Nhà Văn hóa Thanh Niên: Mảnh đất tiên phong của làng thể thao thành phố

14:35 Thứ sáu 29/03/2013

Mỗi khi ĐTVN ra trận tại SEA Games, AFF Cup... cánh phóng viên TPHCM không hẹn mà gặp tại số 4 đường Phạm Ngọc Thạch. Cũng dễ hiểu, bởi những hình ảnh truyền tải từ nơi đây của hàng ngàn NHM đủ mọi giới, thậm chí cả... dân Tây, được xem là sự cổ vũ mạnh mẽ nhất cho các chàng trai mang trách nhiệm thi đấu vì dân tộc.

Lớp võ năm 1981

Nơi của những người đi khai phá...

Tất nhiên, không phải vô cớ mà những nhà tài trợ chọn Nhà Văn hóa Thanh Niên (NVHTN) là địa điểm chính cho việc quy tụ NHM ở TPHCM. Tất cả xuất phát từ một truyền thống thể thao mà nơi đây luôn có thể tự hào là người đi tiên phong trong việc gầy dựng cũng như tái lập nên không ít các môn thể thao cả truyền thống lẫn hiện đại cho dân tộc. Truy tìm lại nguồn gốc của thể thao TPHCM những ngày đầu sau năm 1975, người ta nhận thấy có không ít môn thi đấu đỉnh cao vốn xuất xứ tại NVH TN, từ bóng chuyền, võ cổ truyền cho đến không thủ đạo... gắn liền với những cái tên đã đi vào sách vở của làng thể thao như Hồ Cẩm Ngạc, Lê Văn Vân, Trần Văn Nghĩa, Hồ Tường...

Là một trong những nơi tổ chức thi đấu môn cầu mây sớm nhất

Sau ngày giải phóng, thời kỳ mà thể thao TPHCM nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung vẫn còn khá đình trệ, NVH TN chính là nơi cất tiếng nói đầu tiên cho việc tái lập phong trào tập luyện thể thao cho giới trẻ thời ấy. Đầu tiên là bộ môn bóng chuyền được thành lập vào năm 1976. Với khoảng 40 thành viên thuở ban đầu, CLB bóng chuyền với 2 đội nam và nữ của NVH TN ngày đó đóng góp không ít cho phong trào phát triển bóng chuyền khắp cả nước khi nhiều lần tham dự các giải đấu toàn quốc hay du đấu khắp mọi tỉnh thành. Bên cạnh đó, không ít VĐV tham gia vào việc huấn luyện hay thi đấu thuở ban đầu tại NVH TN sau này đã trở thành nhân vật trụ cột trong làng bóng chuyền Việt Nam như Trần Văn Nghĩa (sau này là TTK LĐBC TPHCM)... Sau 10 năm tổ chức quy mô chuyên nghiệp, dù đã dần đi xuống những năm gần đây nhưng CLB bóng chuyền NVH TN mãi vẫn được nhớ đến như cái nôi của phong trào bóng chuyền cả nước.

Lớp võ của Hồ Tường thời ấy
Các hoạt động bây giờ

Trong khi phong trào bóng chuyền đình đám một thời tại nơi đây đã dần tan rã thì các CLB võ thuật, thứ làm nên màu sắc chính cho hoạt động TDTT của NVH TN, vẫn vững mạnh như ngày nào. Sau năm 1975, phong trào luyện võ của cả TPHCM tạm lắng xuống và chỉ đến khi các võ sư danh tiếng của làng võ như Lê Văn Vân, cha con võ sư Hồ Văn Lành, Hồ Tường... đệ đơn xin gầy dựng trở lại, phong trào luyện võ của TPHCM mới được tái lập mà trụ sở chính là NVH TN. Với 4 lớp võ danh tiếng gồm Tân Khánh Bà Trà, Không Thủ Đạo (karate), Thái Cực Đạo (taekwondo) và Bình Định Sa Long Cương, nơi đây đã đào tạo nên hàng vạn võ sinh cho TPHCM và tồn tại vững mạnh đến ngày nay.

...và những câu chuyện đẹp

Suốt 70 năm tồn tại, NVH TN sở hữu không ít câu chuyện xúc động lòng người, từ sự đứt gánh của cố võ sư Hồ Cẩm Ngạc cho đến “lớp học mù” của võ sư Hồ Tường. Còn nhớ trước năm 1975, võ sư Hồ Cẩm Ngạc, người đã đứng ra thành lập võ đường karatedo Shorin Yu tại NVH TN thời điểm ấy, cũng được xem là người có công lớn trong việc đặt nền móng cho môn phái karatedo tại Việt Nam. Ở cái tuổi 42, lẽ ra vị võ sư họ Hồ còn có thể phát dương môn phái của mình hơn nữa nếu không ra đi quá sớm, vì một nghĩa cử cao đẹp. Một buổi sáng năm 1965, võ sư Hồ Cẩm Ngạc khi chứng kiến một tai nạn tại ngã tư Hiền Vương, Bà Huyện Thanh Quan đã quên mình lăn xả cứu sống 2 vị linh mục. Những người ông muốn cứu đều sống sót, nhưng bản thân con người “tài hoa một gánh, võ công nửa hèo” thì lại ra đi mãi mãi.

Một câu chuyện khác, sau ngày thành lập và lập tức gây tiếng vang lớn vào năm 1981, lớp võ cổ truyền của võ sư Hồ Tường cũng phải chịu chung hoàn cảnh khó khăn với dân tộc trong những năm 80. Thời điểm ấy, do tiết kiệm các chi phí sinh hoạt như điện nước, thầy trò võ sư môn phái Tân Khánh Bà Trà tại NVH TN phải luyện võ vào các buổi tối mà không hề có ánh đèn điện. Người trong giới võ thời ấy vẫn thường đùa rằng lớp võ của ông Tường là “võ sĩ mù nghe gió kiếm”. Không hiểu sao, lớp võ mù ấy vẫn cứ thu hút hàng trăm võ sinh đến tập vào mỗi tuần. Không ít người sau ngày “ra trường” đã lập tức lên đường ra biên giới những năm 1984-1985. Một số võ sinh là người nước ngoài lại truyền bá môn võ cổ truyền của Việt Nam sang quê nhà. Tất cả đều nhớ đến lớp võ trong bóng tối thời ấy như một kỷ niệm khó quên.

Được xây dựng bởi những con người tràn đầy nhiệt huyết, những lý tưởng cao đẹp, dễ hiểu tại sau dù không hề đi lên chuyên nghiệp nhưng NVH TN vẫn luôn là một cái nôi của làng thể thao TPHCM. Kế thừa từ phong trào những năm 70, 80, hàng loạt CLB thể thao như bóng đá, bóng rổ, thể hình, thể dục... bắt đầu được thành lập trong thời gian sau này. Đều đặn nơi đây mỗi ngày vẫn quy tụ hàng chục, hàng trăm và đôi lúc là cả ngàn bạn trẻ đến để tập luyện thể thao một cách lành mạnh, đúng như tôn chỉ mà các bậc lão thành trong làng thể thao Việt Nam đã đặt ra thuở ban đầu gầy dựng nơi đây.

Cũng từ đó, một loạt những môn thể thao mới lạ du nhập từ Tây phương như bắn cung, đấu kiếm, hockey... bắt đầu xuất hiện tại NVH TN. Và thế, vai trò tiên phong trong làng thể thao của nơi đây mãi vẫn cứ tồn tại.

Huy Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục