Từ U19 Việt Nam nhìn đến việc cải tổ V-League: Bắt đầu từ công tác trọng tài

10:37 Thứ tư 25/09/2013

Sau giải U.19 Đông Nam Á, hầu hết các ý kiến của người hâm mộ hay cả bầu Đức đều bày tỏ mong muốn sẽ đưa tuyển U.19 Việt Nam (cũng là khóa 1 Học viện HA.GL Arsenal JMG) đi nước ngoài tập luyện, thi đấu dài hạn chứ không muốn các cầu thủ trẻ thi đấu ở V.League.

Môi trường không tốt là hỏng cầu thủ

Các cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG khóa 1 sẽ tốt nghiệp vào tháng 5/2014 và hầu như không ai muốn họ sẽ được sử dụng để đá ở V.League, bởi đơn giản là môi trường bóng đá V.League hay hạng Nhất đã bị nhiễm bẩn bởi đầy rẫy thói hư tật xấu. Bầu Đức ngỏ ý, nếu VFF đồng ý thì ông sẽ bao chi phí cho cả đội tuyển U.19 VN tập huấn gồm các “gà nòi” của ông với những tuyển thủ của đơn vị khác như Trùm Tỉnh, Ti Phông (Khánh Hòa), Văn Thiết (Viettel), Đức Huy (HN T&T)... thi đấu ở châu Âu hay các giải đấu chuyên nghiệp.


Những điều đó cho thấy, người hâm mộ, báo chí hay chính những người từng lăn lộn với bóng đá nội hơn 1 thập kỷ như bầu Đức đều mất niềm tin nơi V.League. Những thói hư, tật xấu của các giải quốc nội vẫn là những căn bệnh kinh điển như: thi đấu thiếu trung thực, móc ngoặc, bạo lực, tiểu xảo và sự thiên lệch, bất minh từ tiếng còi trọng tài cũng như các nhà điều hành giải sẽ làm hỏng các mầm non triển vọng của BĐVN.

Lẽ thông thường của chu trình đào tạo, cầu thủ trẻ bắt đầu đôn lên đội 1 ở tuổi 18-19 và cũng thi đấu chính thức. Năm 2014, Học viện HA.GL Arsnal JMG khóa 1 (sinh từ năm 1994 đến 1996) sẽ ra trường ở tuổi 18-20 và họ cũng chẳng phải quá trẻ trung gì. Nên nhớ, Văn Quyến (2003) và Lê Công Vinh (2004) ở tuổi 19 đã đoạt giải Quả bóng Vàng Việt Nam hay những Thành Lương, Văn Quyết, Danh Ngọc, Trọng Hoàng, Mạnh Dũng, Nguyên Sa... những tuyển thủ ĐTQG hiện nay đều đã thành danh khá hơn ở tuổi 18-19.

Vì vậy, chắc chắn các học viên HA.GL Arsenal khóa 1 cần được thi đấu thường xuyên ở một giải đấu cụ thể để nâng cao đẳng cấp, kinh nghiệm. Nhưng trước mắt, môi trường đó không phải là V.League.

Cần phải cải tạo cho “sạch” dần lên


Trước mắt 1-2 năm tới (2014, 2015) thì khóa 1 Học viện HA.GL Arsenal hay rộng hơn là tuyển U.20 VN có thể được tạo điều kiện để thi đấu ở giải chuyên nghiệp nào đó nước ngoài. Nhưng về lâu dài chúng ta phải cải tạo dần V.League vì cứ gửi 1 nhóm cầu thủ trẻ xách giày ra nước ngoài đá mãi thì trình độ của BĐVN cũng không thể cải thiện. Nói gì đi nữa, giải VĐQG vẫn là nền tảng, bệ phóng cho một nền bóng đá quốc gia phát triển toàn diện.

Cải tạo môi trường V.League phải làm từng bước một. Để dễ hình dung, có thể đem hình ảnh của con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đen ngòm ngày nào để minh họa. Để cải tạo con kênh này, việc đầu đầu tiên chính quyền TPHCM dẹp các khu ổ chuột của hàng chục ngàn cư dân sống dọc 2 mặt kênh. Kế đến một hệ thống bờ kè vững chãi được xây dựng suốt 10km từ Tân Bình xuống đến Bình Thạnh. Cuối cùng hệ thống cống nội bộ làm lại và hệ thống xử lý để nước thải không chảy thẳng vào kênh. Từ một con kênh chết, Thị Nghè - Nhiêu Lộc trở nên xanh dần, cá tôm đã sống được và con kênh hồi sinh.

Để cải tạo V.League việc đầu tiên cần chấn chỉnh là cải cải tạo được công tác trọng tài. Không ai khác, trọng tài chính là người bảo vệ cuộc chơi, thi hành luật trên sân cỏ. Với tiếng còi công minh, trọng tài sẽ không làm sai lệch kết quả trận đấu, ép đội này buông đội kia. Với tiếng còi trong sạch, nghiêm khắc trọng tài bảo vệ cầu thủ đá hay đá đẹp, trừng trị thích đáng cầu thủ, CLB chơi thô bạo, tiểu xảo. Tiếng còi trọng tài tốt lên thì chắc chắn giải đấu sẽ tốt.

Nhưng chính các trọng tài cũng cần được VFF, VPF bảo vệ để họ thực thi nhiệm vụ, làm tròn chức năng cao cả của mình. Trọng tài là vị trí rất nhạy cảm, dễ bị thao túng, mua chuộc vì nguyên tắc nằm lòng: “Muốn điều khiển cuộc chơi, phải điều khiển được trọng tài”. Trọng tài cần được bảo vệ đúng như danh xưng vốn có của họ: vua sân cỏ.
Nguyên An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục