Tay vợt Tiến Minh: Đằng sau hai thất bại liên tiếp

10:38 Thứ bảy 19/01/2013

Việc Tiến Minh khởi đầu năm mới 2013 bằng 2 thất bại liên tiếp ở 2 giải đấu đều thuộc hệ thống Superseries thật sự là nỗi buồn không chỉ riêng với cả nhân Tiến Minh mà cả với những người hâm mộ thể thao Việt Nam.

Là một trong những VĐV hiếm hoi của Việt Nam đứng trong top 10 thế giới ở một môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic, không quá lời để nói rằng Tiến Minh hiện vẫn là một biểu tượng của thể thao Việt Nam ở sân chơi quốc tế.

Sẽ còn rất lâu nữa cầu lông Việt Nam mới sản sinh ra một VĐV đẳng cấp thế giới như Tiến Minh. Ảnh: V.V

Chỉ có điều biểu tượng này đang có dấu hiệu sa sút rõ rệt do gánh nặng về tuổi tác, vì Tiến Minh năm nay đã bước sang tuổi 30. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc trong một môi trường hoàn hảo và lý tưởng hơn, có thể tuổi thọ nghề nghiệp của Tiến Minh sẽ được kéo dài thêm gần chục năm nữa chứ không phải đang đối mặt với nguy cơ đi xuống như hiện tại.

Thử hỏi trước và sau Tiến Minh, cầu lông Việt Nam có trình làng được thêm một tên tuổi nào khác, và nếu trong vòng 5 năm nữa, khi Tiến Minh giải nghệ hoặc không còn ở đỉnh cao phong độ, cầu lông Việt Nam làm thế nào tìm được một cây vợt đủ sức cạnh tranh một vị trí trong top 10 thế giới như thành tích mà Tiến Minh hiện đang sở hữu?

Không phải là sự ngẫu nhiên khi Tiến Minh dù đã là cây vợt có đẳng cấp thế giới nhưng lại thất bại liên tiếp ở 2 kỳ SEA Games gần đây nhất, bởi nếu được đầu tư bài bản và kỹ lưỡng như các đồng nghiệp nước ngoài, lẽ ra Tiến Minh không thể dễ dàng thất bại ngay ở vòng đầu của những giải đấu cỡ “ao làng” như SEA Games.

Vẫn biết SEA Games là đấu trường có sự hiện diện của nhiều cây vợt hàng đầu thế giới như Lee Chong Wei hay Taufik Hidayat, nhưng vấn đề là ở cả SEA Games 2011 lẫn SEA Games 2009, Tiến Minh đều thất bại từ rất sớm, khi còn chưa có cơ hội nhìn thấy huy chương và dĩ nhiên cũng chưa chạm trán với những thử thách cỡ như Lee Chong Wei.

Có ý kiến cho rằng vì Tiến Minh bị tâm lý nên mới thất bại dễ dàng như vậy ở SEA Games, nhưng trong một lần trao đổi cùng chúng tôi, Tiến Minh đã thẳng thừng bác bỏ điều này. Tiến Minh khẳng định: “Nói chuyện bị tâm lý với VĐV đã thi đấu cả trăm cả nghìn trận quốc tế với đủ loại đối thủ như tôi là vô cùng phi lý”.

Chỉ có một lý do duy nhất là Tiến Minh đã không được chuẩn bị đủ tốt khiến cây vợt này không thể duy trì phong độ cao nhất ở những thời khắc quyết định, từ đó dẫn tới thất bại vào những lúc đang nhận được sự kỳ vọng cao nhất. Điểm lại hành trình vươn lên đẳng cấp thế giới của Tiến Minh cũng thấy rất rõ nỗ lực cá nhân của cây vợt này, và đây cũng là điểm tương đồng của nhiều tài năng trẻ khác của thể thao Việt Nam hiện tại như Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Hoàng Thiên (cùng quần vợt).

Qua câu chuyện của những Tiến Minh, Hoàng Nam hay Hoàng Thiên thì thấy thể thao Việt Nam không thiếu nhân tài, và nếu được đầu tư đúng mức, nếu biết lựa chọn những môn thể thao phù hợp với tố chất của người Việt thì chúng ta vẫn có cơ hội góp mặt ở sân chơi đỉnh cao của thế giới. Tuy nhiên, biết thì biết vậy, nhưng có làm được hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Thử hỏi sau mỗi thất bại của Tiến Minh, đã có đơn vị hay cá nhân nào lập tức đứng ra làm việc với cây vợt này để tìm cách mổ xẻ rồi khắc phục nguyên nhân, hay lúc nào cũng chỉ còn một mình Tiến Minh và HLV rồi hết? ĐT bóng đá Việt Nam thất bại ở một giải đấu có quy mô khu vực thì được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân cả tháng trời, còn một VĐV đứng trong top 10 thế giới như Tiến Minh thua liền 2 giải đấu quan trọng mà chẳng thấy Liên đoàn hay quan chức nào lên tiếng, cứ như thể Tiến Minh có thắng hay thua thì cũng là chuyện riêng của cây vợt này vậy.

Cứ với cách tư duy như thế thì chẳng trách vì sao nhân tài thể thao Việt Nam thì nhiều vô kể, nhưng số VĐV vươn lên tầm thế giới lại ít ỏi đến thế.

Tiến Minh rớt hạng

Chỉ một tuần sau khi vươn lên xếp hạng 6 chung cuộc Tiến Minh đã lại rớt xuống hạng 7. Tuy nhiên, thứ hạng này chỉ là tạm thời, chưa tính đến kết quả của giải cầu lông Malaysia mở rộng, giải đấu mà Tiến Minh bị loại từ vòng một trước Taufik Hydayat.

Với 55.354 điểm, Tiến Minh chỉ kém người xếp trên Hu Yun một cách biệt không đáng kể nhưng trong khi tay vợt người Hồng Kông Trung Quốc cùng với Du Pengyu, Sony Dwi Kuncoro có những thăng tiến đáng kể để cải thiện vị trí trong tốp 10 thì Tiến Minh lại tụt hạng. Cùng sa sút như Tiến Minh còn có Chen Jin, Kenichi Tago và Simon Santoso.

Trên thực tế, việc thứ hạng của Tiến Minh liên tục hoán đổi trong tốp 10 là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, sau 2 thất bại liên tiếp đều ngay tại vòng một, đó là ở giải Hàn Quốc mở rộng và giải Malaysia mở rộng, điều khiến giới chuyên môn cũng như người hâm mộ cầu lông Việt Nam lo lắng cho Tiến Minh là ảnh hưởng của chấn thương trong quá trình tập luyện khiến nền tảng thể lực của tay vợt này không được đảm bảo.

Thêm vào đó, sau khi bị loại sớm ở 2 giải đấu đều thuộc hệ thống Superseries đầu năm 2013, Tiến Minh đã không có được những điểm số tích lũy cần thiết. Khởi đầu không thuận lợi trong năm 2013 chắc chắn cũng sẽ khiến tâm lý thi đấu của Tiến Minh bị ảnh hưởng. Sức ép thành tích, thứ hạng với Tiến Minh là có nhưng hơn lúc nào hết, tay vợt số một của Việt Nam cũng cần nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía người hâm mộ để có thể nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bảng xếp hạng tuần tiếp theo dự kiến sẽ được công bố vào ngày 24/1 và chắc chắn, thứ hạng của Tiến Minh sẽ còn xuống thấp hơn nữa.

V.P | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục