Bóng đá Nga “xuất khẩu” thế hệ hooligan mới?

13:43 Thứ tư 15/06/2016

Bất chấp việc LĐBĐ Nga phải nộp phạt 119.000 bảng và đội tuyển có nguy cơ bị UEFA truất quyền tham dự Euro 2016, các nhóm ultras Nga quá khích vẫn tiếp tục gây sự với các CĐV Anh và Xứ Wales.

Án phạt được UEFA ban hành vào buổi sáng 14-6 (giờ địa phương) thì ngay buổi chiều, các nhóm ultras Nga quá khích bất chấp những lời cảnh báo để tiếp tục gây hấn với CĐV Anh và Xứ Wales. Hai thành phố Lille và Lens chỉ cách nhau 40 km và khi tuyển Nga thi đấu với Slovakia tại Lille đêm 15-6 thì sau đó một ngày, tuyển Anh sẽ có trận đối đầu quan trọng với Xứ Wales tại Lens. Lượng CĐV Anh, Xứ Wales và Nga đổ về hai thành phố này rất lớn và lo lắng của các bên liên quan là có cơ sở khi bạo động nổ ra tại một quán bar gần nhà ga trung tâm Lille.

CĐV hai nước giáp mặt bên ngoài một quán bar ở Lille.

Các nhóm CĐV đã lao vào nhau, nói chuyện bằng nắm đấm và những cú song phi, cả chai lọ và bàn ghế, buộc các nhân viên an ninh Pháp phải can thiệp bằng cách xịt bột tiêu cay để giải tán. Lực lượng chức năng sau đó được tăng cường đến khu vực này với áo giáp, khiên và súng bắn đạn hơi cay, thậm chí sẵn sàng dùng đến các biện pháp mạnh hơn.

Lao vào ẩu đả dữ dội.

Những diễn biến mới nhất này cho thấy, sự cố hooligans tại EURO 2016 hoàn toàn không có dấu hiệu giảm nhiệt và được dự báo sẽ còn nổ ra với tần suất lớn hơn, tất nhiên, kèm hậu quả tàn khốc hơn trong vài ngày tới.

An ninh Pháp dùng hơi tiêu cay để giải tán đám đông quá khích.

Có thể báo chí phương Tây đã tăng liều lượng, kể cả gắn các mục đích chính trị, khi nhắc đến tình trạng CĐV bóng đá quá khích ở Nga phát triển rầm rộ vài năm qua đến mức độ của một căn bệnh dịch thời đại. Tuy vậy, thực tế cho thấy những gì giới truyền thông phản ánh không phải không có căn cứ. Cảnh bạo động trên khán đài và tụ tập hỗn chiến bên ngoài đường phố trước, trong và sau các trận cầu bóng đá xuất hiện thường xuyên hơn tại Nga.

Cảnh sát Pháp kiên quyết dẹp loạn.

Từ Moscow, một CĐV quá khích có tên là Alexei đã nhanh chân trốn về nước sau khi trực tiếp tham gia vụ xô xát đổ máu ở sân Velodrome, nói chuyện qua điện thoại với phóng viên hãng tin BBC (Anh): “Hooligans Nga giờ đây mới là then chốt của vấn đề. Chúng tôi học hỏi được nhiều từ các nhóm hooligans Anh hồi thập niên 70, 80 thế kỷ trước và phương pháp hoạt động bây giờ hiện đại hơn rất nhiều rồi!”

Nhìn câu chuyện từ khía cạnh khác, nhà báo Nga Andrei Malosolov, đồng sáng lập tổ chức Hiệp hội cổ động viên bóng đá Nga (RFU), phân tích: “Hooligans Nga trẻ hơn, năng động hơn, không chỉ bóng đá mà họ còn lấn sân, cổ vũ kích động sang các loại hình thể thao đối kháng khác như quyền Anh hay các giải võ thuật. Họ khác với các CĐV quá khích Anh khi không dùng bia, rượu nên tỉnh táo hơn, mạnh mẽ hơn khi giáp chiến. Gọi họ là các chiến binh cũng không sai! Các nhóm tự xưng là Ultras có khác đôi chút khi họ ồn ào hơn, từ chỗ xáp vào đấm đá đôi chút rồi rút lui cho đến việc dàn quân đập phá mọi thứ của đối phương.”

Hình ảnh gây sốc của hooligans Nga trên đất Pháp.

Báo cáo từ nhà chức trách Pháp cho thấy, lực lượng hooligans Nga đến từ nhiều “nguồn” khác nhau, xa xôi có các nhóm đến từ Orel, Krasnodar còn hùng hậu hơn là các tổ chức có liên quan đến hai CLB hàng đầu CSKA Moscow và Spartak Moscow. Nhà báo Malosolov cho biết, hơn 100 hooligans sừng sỏ người Nga có tên trong “danh sách đen” của cảnh sát châu Âu.

LĐBĐ Nga bị phạt tiền vì CĐV nước này ném pháo sáng, gây rối loạn an ninh trật tự và có các hành vi phân biệt chủng tộc trước và sau trận cầu Anh – Nga ở Marseille cuối tuần trước. Theo quyết định của UEFA, chỉ cần bạo động nổ ra lần nữa trên sân bóng có tuyển Nga thi đấu, đội bóng này sẽ lập tức bị loại khỏi giải.

Khởi nguồn từ đâu?

Năm 1974, khi Man United bị rớt xuống Giải Hạng nhì, một nhóm CĐV quá khích của đội bóng này bị quy trách nhiệm khi gây ra nhiều cuộc bạo động trên toàn quốc. Cùng năm này, một CĐV của Blackpool bị đâm chết ở một trận cầu thuộc Giải Hạng nhì.

Niềm vui của CĐV dễ bị biến tướng thành các cuộc bạo động.

Làn sóng dân nhập cư từ vùng Trung Mỹ đến Anh những năm 70 hình thành một thế hệ cầu thủ da màu ở xứ sở sương mù và đa phần trong số họ phải chịu đựng các hành vi phân biệt chủng tộc từ những nhóm hooligans.Sang thập niên 80, tình hình nghiêm trọng hơn khi thủ tướng Margaret Thatcher yêu cầu bỏ tù hooligans mà đỉnh điểm là sau trận bán kết EURO 1996, nhiều CĐV Anh bị thương trong cuộc bạo động ở quảng trường Trafalgar tại London, một CĐV Nga còn bị đâm chết do bị tưởng nhầm là người Đức! Năm 1989, chính phủ Anh ban hành đạo luật về khán giả bóng đá, kéo giảm đáng kể các hành vi bạo lực của vấn nạn hooligans.

Hoành hành tại Nga

Trong thời gian diễn ra World Cup 2002 ở Nhật - Hàn, 2 người bị giết và 73 người bị thương tại Moscow sau khi tuyển Nga thất bại dưới tay chủ nhà Nhật Bản. Người hâm mộ Moscow theo dõi trận đấu qua các màn hình khổng lồ và sau trận đấu, đám đông quá khích đã đập phá các cửa hàng, đánh nhau với lực lượng cảnh sát và đốt cháy nhiều xe hơi.

Xe chờ CĐV Nga bị chặn ở Cannes.

Không chỉ liên quan đội tuyển quốc gia, năm 2012, CĐV của Zenit St.Petersburg đã quăng pháo sáng khiến thủ môn Anton Shunin (Dynamo Moscow) phải vào bệnh viện cấp cứu. Năm 2013, những biểu ngữ sặc mùi quốc xã xuất hiện ở trận đấu Cúp Quốc gia giữa Spartak Moscow và Shinnik Yaroslavl.

Những khán giả Nga chân chính yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này. Cựu HLV Rostov, Yuri Belous, nói: “Người Anh đã thiết lập lại trật tự rất tốt tại các sân bóng đá, vậy tại sao bóng đá Nga vẫn bó tay với tình trạng này? Làm sao chúng ta có thể đưa vợ con đến thưởng lãm những trận cầu hay khi nguy hiểm chực chờ?”

Đông Linh | 11:31 15/06/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục