Thể thao Việt Nam: Xác định cho đúng mục tiêu

09:19 Thứ năm 16/10/2014

Lãnh đạo Tổng cục TDTT cùng các bộ môn vừa họp bàn để đưa ra các phương án tối ưu nhất cho thể thao Việt Nam dự các Đại hội TDTT học sinh Đông Nam Á 2014 và Đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á 2014.

Đại hội thể thao sinh viên đối với Việt Nam vẫn bị xem nhẹ. Ảnh: Tư liệu

Cố cũng không được

Trên thực tế cả hai đại hội trên lại tổ chức ở Philippines và Indonesia đúng thời điểm thể thao Việt Nam diễn ra Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014. Do đó, điều dễ hiểu nhất là không một đơn vị nào muốn nhả VĐV chủ chốt tham dự. Thành tích của Đại hội TDTT toàn quốc vẫn là quan trọng nhất nên lực lượng ở các môn có thể mỏng là dễ hiểu…

Thực tế cho thấy, trong cuộc họp diễn ra tại Tổng cục TDTT trong chiều 14-10, không mấy bộ môn mặn mà với 2 sự kiện thể thao nói trên. Chưa kể, phía Bộ GD-ĐT yêu cầu phải có lực lượng tốt nhất thi đấu, nhưng nếu các đơn vị không nhả VĐV thì khó mà thực hiện đúng chỉ tiêu đặt ra. Do đó, tất cả đang phụ thuộc vào các Liên đoàn và bộ môn thể thao.

Chưa có văn bản thống nhất cuối cùng, nhưng có vẻ dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành thì ít nhiều tín hiệu sẽ khác. Trên thực tế, 2 Đại hội thể thao dành cho sinh viên và học sinh không được ưu tiên vì Đại hội TDTT toàn quốc sắp sửa khởi tranh vẫn được đánh giá quan trọng hơn nhiều, vì đấy là bộ mặt thành tích của các địa phương sở hữu VĐV giỏi.

Sau cuộc họp diễn ra chiều 14-10, tất cả các bộ môn tham dự đều không có ý kiến thay đổi nên gần như 99% là có đủ VĐV góp mặt. Câu hỏi đặt ra là liệu các VĐV đó sẽ thi đấu thế nào?

Áp lực thành tích

Thực tế đã phản ánh, áp lực thành tích quá lớn, nhất là đối với những nhà quản lý ở Bộ GD-ĐT. Không dễ để các VĐV nòng cốt của các đơn vị được nhả cho tham dự 2 Đại hội trên vì thời điểm Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra trùng thời điểm.

Nhiều năm trở lại đây, trong các đoàn thể thao học sinh và sinh viên dự Đại hội Đông Nam Á gần như chúng ta đều cử các VĐV chuyên nghiệp. Chỉ cần có mác “sinh viên” dù là tại chức hay chính quy thì các VĐV đều được triệu tập vào đội hình tham dự. Thế nên, đã không ít trường hợp nhiều VĐV của Việt Nam tham dự 2 đại hội thể thao sinh viên và học sinh Đông Nam Á là các VĐV nòng cốt ở các ĐTQG.

Giới làm nghề Việt Nam đều tỏ tường điều đó. Tuy nhiên, thực chất mọi người cũng hiểu giới quản lý GD-ĐT muốn có thành tích cao nhất. Đây không phải lần đầu tiên giới truyền thông lên tiếng về việc phải cử thực chất các học sinh, sinh viên thuộc các trường đại học trên cả nước tham gia tranh tài thay vì các VĐV chuyên nghiệp - đang là sinh viên của các trường - góp mặt.

Mục tiêu cao nhất của thể thao là phát triển thể thao thành tích cao nói chung và tăng cường sự vận động thể chất của học sinh, sinh viên trong khu vực. Vẫn mang nặng thành tích, sẽ mãi như một nền thể thao không phát triển mạnh.

Theo thông tin mới đây từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164cm, thua 8cm so với Nhật và 10cm so với Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao như khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài, môi trường sống không sạch sẽ, trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp, lười vận động. Giáo sư Dương Nghiệp Chí (Viện Khoa học Thể dục thể thao Việt Nam) từng nhiều năm nghiên cứu về nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt, cho rằng người Việt hiện thấp nhất trong khu vực là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ai cũng biết thực chất của vấn đề là phát triển tầm vóc sâu rộng chứ không phải thành tích cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục