Văn Quyến và những nỗi niềm

08:26 Thứ bảy 13/07/2013

Việc Văn Quyến ghi bàn trở lại vào lưới HA.GL ở vòng tứ kết Cúp QG vừa qua là một sự kiện được nhiều người hâm mộ quan tâm, theo dõi. Đa số ý kiến đều ủng hộ và chúc mừng Văn Quyến, nhưng cũng có người đặt vấn đề rằng phải chăng Văn Quyến đã được dư luận và truyền thông ưu ái quá mức, nên chỉ là 2 bàn thắng ở một sân chơi ít được các đội bóng quan tâm như Cúp QG mà cũng được chào đón nồng nhiệt thế.

Nếu không có sự cố ở SEA Games 2005 thì Văn Quyến lẽ ra đã không mất nhiều thời gian đến thế để tìm lại mình. Ảnh: Kim Ngọc

Quả thực, là một tiền đạo mà phải mất tới gần 4 năm mới ghi bàn trở lại ở sân chơi quốc nội như Văn Quyến có lẽ không phải là thành tích đáng tự hào cho lắm, nhưng điều khiến người hâm mộ phát sốt với 2 bàn thắng vừa rồi của Văn Quyến là vì nó đã làm tất cả nhớ lại thời kỳ Văn Quyến còn là tiền đạo số một của bóng đá Việt Nam.

Người ta mừng một khi Văn Quyến đã ghi bàn trở lại thì tiếc mười cho Quyến, bởi nếu không có sự cố dàn xếp tỷ số tại SEA Games 25 dẫn tới án treo giò 4 năm của VFF thì hẳn là Văn Quyến còn mang lại thêm nhiều khoảnh khắc đáng nhớ như thế hơn nữa cho khán giả.

Chỉ có điều, trong suốt thời gian Văn Quyến lặng tiếng trên sân cỏ, bóng đá Việt Nam vẫn không thể nào tìm được một cầu thủ có khả năng mang lại sự bùng nổ cảm xúc cho CĐV chỉ với một bàn thắng như Quyến, và đấy là lý do khiến cho 2 bàn thắng của Quyến vào lưới HA.GL vừa qua được người hâm mộ đón nhận hết sức nhiệt tình.

Nếu những cầu thủ như Văn Quyến, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Hải Lâm, Văn Trương, Quốc Vượng không phải ngồi ngoài sân cỏ đến 4 năm vì sự cố tại SEA Games 2005, thì rất có thể bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG còn có thể gặt hái những thành tích ấn tượng hơn nữa trong giai đoạn 2005-2010, thay vì chỉ có một lần vào tứ kết Asian Cup 2007 và vô địch AFF Cup 2008.

Tất nhiên, bóng đá cũng như cuộc sống đều không có chỗ cho những mệnh đề giả định, song qua vụ việc đáng tiếc ở SEA Games 2005 thì thấy rằng dường như chúng ta đã không biết cách để giữ gìn và bảo vệ những tài năng bóng đá của mình, bởi trước đó giá như chúng ta có những biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa kín kẽ thì các cầu thủ nêu trên làm sao có thể mắc sai lầm rồi phải trả giá.

Trong số 7 cầu thủ nói trên, bây giờ chỉ duy nhất Quốc Vượng là không còn thi đấu đỉnh cao, và đây cũng là một trường hợp khiến giới chuyên môn cảm thấy tiếc nuối và day dứt. Tương tự Văn Quyến, trên sân cỏ V-League bây giờ cũng hiếm thấy mẫu tiền vệ trung tâm nào có thể đá được như Quốc Vượng thời kỳ đỉnh cao, và rất nhiều đồng đội cũ cùng lứa với Vượng hiện tại vẫn đang là trụ cột ở CLB của mình.

Từ câu chuyện của Văn Quyến, Quốc Vượng để thấy rằng phát hiện ra một tài năng của bóng đá Việt Nam đã khó, nhưng làm sao để bảo vệ, duy trì và phát triển tài năng ấy một cách đúng hướng và lâu dài lại là công việc còn khó khăn hơn thế rất nhiều lần.

Vấn đề này ngày càng trở nên nóng bỏng và có ý nghĩa thiết thực, bởi trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các tài năng trẻ thực sự trên sân cỏ nội địa đang dần trở nên hiếm hoi, mà nguyên nhân chính yếu là việc đa số các CLB không dành sự chú ý đúng mức cho công tác đào tạo lực lượng kế cận, cũng như việc số lượng ngoại binh và ngoại binh nhập tịch đang gia tăng tới mức độ chóng mặt.

Vì thế, việc một cầu thủ đã gần 30 tuổi như Văn Quyến ghi bàn trở lại sau gần 4 năm tịt ngòi bỗng dưng trở thành một hiện tượng được nhiều người quan tâm và chú ý suy cho cùng cũng không phải là tín hiệu tích cực cho nền bóng đá.
Công Quốc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục