Vấn nạn pháo sáng: Khi bức xúc không làm ta vô can!

07:35 Thứ sáu 04/08/2023

Một nhóm CĐV có thói quen cứ đến Hàng Đẫy là đốt pháo sáng, bất chấp hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Đã đến lúc BTC cần phải hành động quyết liệt hơn.

Những ngày gần đây, NHM bóng đá Việt Nam đón nhiều tín hiệu tích cực, tiến bộ của bóng đá nước nhà. Đó là cuộc hành trình lịch sử của ĐT nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023, là VAR bắt đầu được vận hành ở V-League. Thế nhưng, tất cả những tín hiệu tích cực này lại bị phủ bóng bởi một sự kiện mới mà lại rất cũ: pháo sáng trên sân cỏ V-League.

Phút 34, trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng ở vòng 4 giai đoạn 2 V-League 2023, Nguyễn Hữu Sơn thực hiện thành công quả phạt đền cân bằng tỷ số 1-1. Gần như ngay lập tức, pháo sáng, thậm chí là cả pháo hoa, đã được đốt lên trên khán đài Hàng Đẫy. Rất không may, những tia lửa bắn ra đã khiến một em nhỏ đi xem bóng đá cùng phụ huynh bị bỏng.

Sự kiện này một lần nữa khơi dậy sự bức xúc trong cộng đồng bóng đá quốc nội, nhưng bức xúc không làm ta vô can, vụ việc này tiếp tục đem lại những suy ngẫm cả cũ lẫn mới rất cần nhấn mạnh.

Thấy gì từ vụ đốt pháo sáng mới nhất ở V-League? - Bóng Đá

Vẫn những kịch bản quen thuộc: Pháo sáng, Hải Phòng, sân Hàng Đẫy,...

Đầu tiên, không khó để nhận ra một số mẫu số chung của các vụ việc đốt pháo sáng ở V-League gần đây: diễn ra ở sân Hàng Đẫy, trong các trận đấu có CLB Hà Nội, và được thực hiện bởi một bộ phận CĐV Nam Định và Hải Phòng. Không chỉ bắn pháo sáng, số ít CĐV này còn có những hành vi phản cảm khác như ném vật thể xuống sân, đồng thanh những câu thô tục nhắm vào trọng tài,...

Nhiều người sẽ lý giải rằng hành động đốt pháo sáng như vừa rồi chỉ là biểu hiện của sự cuồng nhiệt. Tuy nhiên, không thể đánh tráo khái niệm, nhân danh tình yêu bóng đá, hâm mộ, cuồng nhiệt để biện minh cho những hành vi đã bị cấm từ lâu, và được tuyên truyền rộng rãi về những tác hại, hậu quả khó lường có thể xảy ra.

Nhắc đến hậu quả, sự việc bị thương của em nhỏ trong trận đấu vừa qua không khỏi khiến cộng đồng giận dữ, căm phẫn. Nhiều người chắc chắn đã lập tức liên tưởng đến vụ việc năm 2019, khi một CĐV Nam Định đã bắn pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A sân Hàng Đẫy khiến một phụ nữ bị thương nặng.

Vụ việc đó đã được xử lý hình sự với bản án của pháp luật đưa ra dành cho người vi phạm, thế nhưng dường như các đối tượng "ngựa quen đường cũ" vẫn chưa hề bị răn đe, vẫn rất dửng dưng trước những thiệt hại về sức khoẻ đã gây ra cho người khác.

Thấy gì từ vụ đốt pháo sáng mới nhất ở V-League? - Bóng Đá

Những trường hợp thương tích đau xót như của em nhỏ ở sân Hàng Đẫy vừa qua dường như cũng không khiến những kẻ gây ra hậu quả hối hận.

Và khi mà kỳ vọng của xã hội vào sự ăn năn hối cải của những CĐV đốt pháo sáng đã không được đáp lại, câu hỏi về trách nhiệm của các lực lượng chức năng lại được đặt ra. Được biết, trước trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng, lực lượng an ninh đã dựng rào chắn quanh sân Hàng Đẫy, rà quét các CĐV trước khi vào sân.

Đây cũng không phải lần đầu tiên những biện pháp an ninh thắt chặt được thực hiện, và cũng chẳng phải lần đầu tiên, pháo sáng vẫn lọt qua. Không chỉ pháo sáng, những vật dụng bị cấm khác cũng xuất hiện không ít trong sân ở vòng đấu trước (Hà Nội gặp Nam Định), trở thành công cụ để các CĐV "xả" sự quá khích xuống sân.

Thiết nghĩ đã đến lúc, các lực lượng chức năng cần cân nhắc thêm các phương án khác để ngăn chặn vấn nạn pháo sáng. Trong đó có những phương án cũng đã được nhắc đến nhiều lần, nổi bật là việc lắp camera trên sân để chỉ đích danh những cá nhân có vi phạm.

Lắp camera là một biện pháp bảo an đơn giản, đã được áp dụng rộng rãi trong các hộ gia đình, vậy mà một "thánh đường" bóng đá giữa thủ đô Hà Nội đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đặc biệt, với những mẫu số chung của hành động vi phạm gần đây như đã nêu, BTC càng thuận lợi hơn trong việc khoanh vùng các điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ.

Ngoài ra, liệu BTC V-League, các đơn vị như VPF, VFF đã thực sự mạnh mẽ lên án hành vi đốt pháo sáng nói riêng và các hành vi vi phạm khác nói chung? Vụ việc lần này tiếp tục cho thấy án phạt cho các CLB và BTC sân là cách làm không có tác dụng, bởi kẻ đốt pháo thực tế vẫn nhởn nhơ. Thay vào đó, một chế tài cho phép, hay ít nhất là một lời kêu gọi CĐV đến sân chung tay cung cấp hình ảnh về các vụ việc đốt pháo sáng để hỗ trợ xử lý.

Thấy gì từ vụ đốt pháo sáng mới nhất ở V-League? - Bóng Đá

Những khẩu hiệu trực quan còn khá thiếu ở bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam cũng rất nên học hỏi FIFA, trong việc tạo ra những khẩu hiệu ý nghĩa và truyền thông trên tất cả các phương tiện như: băng đội trưởng, màn hình lớn, bảng quảng cáo trên sân, hình hiệu truyền hình,... Những khẩu hiệu trực quan như vậy chắc chắn có giá trị nâng cao nhận thức cộng đồng, và sẽ giải quyết được bài toán ý thức CĐV trong dài hạn.

Rõ ràng, vẫn còn khoảng trống trong nhận thức và thực hành của chúng ta trong công tác chống lại vấn nạn pháo sáng. Đến một thời điểm, mọi chuyện trở nên xấu đi không còn là vì hành động của người xấu nữa, mà chính là vì người tốt đã không hành động, hoặc hành động không đủ nhiều.

Đã đến lúc cộng đồng bóng đá Việt Nam, dẫn đầu là các đơn vị quản lý cao nhất của bóng đá quốc nội, cần quyết tâm hành động cụ thể, triệt bỏ vấn nạn pháo sáng một lần và mãi mãi!

(Bạn đọc: Ngọc Bách)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 06:37 04/08/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục