Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 24: Kình ngư ham học

12:15 Thứ hai 04/03/2013

Thống trị bơi lội nữ Việt Nam trong một thời gian dài, sau khi rời khỏi đường đua xanh, Nguyễn Kiều Oanh tiếp tục gặt hái thành công trong đường học vấn.

Nhắc đến Kiều Oanh, giới hâm mộ thể thao lâu năm hẳn vẫn còn nhớ kỳ tích tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất, năm 1990. Khi ấy, một mình kình ngư này đã đem về 14 HCV cho đoàn thể thao TP.HCM, đồng thời phá 5 kỷ lục quốc gia. Tiếp PV sau một buổi dạy tại Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, chị vẫn rất sôi nổi khi kể về kỳ đại hội đáng nhớ ấy: “Nói cho bạn dễ hình dung, do các cự ly bơi của nam và nữ xếp xen kẽ nhau nên vừa về tới đích, mình chẳng có thời gian để bơi thả lỏng mà lật đật lo chạy về nơi tập trung xuất phát đợt mới để chuẩn bị… thi tiếp. Tới mấy cự ly cuối cùng, mình mệt lắm nhưng ráng hết sức nên vẫn về nhất”.

Kiều Oanh (bìa trái) và các học trò lứa tuổi 13-14 của đội tuyển TP.HCM - Ảnh: Lan Chi

Thời điểm đầu thập niên 1990, hoàn cảnh đất nước rất khó khăn, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo và ngành TDTT thành phố nên VĐV TP.HCM có điều kiện tập luyện khá tốt. Trong suốt 15 năm thi đấu đỉnh cao, Kiều Oanh giữ 11 kỷ lục quốc gia. Đến tận năm 2009 thì kỷ lục cuối cùng của chị tồn tại suốt 16 năm ở nội dung 50 m bướm mới bị VĐV Nguyễn Thị Kim Tuyến (TP.HCM) phá. Tuy nhiên, thành tích 14 HCV ở một kỳ đại hội TDTT toàn quốc chắc chắn sẽ khó có VĐV nào đạt được.

Miệt mài đèn sách

Nguyễn Kiều Oanh sinh năm 1969. Năm 12 tuổi, chị đã phá kỷ lục quốc gia đầu tiên ở nội dung 400 m hỗn hợp. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất năm 1990, chị đoạt 14 HCV và lập 5 kỷ lục quốc gia. Suốt giai đoạn 1980 - 1995, Kiều Oanh hầu như không có đối thủ ở đấu trường quốc gia và đã hơn 60 lần phá kỷ lục quốc gia ở môn bơi. Chị từng đại diện Việt Nam tham dự 2 kỳ Olympic thế giới là Olympic Seoul (1988) và Barcelona (1992).

Mới qua tết mà Kiều Oanh đã rất bận rộn. Hiện chị là Phó giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, kiêm công tác công đoàn và công tác chi bộ nên phải dành khá nhiều thời gian trong ngày cho công việc. Chiều tối, từ 16 - 21 giờ, chị huấn luyện đội tuyển bơi lội, lứa 12-14 tuổi của TP.HCM. Từ cuối năm ngoái, chị bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh khóa 1 của Đại học TDTT TP.HCM. Có lẽ, khoảng thời gian “dầm mưa dãi nắng” khổ luyện ở môn bơi lội đã rèn cho chị một tinh thần kiên trì, chịu khó để không ngừng phấn đấu trong công việc và cuộc sống.

Càng trò chuyện, PV Thanh Niên càng nể phục tinh thần ham học hỏi của Kiều Oanh. Kiên trì bám trụ đường đua xanh từ năm 1981 đến năm 1995, sau đó chị nghỉ thi đấu và bắt đầu tham gia công tác huấn luyện bơi ở CLB bơi Yết Kiêu. Song song đó, chị theo học ĐH TDTT TP.HCM. Năm 1998, học xong ngành này, chị lại đăng ký học ngoại ngữ. Năm 2000, chị tốt nghiệp cử nhân Anh văn. Nhờ thế mạnh này cùng với bề dày thành tích khi thi đấu mà Kiều Oanh được TP.HCM tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn dắt các VĐV chương trình “Thế hệ vàng” sang Úc tập huấn từ năm 2004 - 2006. Trong thời gian ở xứ sở chuột túi, ngoài giờ huấn luyện, Kiều Oanh lại tranh thủ đến trung tâm dạy tiếng Anh tại Úc để luyện thêm khả năng nghe nói. Theo chị, dù đã hoàn thành chương trình cử nhân Anh văn nhưng chỉ được học nhiều về đọc - viết chứ 2 kỹ năng còn lại vẫn hạn chế. Chuyên gia người Úc thấy Kiều Oanh ham học nên ngỏ ý với lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM cho chị tham gia chương trình đào tạo HLV bơi tại Úc. Kết quả là sau 3 năm tập huấn, không chỉ học trò tiến bộ về thành tích thể thao mà cô giáo Kiều Oanh cũng “bỏ túi” luôn 3 bằng HLV bơi lội của Úc.

Vừa chân ướt chân ráo về Việt Nam, Kiều Oanh nhận giấy đăng ký thi cao học. Chị đi thi và… đậu. Đến năm 2009, Kiều Oanh lấy bằng thạc sĩ giáo dục học ngành TDTT. Chỉ vài tháng sau, chị được cử đi học cao cấp chính trị, vậy là tiếp tục miệt mài theo khóa học từ cuối năm 2009 - 2011. Có lẽ, nếu sắp tới hoàn thành chương trình học nghiên cứu sinh thì “bộ sưu tập” bằng cấp của chị phong phú không kém số huy chương đạt được thời còn là VĐV. Kiều Oanh nhận định: “Những gì được học, đặc biệt là thời gian ở Úc, giúp cho việc huấn luyện của mình rất nhiều. Hiện nay, mình phân chia việc tập luyện dựa trên điều kiện, cơ sở về tâm lý, thể chất của thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi 12-14. Tập bền tối đa bao nhiêu, thời gian nghỉ thế nào là hợp lý, xen kẽ bài tập bền - tốc độ ra sao… Tất cả đều được dựa trên cơ sở kiến thức học được từ Trường ĐH TDTT TP.HCM và tài liệu huấn luyện của Úc cũng như của các chuyên gia bơi trên thế giới. Nhờ vậy, các em tiến bộ nhanh và mau hồi phục thể lực”.

Đằng sau mọi thành công của Kiều Oanh là sự ủng hộ hết mình của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp trong ngành TDTT, đặc biệt là ông xã Đỗ Trọng Thịnh. Tiến sĩ Thịnh chính là HLV đã dìu dắt chị từ năm 13 tuổi. Kiều Oanh chia sẻ: “Anh Thịnh nghiêm khắc khi làm thầy, còn bình thường thì nghiêm túc. Mười mấy năm trời thọ giáo anh, mình vừa nể trọng vừa… hơi sợ vì nhiều lần bị la đến phát khóc luôn đó. Hổng hiểu sao những năm tập luyện cuối cùng lại nảy sinh tình cảm… đặc biệt”. Anh chị kết hôn vào tháng 2.1997 và đến nay đã có 2 bé trai là Đỗ Minh Trí (15 tuổi) và Đỗ Minh Khoa (10 tuổi).

Nguyễn Ngọc Lan Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục