Bản quyền V-League: Đi buôn không lỗ

14:37 Thứ ba 28/02/2012

Thỏa thuận được ký kết giữa VPF và VTV đươc thực hiện chỉ sau một ngày khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký nghị quyết 426 về việc “giao quyền quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam”. Việc này được giới bóng đá ví von là bóng vừa trong chân là lập tức triển khai tấn công để ghi bàn…

Có nhiều kịch bản được thực hiện khi VPF mới được giao quyền dựa trên nghị quyết 426 của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và hiểu về nghị quyết đấy cũng có nhiều đường hiểu dù chỉ là giấy trắng mực đen.

Kịch bản 1: Bạn đời và bạn làm ăn

Việc ngày 28/12/2011 nghị quyết 426 ban hành và ngày 29/12/2011 Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên đã ngồi lại với Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thành Lương đã ngồi lại với nhau ký một bản thỏa thuận với rất nhiều điều khoản ràng buộc về việc các giải đấu. Xin được trích nhưng điểm nhấn:

Quy định và ràng buộc trách nhiệm của bên B (VPF): Đảm bảo bên A (VTV) là đơn vị duy nhất có bản quyền truyền hình và được phép vào sân ghi hình để phát sóng…;

Quy định và ràng buộc trách nhiệm của bên A (VTV): Quyền ưu tiên đàm phán với bên B hoặc đối tác được bên B ủy quyền về bản quyền truyền hình trong nước tất cả các giải bóng đá do bên B tổ chức trong năm 2012 đến 2014.

Như thế điều mà lâu nay nhiều người thắc mắc là phía VPF luôn khẳng định rằng có đơn vị mua 3 năm với 76 tỷ và có thể lên đến 100 tỷ để so sánh với giá trị bản quyền AVG mua của VPF quá “bèo” là hoàn toàn có thật.

Cũng có thể nói kể từ ngày 29.12.2011 thì đã có một đơn vị sẵn sàng lao vào cạnh tranh về bản quyền sau khi được “mở đường” từ những ông bầu làm bóng đá vừa được giao quyền.

Kịch bản 2: “Con” quyết đòi lại cái “bố” đã bán

Nhìn vào bản thỏa thuận giữa VPF và VTV được thực hiện rất nhanh sau nghị quyết 426.

Cần phải trở lại chuyện bản quyền từ khi AVG chưa ra đời. Lúc đấy LĐBĐ VN phải đi năn nỉ các nhà đài truyền trực tiếp giải vô địch quốc gia gọi là phục vụ người hâm mộ nhưng mục đích chính là không có sóng trực tiếp thì không đơn vị nào nhảy vào tài trợ cho giải. Thời điểm đấy VFF cũng “năn nỉ” VTV mua sóng và “chiều” hết cỡ. Thậm chí là lịch thi đấu của VFF là 17 giờ nhưng những trận đấu được trực tiếp trên sóng VTV thì tự động ban tổ chức phải chỉnh giờ đấu xuống 16 giờ để không bị ảnh hưởng đến chương trình thời sự của VTV và không đụng “giờ vàng”. Hồi đấy mà cụ thể là mùa năm 2009, 2010, những trận đấu ở V-League chỉ bán được gói lẻ cho người mua (VTV, VTC) chọn. Hoàn toàn chưa ai có khái niệm đến tiền bản quyền truyền hình ở những trận đấu mà bên mua đưa chẳng bao nhiêu còn bên bán thì thu rất ít mà mất thêm thì rất nhiều để các trận bóng có sóng tí nào hay tí đó làm “vui lòng nhà tài trợ”.


Đến khi AVG ra đời và mon men đặt vấn đề với thể thao Việt Nam thì bản quyền với bóng đá Việt Nam vẫn là “đất hoang” chưa ai chịu khai thác. Cho đến năm 2010 khi VFF lấy ý kiến để ký với AVG và cụng ly với đại diện các đội trong buổi họp tổng kết thì nhiều người còn vui cười nói là đã bán được cái mà trước đến giờ rất mệt mỏi đi năn nỉ “người có sóng” mua. Thậm chí là sau khi ký hợp đồng bán 20 năm cho AVG thì đại diện của một đội bóng nay là thành viên của VPF đã trả lời phỏng vấn rằng “Bán thế thì có lợi cho các đội bóng vì tiền đến tay các đội nhiều hơn những mua trước và trận nào cũng bán được chứ không phải là chỉ có trận người ta chọn mới được bán…” (!?).

Cho đến khi VPF được thành lập và vừa chính thức được giao quyền qua nghị quyết 426 thì “con” (VPF) quyết đòi lại cái mà “bố” đã bán nhờ có “bạn đồng hành” VTV chấp nhận “bỏ thầu” cao hơn rất rất nhiều.

Ở đây cũng cần phải đề cập về bản nghị quyết mà ông Hỷ đã ký có việc trao quyền cho VPF tổ chức các giải đấu ở điều 1 nhưng ở điều 3 lại là quy định phải tôn trọng và thừa kế tất cả những gì mà VFF đã thực hiện với các đối tác tức phải thừa kế cả hợp đồng giữa VFF với AVG.

Kịch bản 3: Để thỏa thuận “giá cao” thành “đối tác” độc quyền

Rõ ràng là đến thời điểm này thì VTV đã lên tiếng về bản thỏa thuận với VPF gắn với rất nhiều điều khoản như một bản hợp đồng thật. Và việc VPF quyết đẩy AVG ra đồng thời đối chọi với “bố” là VFF là điều dễ hiểu. Chỉ có điều là mọi động tác và cách thức hiện của VPF quá nhanh và quá cứng rắn khiến việc thương thảo trở thành cuộc chiến tốn nhiều giấy mực buộc nhiều cơ quan phải vào cuộc. Như việc đấu để khẳng định AVG và VFF sai (về luật) sau đó khi được Thanh tra khẳng định không sai thì tiếp tục lại đẩy lên Thanh tra chính phủ.

Thực tế thì AVG đã dựa vào những gì mà luật cho phép hay nói một cách khác là AVG đã nghiên cứu rất kỹ về luật và đi vào từng “khe” từng “kẽ” để thực hiện một hợp đồng thương mại có lợi cho mình. Tất nhiên phẩn lợi mà AVG có được từ hợp đồng cũng là phần thiệt mà bóng đá Việt Nam phải nhận nếu ngay từ đầu xác định đấy là “đất dự án” như bây giờ VPF và VTV nhìn ra và muốn “đất ấy là của mình” cho cái gọi là “vì bóng đá Việt Nam”.

Việc đòi lại cái đang thuộc quyền sở hữu của người khác vẫn đang được thực hiện và cuộc chiến đang ngày một nặng nề hơn cùng lúc bản thỏa thuận có quy định “chỉ hai người biết” giờ đã được nhiều người biết nên ngày càng phức tạp hơn về cái gọi là cuộc chiến vì bóng đá Việt Nam.

Miếng bánh mà AVG nói họ ôm 20 năm chưa chắc đã có lãi hoặc nếu có thì cũng ủng hộ hết cho thể thao Việt Nam giờ lại đang được đấu để thuộc về đối tác của VPF là VTV và nếu thành thì đây thực sự là miếng bánh của đối tác VPF do có phần “Các doanh nghiệp làm bóng đá quảng cáo trên sóng VTV” cũng có nghĩa thu từ tay doanh nghiệp và trả lại cho đội bóng (tiền bản quyền) cũng của các doanh nghiệp.

Nhìn vào đấy thì thấy rất rõ ai là người được hưởng lợi nhất từ cuộc chiến ầm ĩ trong thời gian qua.

Kịch bản 4, 5, 6… bắt đầu từ trả lời của AVG

Tuần này sẽ là thời hạn AVG trả lời với VPF về việc họ có chấp thuận những yêu cầu của VPF hay không.

Chắc chắn AVG biết rất rõ bản thỏa thuận mà VPF ký với VTV và buộc phải tính toán để quyền lợi mình không bị ảnh hưởng. Nhiều khả năng là AVG sẽ đón nhận VTV vào theo kiểu bản quyền của tôi và tôi sẽ thông qua VFF, VPF để sang nhượng lại với tư cách là người duy nhất đang giữ bản quyền. Đến lúc này thì những người vẫn lên tiếng là “vì bóng đá Việt Nam” sẽ phải tính toán lại. Nếu “vì bóng đá Việt Nam” thực sự thì sẽ ngồi lại trên tinh thần tốt nhất còn nếu vẫn vì bạn hàng vì làm ăn hay vì kế hoạch “đi buôn” thì sẽ rất mệt mỏi cho bóng đá Việt Nam.

Có thể sẽ còn kịch bản 5, 6 và kịch bản n nữa khi bản thỏa thuận giữa VPF và VTV đang hướng về việc bên bán là VPF và bên mua là VTV chứ không có đơn vị nào ở giữa.

Rõ ràng là bán cái chưa phải là của mình nhiều gian truân thật và cũng không khó hiểu vì sao nó trở thành cuộc chiến bắt đầu từ nghị quyết 426.

Nguyễn Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục