Thầy nội và bệnh… ê-kíp

13:29 Thứ ba 03/04/2012

Tuần này, bóng đá Việt Nam sẽ công bố HLV trưởng đội tuyển và chắc chắn đó là HLV nội. Hiện đã có bốn cái tên được cân nhắc đó là Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng và Đặng Trần Chỉnh. Trong tuần này đại diện của VFF cùng Hội đồng HLV sẽ tiếp xúc làm việc với lần lượt bốn cái tên đấy.

Sau khi HLV Goetz bị “trảm”, VFF đã xác định thầy nội sẽ dẫn dắt bóng đá Việt Nam đồng thời chấm dứt luôn việc tìm kiếm thầy ngoại cho AFF Cup. Việc sử dụng thầy nội gặp hai luồng kiến tranh luận nhưng đa phần được ủng hộ bởi nhìn sang láng giềng Malaysia thành công rực rỡ với thầy nội và vì sản phẩm hỏng từ thầy ngoại mà bóng đá Việt Nam gánh chịu sau SEA Games 2011. Bên cạnh đó khả năng và chất xám của thầy nội lâu nay đã bị bỏ phí khi cả chuyện của đội tuyển và đội Olympic đều “khoán” cho thầy ngoại nhưng phần hiểu về con người Việt Nam và bóng đá Việt Nam thì thầy ngoại lại có khái niệm lẫn cảm nhận rất mơ hồ. Tuy nhiên nói đến chuyện thầy nội cũng không thể không nhắc đến căn bệnh mà các thầy nội trước đây từng mắc phải: Bệnh ê-kíp và bệnh thầy nội bị giật dây…

2 HLV Nguyễn Kim Hằng (trái) và Vũ Văn Tư (phải) có thể coi là "nạn nhân" của việc trở thành HLV nội

Câu chuyện về “quân anh”, “quân tôi”

Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên môn hay tranh luận về chuyện thầy nội và đặt ra những nghi ngờ về tính nghiêm minh, khách quan như thầy ngoại. Điều đấy xuất phát từ những lần chọn ê-kíp mà các thầy nội hay thực hiện để giữ an toàn cho mình. Điền hình SEA Games đầu tiên Việt Nam tham dự là SEA Games 16 năm 1991. Trước đó hai HLV được chọn là Vũ Văn Tư (QNĐN) và Nguyễn Kim Hằng (Hải Quan). Đây cũng là hai HLV của hai đội có thành tích cao nhất mùa bóng 1991. Thành phần cầu thủ khi ấy được tuyển chọn cũng rất đông các cầu thủ của hai HLV đấy khi có đến 8 của QNĐN và 7 của Hải Quan.

Hồi đấy vì chán nản với cảnh sáng, trưa, chiều, tối phải ăn cơm Nhổn mà điều kiện tập luyện thì không được chăm sóc tốt, chính HLV Vũ Văn Tư đã “bật đèn xanh” cho các “đệ ruột” của mình ở QNĐN: “Muốn về thì cứ bỏ về trước rồi thầy cũng sẽ về sau”. Lập tức 11 cầu thủ gồm 5 của QNĐN, 5 của Hải Quan và 1 của CSG đã tự tiện bỏ Nhổn “đào ngũ” trốn về địa phương. Trước sự cố đấy, Tổng cục TDTT đã làm lớn, kỷ luật nặng 11 cầu thủ trên đồng thời bổ sung gấp ông Nguyễn Sỹ Hiển (Thể Công) làm HLV trưởng. Ông Hiển lên nắm đội lập tức bổ sung ngay 7 cầu thủ Thể Công và một số cầu thủ khác để hình thành cái sườn mới dựa trên “quân tôi” nhiều hơn “quân anh” để nắm phần chủ động và để… không bị phá.

Trước SEA Games 17 năm 1993, ban huấn luyện khi ấy được chọn là Trần Bình Sự (CA Hải Phòng), Phạm Huỳnh Tam Lang (CSG) và Nguyễn Văn Vinh (Tiền Giang). Thành phần cầu thủ khi ấy có ưu tiên một là các cầu thủ CA Hải Phòng dưới trướng HLV Trần Bình Sự và lối chơi lẫn cách sinh hoạt đều nặng theo kiểu CA Hải Phòng. Đấy cũng là SEA Games mà nội tình đội tuyển Việt Nam rất phức tạp khi nhiều cầu thủ tranh thủ sang Singapore đi buôn và bỏ tập cùng sự cố một trung vệ cố tình nhận thẻ đỏ để phá HLV trưởng Trần Bình Sự do trước đó hai bên đã có những va đập lớn về việc “quân anh”, “quân tôi”. Đấy cũng là kỳ tập trung đội tuyển mà sau đó các HLV không có quân hoặc ít quân cũng xin rút mà điển hình là ông Phạm Huỳnh Tam Lang.

Sau này chính các HLV phải thừa nhận rằng làm HLV ở đội tuyển mà không tìm ê-kíp, không chọn quân của mình thì rất dễ bị phá và đấy là lý do kiểu gì thì kiểu các HLV trưởng chịu trách nhiệm chính vẫn khăng khăng khi chọn bộ khung thì phải là “lính” mình và sẵn sàng sống chết cho mình.

Chuyện này càng thể hiện rõ hơn khi năm 1997 đội tuyển Việt Nam dự vòng loại World Cup nhưng giữa chừng HLV Weigang từ chức thì lần lượt các HLV lên thế vai sau đó là Trần Duy Long và Lê Đình Chính dẫn quân đi đều thua tan tác do không có quân và không bảo được cầu thủ vì… không có ê-kíp.

Thầy nội bây giờ có bình thản với “quân chúng ta”

Dù trên đây là “chuyện xưa” nhưng chắc chắn đến giờ vẫn ảnh hưởng không ít đến bóng đá ta. Khi VFF lên kế hoạch cho thầy nội thì cũng đã có nhiều tranh luận quanh việc dùng thầy nội sẽ có nhiều cái lợi nhưng cũng có nhiều bất cập quanh việc chọn ê-kíp, chuyện khó xử giữa “quân anh”, “quân tôi”, “quân chúng ta”.

Liệu có còn vấn nạn ê-kíp?

Hồi HLV Phan Thanh Hùng hay Lê Huỳnh Đức được giao toàn quyền khi tạm thay thế HLV Calisto thì việc “quyết” và “làm” của các HLV này gần như không hề gặp trở ngại bởi các “chuyên gia” ở VFF còn ngại ông Calisto mà không xen vào việc đội tuyển trong khi cầu thủ thì vẫn biết là trên HLV Thanh Hùng, HLV Huỳnh Đức còn có ông thầy Calisto nổi tiếng nghiêm khắc.

Với bóng đá Việt Nam bây giờ cái khó là các HLV còn “ăn cơm” CLB nên cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng từ chính ông chủ ở CLB của mình và chắc chắn cũng bị chi phối ít nhiều từ quyền lợi CLB. Việc VFF sẵn sàng trả lương rất cao là một cách làm mới để các HLV yên tâm lên đội tuyển nhưng không có nghĩa là các HLV sẵn sàng bỏ CLB để lên làm ở đội tuyển. Mới đây chính HLV Phan Thanh Hùng đã tâm sự rằng “Tôi đã quen và đã gắn bó với CLB dài lâu, hơn nữa công việc ở CLB ổn định hơn nên nếu VFF cho kiêm nhiệm tức không phải chia tay CLB mà lên tuyển thì tôi mới nhận lời…”.

Thực chất thì việc HLV nội bất an khi lên đội tuyển là có thật bởi cách đối xử và trao quyền với HLV nội khác xa với cung cách làm việc với HLV ngoại. Thầy nội ít được tạo điều kiện toàn phần và rất hay bị chi phối nhiều thứ và căn bệnh “quân anh” “quân tôi” luôn ám ảnh.

Và điều quan trọng hơn cần phải nhắc đến là chúng ta cứ lấy bóng đá Malaysia có thầy nội ra làm thước đo nhưng cách làm của chúng ta lại khác rất xa với bóng đá Malaysia. Đó là thầy phải là người được chính LĐBĐ Malaysia đầu tư ngay từ khi còn là HLV của trung tâm đào tạo thuộc LĐBĐ Malaysia nên việc dùng người tránh được sự chi phối từ chính các CLB còn bản thân HLV thì không có tư tưởng đi làm thời vụ.

Khó cho bóng đá Việt Nam khi “đề cao” thầy nội là ở chỗ cơ quan quản lý bóng đá xác định ưu tiên cho thầy nội nhưng vẫn chỉ là biện pháp chữa cháy như đến mùa gặt thì thuê thợ giỏi.
Nguyễn Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục