về các loại hình cá độ chắc chắn không ít người chơi sẽ cá độ "chui". Khi đó, tiền vẫn cứ chảy ra nước ngoài, mà công tác quản lý càng khó khăn. "Nếu chỉ nhìn vào yếu tố kinh tế, tôi cho rằng chưa chắc đã được như mong muốn. Chúng ta còn kém xa về trình độ quản lý cho đến nhận thức người dân. Vì vậy tốt nhất cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng cá độ bóng đá trở thành hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nền bóng đá Việt và xã hội", anh Thành nhấn mạnh.

Trước mắt chỉ nên làm thí điểm

Theo đại tá Hồ Sĩ Tiến (ảnh bên), bóng đá Việt Nam tiếng là chuyên nghiệp nhưng thực chất lại chưa, vì quản lý lỏng lẻo, kể cả quản lý cầu thủ, bóng đá, trọng tài, giám sát... từ đó rất khó khăn để kiểm tra một trận bóng đó có minh bạch, có dàn xếp tỷ số hay không. Do vậy, khi chúng ta chưa kiểm soát tốt thì trước mắt chỉ cho tổ chức cá cược với các nhà cái nước ngoài về các giải bóng đá quốc tế, trong nước thì chưa nên. Đến khi chúng ta có hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn thì mới thực hiện. Mặt khác, hoạt động cá cược vốn nhạy cảm, phức tạp nên chúng ta cần thận trọng, trước mắt nên làm thí điểm, tổng kết rồi mới cho đại trà.
Như Hải - Anh Văn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục