Thể thao Việt Nam tìm cách đột phá

07:59 Thứ sáu 16/01/2015

Ủy ban Olympic Việt Nam đã có những phương hướng cho năm 2015. Trong Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam năm 2015 diễn ra sáng 15-1 tại Hà Nội, các nhiệm vụ đã được nêu ra để triển khai trong năm nay.

1. Ủy ban Olympic đặt ra nhóm nhiệm vụ trọng tâm ở các giải thể thao quốc tế. Các giải đấu đó không ngoài những mục tiêu thể thao Việt Nam sẽ triển khai và thực hiện ở năm 2015 là SEA Games 28-2015, ASEAN Paragames 8-2015, vòng loại Olympic 2016… Cùng với đó, việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5-2016 (ABG5) cũng được đề ra đầy quyết tâm.

Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đáng kể bởi đây là thời điểm cuối thực hiện kế hoạch 2011-2015 và bước vào xây dựng kế hoạch tiếp theo 2016-2020. Vai trò của Ủy ban Olympic có ý nghĩa quan trọng riêng bởi đây chính là tổ chức mang vai trò cầu nối đưa thể thao Việt Nam tham gia nhiều hơn các hoạt động của thể thao thế giới, cùng phát triển một Olympic mạnh mẽ.

TDDC sẽ tập trung lấy suất dự tranh Olympic 2016. Ảnh: Tư liệu

“Ủy ban Olympic Việt nam tiếp tục cùng Tổng cục TDTT phố hợp với các cơ quan, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia triển khai chuẩn bị tham dự và thi đấu đạt thành tích tại SEA Games 28, ASEAN Paragames 8. Triển khai thực hiện nhiệm vụ đột phá thuộc lĩnh vực thể thao”, TTK Ủy ban Olympic Trần Văn Mạnh cho biết.

Rõ ràng, năm 2015 có ý nghĩa khá quan trọng như vậy nên điều mà nhà quản lý đưa ra là “tạo sự đột phá” cả về thành tích Olympic 2016, Paralympic 2016… vẫn cần thật cụ thể hơn. Sự đột phá phải đi từ nhiều phía, từ nguồn nhân lực, vật lực và khoa học kỹ thuật. Phát triển thể thao tới năm 2020 theo định hướng còn 5 năm nữa và chắc chắn sẽ có nhiều đánh giá tổng kết ở năm 2015 này.

2. Nguồn lực tài chính luôn được đặt lên hàng đầu. Trong con số tổng kết thì hiện số dư về ngoại tệ của năm 2014 là gần 600 ngàn USD. Ngoài ra, ngân quỹ của Ủy ban Olympic Việt Nam có số dư tiền mặt gần 1,7 tỷ đồng. Xét trên tổng thể thì khoản tiền đó để phục vụ cho các hoạt động Olympic vẫn còn chưa thật nhiều. Năm 2014, tổ chức này chỉ thu được hơn 252.000 USD. Trước đó, khoản dư cũ từ năm 2013 chuyển sang là hơn 644.000 USD.

Cả năm 2014 đã chi hơn 400.000 USD cho các hoạt động trong khi mức thu về chỉ bằng một nửa. Tới đây, mọi khoản chi sẽ còn nhiều hơn do chúng ta có nhiều chương trình với SEA Games 28, vòng loại Olympic 2016 hay công tác chuẩn bị ABG5-2016.

Bản thân lãnh đạo Ủy ban Olympic khẳng định hiệu quả của việc xã hội hóa TDTT chưa cao, tài trợ có nhưng lại chưa thường xuyên. Đáng kể là Ủy ban Olympic Việt Nam chưa có nhà tài trợ chính hàng năm và tài trợ chỉ tới khi có các sự kiện nổi bật. Bền vững tài chính thì mới tạo được sức mạnh. Nếu tài chính eo hẹp thì cũng khó thực hiện được các kế hoạch và sự đột phá chỉ ở giới hạn. Cần vững hơn về tài chính, đó cũng là mong mỏi của người làm thể thao Việt Nam.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục