Bản quyền truyền hình: Ai “ khôn khéo” hơn ?

00:20 Thứ ba 31/01/2012

Cuộc chiến bản quyền Super League vẫn đang leo thang và đi theo một phương hướng rất phức tạp.

Cuộc chiến bản quyền truyền hình tưởng chừng như sẽ yên bình hơn sau công văn của Bộ VH TTDL nhưng thực chất những diễn biến thời gian vừa qua cho thấy, cuộc chiến này đang “leo thang” và đi theo một chiều hướng phức tạp hơn nhiều. Nhưng nếu bình tâm suy xét chúng ta sẽ biết được, trong cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa ba bên VFF-AVG-VPF ai “khôn khéo” hơn ai, và bên nào “khéo léo” hơn bên nào.

Đầu tiên hãy nói về LĐBĐVN-VFF, đây không phải là nơi nổ phát súng đầu tiên cho cuộc chiến, nhưng lại là nơi xuất phát của mọi rắc rối trong cuộc chiến “bản quyền truyền hình”. Không biết do sức ép dư luận quá lớn hay do “áp lực” của cấp trên mà trong cuộc chiến này VFF có rất nhiều hành động sai lầm nghiêm trọng.

Khi VPF bày tỏ ý định muốn đàm phán lại hợp đồng, lẽ ra VFF phải lấy tư cách “sếp” của mình ra ngồi nói chuyện và thống nhất tư tưởng với VPF.

Hoặc khi cuộc chiến mới nổ ra trong giai đoạn đầu, thì VFF nên lấy tư cách bên thứ ba liên quan đứng ra dàn xếp một cuộc gặp ba bên, để giải quyết mọi vướng mắc.

Có nhiều nhận định cho rằng VFF đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến bản quyền truyền hình, khi Bộ cử đoàn thanh tra hợp đồng (mà Bộ lại từng “bật đèn xanh” cho VFF ký hợp đồng). Cứ với lý lẽ đó thì VFF sẽ thắng trong cuộc chiến bản quyền truyền hình này? .

Nhưng thực chất VFF có “thắng” không? Dù kết quả có như thế nào nữa, thì hậu quả của cuộc chiến này “đè” lên VFF là rất lớn. Đó là uy tín của một LĐBĐ QG bị sứt mẻ nghiêm trọng, là sự đoàn kết giữa VFF&VPF bị vỡ vụn...

Còn AVG cũng chưa thực sự “khôn khéo” trong vụ tranh chấp này, khi mà bầu Kiên bày tỏ ý định muốn đàm phán lại hợp đồng bản quyền truyền hình thì AVG nên gặp gỡ VFF để trình bày ý kiến cũng như mong muốn của mình trong câu chuyện này, để VFF có thể truyền đạt nguyện vọng của AVG đến VPF.

Ngoài ra khi bầu Kiên đề nghị được gặp gỡ để nói chuyện, thì AVG nên lựa chọn phương án mềm mỏng và khôn khéo hơn, chứ không phải là nhắn tin trả lời ông Bầu này như Chủ tịch Vũ đã làm, dẫu biết ông Vũ là một đại gia và đang cầm “đằng chuôi” bản hợp đồng, nhưng nói gì thì nói bầu Kiên ngoài là PCT HĐQT VPF, ông cũng là một đại gia.

Nếu chủ tịch Vũ đã “hạ cố” hẹn gặp ai đó mà bên kia lại nhắn tin trả lời như chủ tịch Vũ làm, thử hỏi ông Vũ sẽ nghĩ gì?

Họ vẫn đang "chiến"

Giá như chủ tịch Vũ không quá tự tin, đồng thời khéo léo mềm mỏng hơn trong cách ứng xử thì AVG cũng tránh được những phiền toái như hiện tại.

Tuy cuộc chiến chưa kết thúc, nhưng nếu chủ tịch Vũ có giữ nguyên vẹn được bản hợp đồng kia, thì uy tín của đại gia- chủ tịch Phạm Nhật Vũ và của cả AVG cũng bị ảnh hưởng phần nào sau câu chuyện này.

Vậy nơi khởi đầu của cuộc chiến- VPF đã khôn khéo trong câu chuyện này chưa? Dù việc làm của VPF được dự luận ủng hộ rất cao, nhưng có thể khẳng định, những ông Bầu trong VPF vẫn chưa thực sự “khôn khéo” linh hoạt trong “cuộc chiến” này.

Khi bầu Kiên phát biểu tại đại hội lần 1 về việc sẽ đàm phán lại hợp đồng với AVG, thực chất VPF mới chỉ có giấy phép hoạt động của Bộ Công Thương và TC TDTT, chứ chưa hề nhận được mọi giấy tờ chuyển nhượng của VFF. Nếu thời điểm hiện tại, VFF “lật kèo” không chuyển nhượng các giấy tờ cần thiết, đồng thời đòi lại quyền điều hành 4 giải đấu mà VPF đang đứng ra tổ chức, thì các ông Bầu cũng đành “cam chịu”.

Ngoài ra việc để một mình bầu Kiên đại diện cho VPF, đứng ra đấu tranh cho VPF cũng chưa thật hợp lý, nên chăng VPF tổ chức một đại hội cổ đông để xin biểu quyết về việc có nên đàm phán lại “hợp đồng bản quyền truyền hình” hay không? Như thế thì cuộc “đấu tranh” của các ông Bầu sẽ thuyết phục hơn rất nhiều, vì khi đó đòi hỏi đàm phán lại hợp đồng là mong muốn của 28 CLB chứ nó không mang màu sắc của bất cứ cá nhân nào, và bầu Kiên không bị mang tiếng vì “con gà tức nhau tiếng gáy” mà phải làm cho ra nhẽ, hay gần đây là việc ông bị một số nơi gán cho cái tội đón đầu “đề án cá cược thể thao”. Rồi suy luận mọi việc đấu tranh của các ông Bầu vì một chữ “tiền”.

Như vậy trong câu chuyện bản quyền truyền hình, cả ba bên đều đã có những sai lầm “nho nhỏ” trong cách ứng xử của mình, nếu các bên bình tĩnh lại một chút thì cuộc chiến này không phức tạp, rắc rối và dai dẳng như thời điểm hiện tại.
00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục