Góc Nhìn: Đơn giản thôi, cứ nhồi bóng cho Grizi!

11:24 Thứ bảy 09/07/2016

Cứ "nhồi" bóng cho Antoine Griezmann có thể là một chiến thuật trong kế hoạch để đội tuyển Pháp tìm đường đến vinh quang tại EURO 2016...

Hướng về trận chung kết EURO 2016 giữa Bồ Đào Nha và Pháp, không ít người nhận định về cuộc chơi của 2 đội “chẳng có chiến thuật gì” mà chỉ là “những kẻ may mắn nhất”. Nhận định thì có phần đúng, có phần sai, nhưng nếu nhìn vào yếu tố “đúng” thì giữa 2 đối thủ “chẳng có chiến thuật” lại có sự khác biệt về mặt… chiến thuật.

Ở đây, rất nhiều người cho rằng, Bồ Đào Nha đến với VCK EURO 2016 cùng một lối chơi rất cạn ý tưởng. Nói cụ thể hơn, khi Cristiano Ronaldo không có được phong độ cao nhất, đội bóng áo bã trầu không biết cách triển khai bóng ra sao, áp đặt lối chơi thế nào và họ thi đấu giống như sự kết hợp của một đội bóng… phong trào, mạnh ai nấy đá và tạo ra cơ hội bằng khoảnh khắc chứ không phải bất kỳ bài vở nào.

Với đội tuyển Pháp, họ được kỳ vọng rất lớn. Không chỉ bởi yếu tố sân nhà, khán giả nhà. Họ có một dàn cầu thủ chất lượng. Có những ngôi sao nổi bật tại các CLB ở mùa giải vừa qua để hướng tới những lựa chọn đa dạng về mặt lối chơi.

Nếu nhìn lại con đường đã qua của Les Bleus, đúng là những ngôi sao đã tỏa sáng ở thời điểm cần thiết. Đó là Dimitri Payet ở những trận đầu tiên, là Antoine Griezmann ở các trận knock-out, là Olivier Giroud, Paul Pogba lên tiếng khi cần…

Cũng có những vấn đề chiến thuật tưởng như bất di bất dịch trong HLV Didier Deschamps nhưng ông đã có những thay đổi – như việc dùng Mousa Sissoko thay vi N’Golo Kante ở trận bán kết với Đức.

Vậy thì tại sao nói rằng “Pháp không có chiến thuật nào cụ thể”? Vì thực tế là người Pháp không có một miếng đánh nào thực sự là thế mạnh của họ. Hiệu suất ghi bàn đều đặn – trung bình 2 bàn/trận, nhưng ở đội bóng áo Lam, không có nhiều tình huống bóng tấn công đi qua chân nhiều cầu thủ.

Cho đến trước trận bán kết với Đức, Pháp đã không phải chịu quá nhiều sức ép từ các đối thủ về khả năng kiểm soát bóng – từ Romania, Albania, Thụy Sĩ cho tới CH Ailen, Iceland. Họ luôn giành được thế trận, kể cả khi bị CH Ailen ghi bàn dẫn trước.

Nhưng trong cách mà Pháp giữ thế trận, họ trở nên khó khăn khi Payet đã bị “soi” kỹ hơn, khi Deschamps đẩy Griezmann ra bám biên, hoặc Paul Pogba chưa tìm lại phong độ.

Tới trận bán kết, lần đầu tiên người Pháp phải chơi phòng ngự có chiều sâu đến như vậy. Vì người Đức cầm bóng quá tốt, phối hợp quá tốt để có thể xuyên phá, cùng cảm tưởng bàn thắng có thể đến bất kỳ lúc nào.

Trong sự phản kháng của Pháp, người ta thấy nổi bật vai trò của Griezmann. Một cầu thủ nhỏ bé nhưng gần như gánh trọn vẹn trách nhiệm cũng như cảm hứng trong từng đường bóng của tuyển Pháp.

Là người đầu tiên khai hỏa buộc Manuel Neuer phải trổ tài ở đầu trận, Griezmann gần như có mặt ở những điểm nóng nhất, những vị trí khôn ngoan nhất, vừa chống trả, vừa chờ đợi… Và mỗi lần cầu thủ 25 tuổi này có bóng là một lần các cầu thủ Đức phải bung sức, tập trung hết mức có thể.

Hẳn sẽ có những người theo dõi trận bán kết mà nhớ lại cảm giác về trận bán kết lượt về UEFA Champions League giữa Bayern Munich và Atletico Madrid. Đó cũng là một khả năng rình rập tuyệt vời mà Griezmann có được. Chỉ có điều, người đá cặp với anh ở tuyển Pháp là Giroud chứ không phải Fernando Torres.

Thế nên, sẽ không quá lời nếu cho rằng, chiến thuật có thể giúp người Pháp trội hơn Bồ Đào Nha trong trận chung kết rất đơn giản thôi: “Cứ nhồi bóng cho Griezmann”.

Nói vậy không có nghĩa là các đồng đội của anh chẳng cần làm gì. Vấn đề ở đây là, chính những pha xử lý bóng, những cú chạm bóng, những đường chuyền, những lần xuất hiện ở các vị trí trọng điểm của Griezmann là cú hích tinh thần quan trọng để kéo các đồng đội sẵn sàng “múa” cùng anh trong từng tình huống. Thế là đủ!

Tất nhiên, thế là đủ với cách chơi của người Pháp, trong khi hiệu quả ra sao thì còn phải chờ xem Pepe, Cristiano Ronaldo – 2 đối thủ quen thuộc của Griezmann, sẽ thể hiện ra sao. Có khi còn thêm cả trọng tài…

Tổng hợp | 11:14 09/07/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục