Bóng đá Việt Nam: Thành thật để bước đi

13:05 Thứ hai 03/12/2012

Không khí AFF Cup chưa kịp nóng đã nguội lạnh quá nhanh. Đã bao lần người hâm mộ thất vọng, chỉ trích, trách móc, nhưng rồi năm sau lại cổ vũ cuồng nhiệt như ban đầu, sự “dễ dãi” ấy vô tình gây ra ảo tưởng. Không trách cầu thủ, sức họ có hạn, không trách huấn luyện viên, chuyên môn có mức, thất bại dây truyền của bóng đá Việt Nam là từ những người làm, quản lý bóng đá, không vun trồng từ gốc mà giải đấu nào cũng trèo cao, cũng đòi “quả ngọt”.

Môn thể thao mất gốc

Khi hai đội Việt Nam và Thái Lan trải qua thủ tục bắt tay đầu trận đấu, dễ nhận thấy gần như tất cả các cầu thủ của ta đều thấp hơn họ nửa cái đầu. Họ chơi với ta bằng nửa đội là dự bị, nhưng sức vóc, tốc độ, kỹ thuật đều hơn ta rõ ràng. Ngay cả yếu tố vớt vát là sự tự tin và tinh thần thi đấu, họ cũng vững vàng, chuyên nghiệp, lạnh lùng hơn chúng ta, điều mà Philippines lẫn Myanmar cũng đều làm được.
 
Bóng đá là một môn thể thao, thành công của nó dựa trên ba điểm chính: kỹ năng, thể chất, và cái đầu. Ở giải vừa qua, và cả ở nhiều giải gần đây, cầu thủ Việt Nam chỉ còn hơn được Lào, Philippines, Myanmar về kỹ năng chơi bóng, còn lại chúng ta gần như thua tất cả các đội khác về sức mạnh, bản lĩnh và tư duy chiến thuật. Những chiến dịch rèn thể lực chẳng cho thấy bất cứ thành quả nào ngoài vài trận giao hữu mà đối phương không căng hết sức, còn khả năng phối hợp, cấu trúc lối đá thì quá mịt mù khi khán giả quan sát trên sân.

ĐT Việt Nam trong trận gặp Thái Lan. Ảnh: affsuzukicup

Người ta ai cũng có lộ trình, từ tuyến trẻ đi lên, nghiêm túc, hiện đại, chẳng thế mà bóng đá Malaysia phát triển vù vù, Indo và Sing thì đều có những nét riêng, Thái Lan cũng rất mau chóng lấy lại đẳng cấp của mình. Cái gọi là “bản sắc” nghe chừng quá xa xỉ với bóng đá Việt Nam. Giải đấu hàng đầu V-League thì ngày càng bung bét, ngôi sao trong nước chẳng thấy mọc thêm, sau hơn chục năm từ thời Hồng Sơn, Huỳnh Đức, chẳng ai thấy cầu thủ hay hơn, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn ở điểm nào, ngoài những khoản tiền chuyển nhượng trên trời. Đào tạo của ta vẫn thế, còn thế giới thì đã đổi thay.

Gốc đã không được chăm sóc, thì có ghép vào “cây” những cành lớn đến mấy cũng chẳng thể nào ra quả. Đừng nói Phan Thanh Hùng, Falko Goetz, dẫu có là những huấn luyện viên danh tiếng cũng khó lòng cầm một đội bóng như Việt Nam mà vượt mặt các “đại gia” ở Đông Nam Á. Bé, yếu, chậm hơn, tư duy chiến thuật nghèo nàn, tinh thần yếu kém - “hiệu quả” của cả một quá trình đào tạo dài lâu không thể giải quyết chỉ bằng vài ba câu nói, vài miếng đanh hay.

Còn gì để đặt niềm tin

Những Thành Lương, Văn Quyết, Trọng Hoàng, Quốc Anh chơi không tệ, nhưng Quốc Anh thì đã xuống sức, còn lại, ngoài Trọng Hoàng, ai cũng thất thế toàn phần khi giáp mặt tay đôi, bài vở không có khiến chúng ta tấn công càng như húc đầu vào đá. Cũng có thể có “bài”, nhưng đó là những bài chỉ trôi chảy trên sân tập, khi hàng phòng ngự là chính chúng ta, yếu ớt và lỏng lẻo. Đừng thắc mắc tại sao ta tập hay đá dở, ta quen đá “kiểu Việt Nam”, hay trong vòng quây của chính mình, có biết đâu bên ngoài kia người ta đã tiến đến đâu, người ta chơi bóng thế nào.

“Mù” về đối thủ dẫn đến “mù” với cả bản thân. Trong thời đại lối đá tấn công tốc lực lên ngôi, lối đá phòng thủ khoa học làm mưa gió, thì chúng ta cứ như “người trên mây”, cặm cụi tập những miếng bài xưa cũ. Người đã không mạnh bằng, cách chơi cũng “lạc hậu”, tham vọng vào chung kết quả là tự tin đến… ngớ ngẩn. Chúng ta nói “sở trường” là bóng ngắn, kỹ thuật, nó đâu? Họ kỹ thuật hơn nhiều. Họ không đỡ hỏng, chuyền trượt, mất bóng vô duyên nhiều như ta, họ ban bật theo bài, đầy biến tấu, còn ta có bóng là loại loay hoay xem làm gì tiếp, thật khác nhau xa. Trong khi hậu vệ ta thường vừa nhìn vừa lùi cho họ thừa thời gian xử lý thì lúc bóng trong chân ta, họ chỉ cần ập vào thật nhanh đến khi ta mất bóng, đơn giản vô cùng.

Bây giờ, mỗi lần xem đội tuyển, trái tim người hâm mộ lại có thêm một vết thương, xót xa vì còn bao người cùng khổ, xót xa cho những môn thể thao khác. Bóng đá nam giờ như một thứ trang sức vàng giả lòe thiên hạ, các cầu thủ nhận quá nhiều so với khả năng thật sự. Nhiều người cay đắng nghĩ: Việt Nam phải đá vòng loại, như thế mới hiểu thực lực của mình, có thêm thời gian lắp ghép, thử nghiệm, mà căn bản, chúng ta không cho thấy mình có “tư cách” hơn hai đội Lào và Philippines một chút nào. Ta đang bị khu vực bỏ rơi, và vị trí số 1 Đông Nam Á trên BXH của FIFA như tiếng cười mỉa chua xót, nhiều hơn là sự động viên. 

Thôi thì chờ những mầm non từ Gia Lai, chờ mong môi trường chuyên nghiệp đem lại thế hệ vững gốc hơn, “hợp thời” hơn. Sẽ chẳng có ai từ chức, cùng lắm vài lời xin lỗi lấy lệ, trách nhiệm là của “chung’. Biết thế, nên cổ động viên Việt Nam chẳng dám mơ mộng nhiều. Tầm này sang năm, chúng ta lại bắt đầu cuộc chinh phục mới, lúc ấy những lá cờ đỏ sao vàng lại phấp phới lên thôi. Ai bảo người ta đã trót yêu, dẫu bị tổn thương, dẫu không được hồi đáp, vẫn còn đó một niềm tin dạt dào như vậy. Song yêu thì yêu, hãy nói với nhau những lời thành thật, đừng cố vẽ những trái chín ngọt ngào trên nhánh cây khô.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục