Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam: Đừng lãng phí chỉ vì bệnh thành tích

11:05 Thứ sáu 06/12/2013

Thông tin “Thể thao Việt Nam lên đường dự SEA Games 27 - 700 triệu đồng đổi… 1 HCV” đăng tải mấy ngày gần đây nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh (phải, ảnh) xung quanh sân chơi khu vực này

Thưa ông, SEA Games đã thoát khỏi hai từ “ao làng” chưa?

Từ khi có SEAP Games và đổi thành SEA Games như bây giờ, bản chất của đại hội thể thao trong khu vực Đông Nam Á là tăng cường quan hệ, hiểu biết lẫn nhau thông qua hoạt động thể thao, đồng thời đánh giá trình độ các VĐV trong khu vực hướng đến những mục tiêu tầm Châu Á và thế giới. Đó là điểm tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đã có một hiện tượng là chạy đua về thành tích bằng mọi giá, ít nhất là từ khoảng 10 SEA Games trở lại đây.

ông Nguyễn Hồng Minh (phải)

Đây chính là điểm mấu chốt kìm hãm sự phát triển của thể thao trong khu vực. Ở một sân chơi tầm cỡ quốc tế, nhưng hầu hết các nước chấp nhận một điều luật thi đấu có nhiều kẽ hở, thiếu chuẩn mực đã tạo ra tiền lệ xấu. Đó là các quốc gia đăng cai tìm mọi cách giành phần hơn về phía mình và đẩy khó khăn cho các nước khác bằng cách chọn những môn họ có thể mạnh, hoặc những môn mang tính cổ truyền. Đã từng có những cuộc họp tranh cãi xem VN có nhất thiết phải chạy theo thành tích bằng cách đưa các môn mới và lạ vào chỉ để dự SEA Games hay không...

SEA Games 26 tại Indonesia đã từng đưa vào môn… đánh bài mà cánh báo chí cứ đùa là “đội tuyển cờ bạc”. Tại SEA Games tới đây, là những môn lạ lẫm như kempo, thậm chí, cả hockey trên cỏ hay môn chinlone mà chủ nhà đã đoạt HCV…

Chúng ta nên tham gia những môn mới nếu thấy nó có tác động đến phong trào. Còn không, đừng chạy theo thành tích. Đó không chỉ là sự đầu tư dàn trải, mà còn làm lãng phí ngân sách. Hãy coi SEA Games như một bàn đạp và ta có thể tham gia với những môn có trong chương trình ASIAD, Olympic. Còn nếu đó là môn thế mạnh của bạn, nhưng xa lạ với VN hoặc chúng ta không có điều kiện phát triển thì thôi. Nhiều vị lãnh đạo chẳng quan tâm đến chất lượng của tấm huy chương ấy có vươn ra tầm khu vực được hay không đâu! Cứ thấy số lượng nhiều là sướng, để báo cáo thành tích cho oai.

Cái này thì nhiều lắm, từ trung ương tới địa phương. Song cũng phải công bằng mà nói, ở những môn cơ bản, những môn Olympic, thể thao VN cũng đã có những thành công nếu lấy thước đo SEA Games. Chẳng hạn như trước đây phải chật vật mới có tấm HCV của Bích Hường năm 1995, thì sau này hàng loạt gương mặt như Thanh Hằng, Vũ Thị Hương... đã có huy chương châu lục.

Hay môn bơi phải đến năm 2001 mới có HCB của Xuân Hiền, thì bây giờ chúng ta có thể mạnh dạn đặt chỉ tiêu 2 - 3 chiếc. Nói tóm lại, thể thao VN tham dự SEA Games không cần lệ thuộc vào chủ nhà có môn gì mà nên chọn hướng đi để thể thao VN phát triển đúng quy luật và lành mạnh.

Xin cảm ơn ông
Thành An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục