Tài Em giải nghệ và bao giờ V-League lại như xưa?

18:35 Chủ nhật 09/10/2016

TinTheThao.com.vnVậy là "cu Mười" Phan Văn Tài Em đã giải nghệ, chàng cầu thủ sở hữu gần hết các danh hiệu mà một cầu thủ Việt có thể có, cuối cùng cũng không thể tiếp tục ra sân thi đấu nữa. Tuổi tác không chừa một ai và Tài Em giải nghệ có lẽ không quá sốc với quá nhiều người, nhưng nhìn lại, chợt thấy không biết đến bao giờ V-League lại có một thời như thế.

Tai-Em-Long-An-1

 Phan Văn Tài Em là chứng nhân của một thời hấp dẫn của V-League. Ảnh: Internet.

Nhắc đến Tài Em, ngoài những phẩm chất của anh, những danh hiệu, lối thi đấu nắn nót, cương nhu đúng lúc, cùng sự miễn nhiễm với scandal, người ta sẽ nhớ về anh như một chứng nhân của thời kỳ mà V-League từng rực rỡ, khi mà các cầu thủ nổi tiếng nhất của Thái Lan nô nức khăn gói sang Việt Nam thi đấu, V-League cũng có nhiều HLV ngoại, nhiều cầu thủ giỏi từ các nền bóng đá phát triển như Brazil, bên cạnh đó lực lượng cầu thủ nội cũng vô cùng nổi bật. Những điều đó khiến cho V-League thực sự chất lượng, thu hút khán giả và nếu có cho rằng nó hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á thì cũng không phải là lời "nói phét".

Bây giờ thì thời vàng son đó tất nhiên là đã không còn. Không dám nói chất lượng V-League đi xuống hay "xuống đáy" như nhiều người bàn luận, nhưng rõ ràng, tính hấp dẫn năm xưa đã không còn. V-League không thu hút được nguồn ngoại binh chất lượng cao như xưa nữa, thay vào đó là quá nhiều bản hợp đồng "hớ", "bom xịt". Các HLV ngoại đã bật bãi khỏi giải bóng đá này, không có ý chê tài HLV nội, nhưng nếu một giải đấu có nhiều chiến lược gia đến từ những nền bóng đá phát triển và có tư duy huấn luyện hiện đại thì giải đấu đó sẽ có những nét hấp dẫn hơn rất nhiều.

Hay đơn giản nhất V-League bây giờ chẳng thể mang đến hơi thở của một trận đại chiến, kiểu như đại chiến Gạch - Gỗ giữa GĐT Long An và HAGL mà Tài Em là một người tham dự, khi mà khán giả náo nức theo dõi trận đấu kể cả trên khán đài trực tiếp lẫn xem qua truyền hình. Bây giờ các trận đấu dù ảnh hưởng đến chức vô địch, buồn thay lại được bao phủ bởi chuyện bên lề, từ bóng đá tình cảm cho đến chuyện trọng tài, hay nặng nề hơn là chuyện tiêu cực.

Tai-Em-Long-An-3

  V-League mất dần chỗ đứng trong lòng khán giả Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.

Cái gốc của nền bóng đá là đào tạo trẻ thì nhiều năm qua Việt Nam làm không hề tồi. Rất nhiều lò đào tạo tốt được mở ra bên cạnh các địa phương có tính truyền thống. Chất lượng các giải đấu trẻ và các lứa U quốc gia đi thi đấu nước ngoài cũng đã được nâng cao. Tuy nhiên để V-League phát triển thì không thể chỉ dựa vào nguồn cầu thủ. Một giải VĐQG cần một đường hướng đi lên chuyên nghiệp, hội nhập, và phải có một quy trình quản lý vận hành trơn tru linh hoạt, được tạo mọi điều kiện để bức phá, để thu hút các nguồn lực từ con người đến tài chính, chứ không bị lập ra các rào cản.

Hy vọng rằng, tới đây, những nhà quản lý nền bóng đá, có trách nhiệm với giải VĐQG sẽ mở được những nút thắt đang trói buộc và sớm đưa V- League trở lại thời hoàng kim.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

18:35 09/10/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục