Bóng đá Việt & cơn ác mộng bạo lực (Kỳ 5): Thuốc nào để ngăn chặn bạo lực?

16:17 Thứ sáu 10/02/2012

Phát bệnh từ rất lâu, và cho tới giờ bạo lực sân cỏ đã là cơn bạo bệnh của bóng đá Việt Nam. Điều đáng buồn, những vết đen ấy không có dấu hiệu giảm mà còn có chiều hướng gia tăng làm cho người hâm mộ ngày một cạn niềm tin, chất lượng giải đấu đi xuống khiến sức mạnh của các ĐTQG chẳng thể hoá rồng...

Án phạt? Chỉ mới làm phần ngọn

Không phủ nhận một điều rằng, trong nhiều năm qua BTC các giải đấu đã vô cùng nỗ lực để cải thiện tình hình cũng như giải quyết những vấn nạn của bóng đá Việt Nam, trong đó có tình trạng bạo lực sân cỏ.

Thế nhưng, ở một góc độ nào đó cũng có thể thấy, những gì mà các nhà làm giải thực hiện chỉ giải quyết được những phần nổi, có nghĩa xử lý các vấn đề khi đã xảy ra.

Đơn cử là việc xử lý sự cố sân QK7 năm 2007, sân Vinh một năm sau đó hay treo và cấm các CĐV Hải Phòng tới sân... Tuy nhiên, tất cả những bản án đưa ra ấy chỉ là thuốc giảm đau tạm thời mà thôi.

Những hình phạt của BTC dành cho sân Vinh hay với các CĐV quá khích của Hải Phòng chỉ mang tính "giảm đau tạm thời"

Nhìn vào những sự cố liên tục tiếp diễn, và có hệ thống như tại sân nhà của SLNA năm 2008 hoặc những hành vi quậy phá của holigan đất Cảng là thấy.

Mùa bóng 2008, chỉ trong vài vòng đấu đã liên tục xảy ra chuyện với những vụ bạo loạn rất kinh hoàng trong trận đấu với Thể Công, rồi sau đó là hỗn chiến cùng holigan Hải Phòng.

Thế nhưng, chỉ sau khi xảy ra chết người an ninh tại sân bóng này mới được khép chặt, nhưng cũng chỉ được 1 thời gian lại tái phát trở lại khi sau đó cũng lại đổ máu.

An ninh sân cỏ rõ ràng là cần thiết và đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế, cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong trận đấu. Tuy nhiên, gần như ở các sân bóng Việt Nam điều này là rất ít được chú trọng.

Cần lắm, "nói đi đôi với làm"

Tăng cường an ninh trên các sân cỏ, đương nhiên để cắt "cơn điên" bao lực trước mắt. Còn về căn nguyên, như nhiều năm qua truyền thông đã lên tiếng, BTC cũng như những người làm bóng đá Việt Nam cần phải giải quyết triệt để tận gốc căn bệnh của mình ngay từ chính mình.

Cụ thể, những án phạt đưa ra cần mạnh mẽ hơn, và ít dung túng hơn như hiện tại. Rất nhiều tiền lệ đã xảy ra khi BTC đưa ra án khá nặng, nhưng chỉ ít lâu đã đồng ý giảm án, bất chấp dư luận và phản ứng của nạn nhân...

BTC tuy đã nỗ lực nhưng còn giơ cao đánh khẽ

Chính sự dung túng như thế, sân Vinh hay Lạch Tray - những điểm đen của bóng đá Việt tiếp tục có cơ hội quậy phá và làm loạn trong các trận đấu có đội nhà đá tại đây, chỉ sau khi được giảm án không lâu.

Không chỉ là án phạt nghiêm khắc và "tử tế" đối với những hành vi sai phạm của các đội bóng, hay cá nhân cầu thủ ngay cả người của mình, có lẽ BTC cũng cần như thế.

Trọng tài nhìn có lẽ vô can trong những vụ bạo lực đã được đề cập tại các kỳ trước, nhưng thực tế lực lượng vua sân cỏ với những tiếng còi méo cũng là ngọn lửa dí vào thùng thuốc nổ điên loạn của những holigan.

Nhưng cũng giống như sai phạm của các sân đấu, vì là "người trong nhà" nên tất cả đều được ém nhẹm và giải quyết trong... bóng tối. Tiếng là treo còi, nhưng tiếp tục được ngồi ở ghế trọng tài bàn thì liệu dư luận có phục, người bị xử có phục?

Chính bởi thế, chẳng phải còn sớm nếu như không muốn nói rằng đã quá muộn, BTC có lẽ cần phải bắt đầu sử dụng bàn tay sắt, mạnh mẽ và nghiêm minh để tạm cắt cơn trong căn bệnh của mình.

Cái khó nhất là phần gốc...

Chất lượng trọng tài đi xuống đã đành, sự thiếu nghiêm minh của BTC thì cũng đã rõ. Nhưng cốt lõi nhất của vấn đề có lẽ không ngoài gì khác chính là từ cầu thủ.

Giá chuyển nhượng cao, ít học hành... đã khiến phần đông cầu thủ đang chơi bóng ở Việt Nam đều không có được nền tảng cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, cũng như cách ứng xử trên sân.

Sẵn sàng ẩu đả nếu thấy cần thiết, sẵn sàng tranh cãi với bất cứ đối tượng nào trên sân. Và đương nhiên, từ những mâu thuẫn không nhỏ ấy điều gì sẽ xảy ra sau đó là đã biết.

Giáo dục cầu thủ, một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng khó... Cần lắm những người thực sự có tâm huyết với BĐ nước nhà

Giáo dục cầu thủ - nghe thì có vẻ như đơn giản, và giải quyết cũng như thế. Tuy nhiên, đây mới là vấn đề khó khăn nhất hiện tại của bóng đá Việt Nam.

Gần như các trung tâm đào tạo chỉ chú trọng vào tài năng bóng đá, và bỏ mặc cho việc học hành, giáo dục cầu thủ của mình. Chuyện sáng tập, chiều tập, tối đến lớp học bổ túc rồi trốn đi chơi là không phải cá biệt.

Sống tập trung và xa gia đình, đáng lẽ cần sự quản lý chặt chẽ của các đội bóng, HLV đối với các cầu thủ sau giờ tập, nhưng điều đó gần như là không có đối với bóng đá Việt Nam.

Kiếm được tiền từ sớm, rảnh rang vào buổi tối và ở những đô thị lớn phồn hoa liệu những cầu thủ trẻ có bị nhiễm tật xấu hay không thì chỉ cần nhìn vào vài vụ bắt thuốc lắc, hay ẩu đả ngoài đường có sự tham gia của các "ngôi sao sân cỏ" là đủ thấy.

Ở tuổi năng khiếu đã thế, khi trưởng thành thì còn khủng khiếp hơn, nhưng báo động thì báo, khi cầu thủ nhà có chuyện thì biết và nhắc nhở thế, còn chuyện xử lý triệt để thì tuyệt nhiên không.

Thậm chí đến như ẩu đả trong sân của cầu thủ, nhiều ông thầy còn lao vào kích động, thậm chí xuống tay luôn với đối thủ thì liệu giáo dục học trò kiểu gì?

Bởi vậy, ngoài việc xử lý những tình huống đã xảy ra từ phần ngọn, việc giáo dục cầu thủ từ phần gốc phải được BTC, những người làm bóng đá nước nhà làm ngay.

Đã quá muộn để thay đổi, nhưng không phải là hết đường binh. Chỉ có điều, liệu người làm giải, làm bóng đá có chấp nhận bắt tay vào để trị bệnh hay không mà thôi!
Tuệ Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục