Ông Lê Thụy Hải về Hải Phòng: Ứng xử với “hàng Việt Nam chất lượng cao”

08:30 Thứ ba 07/02/2012

Một kịch bản thế này: Sau lượt đi, Hải Phòng “đì đẹt” và huấn luyện viên Lê Thụy Hải lại bị sa thải. Nhưng cũng có kịch bản thế này: Ông Hải “lơ” về Hà Đông nằm cười khểnh, dăm vòng sau có đội đánh xe đến tận nhà rước ông đến cầm quân. Đơn giản, vì ông là “hàng Việt Nam chất lượng cao”!

Tuổi 67, ông Hải “lơ” vẫn được lãnh đạo Hải Phòng mời về Lạch Tray với mức lương 100 triệu đồng/tháng và khoản lót tay 1 tỷ đồng. Đấy là niềm mơ ước với bất cứ ai đang theo đuổi nghiệp cầm quân. Thậm chí, rất nhiều huấn luyện viên nội đã có mươi năm tuổi nghề, cũng phải ghen tị với ông Hải.

“Người ta nói Hải Phòng đang là đống lửa cháy, nên tôi nhảy vào”. Ảnh: VSI

Nên nhớ từ năm 2010, giá của huấn luyện viên Lê Thụy Hải được Ninh Bình trả đã là 100 triệu đồng/tháng. Dù huấn luyện viên này luôn nói rằng gia đình ông chẳng thiếu tiền, ông nghỉ bóng đá thì con ông đánh ô tô chiều chiều chở bố đi uống bia vô tư. Có điều, tính từ năm 2005 (lần đầu ông dẫn dắt một đội bóng chuyên nghiệp - LG Hà Nội ACB), thu nhập của ông từ nghề huấn luyện chắc cũng chẳng thua gì thu nhập của các con ông. Nếu cộng lại số tiền mà ông đã nhận từ bầu Kiên, Đà Nẵng, Bình Dương, Thể Công, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, chắc chắn các con ông phải kính nể cái nghề của bố.

100 triệu đồng

Đó là khoản tiền lương mỗi tháng mà huấn luyện viên Lê Thụy Hải nhận từ Hải Phòng trong vòng 1 năm tới, bên cạnh khoản lót tay 1 tỷ đồng. Xét về lương, con số này không mới với ông Hải, thậm chí còn bị xem là “mất giá”, bởi Ninh Bình cũng từng trả ông ngần ấy tiền mỗi tháng vào năm 2010.
Huấn luyện viên Lê Thụy Hải có nhiều câu nói để đời, nhưng có hai lập ngôn về nghề và khẳng định giá trị của mình khá nổi tiếng: “Tôi Hàng Việt Nam chất lượng cao” (lúc ra Ninh Bình) và “Tôi mới là ngôi sao lớn nhất” (ở Thanh Hóa). Quả là người “thị tài”, ý thức được cái tài của mình để rồi luôn tự tin sống khỏe giữa dòng chảy bóng đá vốn còn nhiều nhiễu nhương như ở Việt Nam.
Thế hệ ông Hải sản sinh nhiều chuyên gia, danh thủ lẫy lừng. Có điều, giờ chỉ còn tồn tại ông và huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh, người cũng “được giá” khi bầu Kiên trải thảm sau sự kiện Hòa Phát Hà Nội “giải tán”.

Sau thời ông Hải, chúng ta có thể thấy một khoảng trống thế hệ khá rõ ở lực lượng cầm quân. Phải mất mấy chục năm sau bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra một thế hệ (không nhiều) huấn luyện viên đã chứng minh được mình là “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Phan Thanh Hùng là những niềm tự hào của đội ngũ cầm quân trên sân cỏ Việt Nam. Nếu họ rời vị trí hiện tại, chắc chắn thu nhập của họ không thua kém những gì đang được hưởng.

Rõ ràng, môi trường bóng đá nước nhà và môi trường làm nghề cụ thể đã quyết định rất lớn đến sự nghiệp của mỗi huấn luyện viên. Bóng đá chuyên nghiệp đã trang bị cho các ông thầy những hành trang và cơ hội để vượt những giới hạn mà đồng nghiệp đi trước không thể có được.

Chủ nghĩa xê dịch

Kể từ năm 1998 đến nay, đây là lần thứ 10 huấn luyện viên Lê Thụy Hải có chỗ làm việc mới. Các đội bóng mà ông đã dẫn dắt trong 14 năm qua bao gồm B.Bình Dương (1998, 2006-2008, 2011); LS.Thanh Hóa (2001-2003, 2010-2011); LG Hà Nội ACB (2004); Đà Nẵng (2005); Thể Công (2009); V.Ninh Bình (2010), XM.Hải Phòng (từ 2012).
Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Khi đã xác lập được tên tuổi, không phải huấn luyện viên nào cũng chọn cho mình được một hướng đi đúng đắn. Nói thế bởi mãnh lực đồng tiền tác động ghê gớm đến các ông tướng. Bản thân các CLB cũng chạy đua thành tích, thành ra họ không coi trọng việc dùng huấn luyện viên giỏi có tính lâu dài, nên các thuyền trưởng cũng hình thành tâm thế sẵn sàng chấp nhận bị “trảm”.
Chính huấn luyện viên Lê Thụy Hải cũng nhiều lần phải “rơi lệ”. Bình Dương công nhận ông giỏi, nhưng vẫn không thu nạp. Chắc gì, mối lương duyên của huấn luyện viên Lê Thụy Hải với Hải Phòng lại nồng thắm lâu dài.

Trên bình diện rộng hơn, các huấn luyện viên nội chưa nhận được sự tôn trọng nhất định từ phía VFF lẫn CLB. Gọi huấn luyện viên lên tuyển thì mức lương bèo bọt so với thầy ngoại, là kẻ đóng thế chỉ biết “xác nước, nhặt bóng”. Các CLB thì coi huấn luyện viên trưởng như công cụ để giúp lãnh đạo CLB thăng tiến, giữ ghế là chính. Người xưa bảo: Một tướng khó tìm, ba quân dễ chọn, mấy huấn luyện viên được giao toàn quyền và được lãnh đạo ủng hộ tuyệt đối như Hữu Thắng, Thanh Hùng, Huỳnh Đức, Anh Tuấn?

Một đội bóng muốn phát triển tích cực trong lối chơi và bản sắc thì cần có lộ trình, trong đó vai trò huấn luyện viên hết sức quan trọng. Sẽ không bao giờ có được điều đó, nếu các CLB (và cả đội tuyển quốc gia) vẫn duy trì tư duy ăn xổi, sẵn sàng sa thải huấn luyện viên trưởng khi thành tích nhất thời không như mong muốn.

Đã có một trào lưu đi học nghề huấn luyện viên nở rộ thời gian qua. Cũng đã có không ít huấn luyện viên nội khẳng định được năng lực, tư chất, cá tính. Thế nhưng, họ qua lâu không được những người có trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà trao gửi niềm tin. Nguy hiểm hơn, đã hình thành một tâm lý ngại lên tuyển. Đơn giản, bởi ở CLB họ vừa có quyền lại vừa có tiền.

Ứng xử phải lối với hàng Việt Nam chất lượng cao, đấy không còn là câu chuyện của bóng đá.
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục