Ngôi sao đấu giải làng

14:02 Thứ sáu 06/06/2014

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên buộc phải bỏ dở chuyến tu nghiệp ở Mỹ chuẩn bị cho mục tiêu tìm kiếm HCV tại Asian Games 2014, để trở về thi đấu giải bơi lội vô địch các lứa tuổi Đông Nam Á sắp khởi tranh. Đây là sân chơi mà ở lần tham dự trước, Ánh Viên lập kỷ lục khi giành đến 12 HCV và phá 8 kỷ lục lứa tuổi khu vực.

Theo đánh giá của đa số nhà chuyên môn, việc gọi nữ kình ngư này về tập trung đội tuyển quốc gia dự giải vô địch Đông Nam Á 2014 ở Singapore, nhằm tranh vé dự Giải vô địch thế giới 2015 thì hợp lý. Mức độ quan trọng của giải Đông Nam Á là có, tuy nhiên việc yêu cầu Ánh Viên đấu thêm giải vô địch các lứa tuổi thì khá khiên cưỡng. Trên thực tế, ai cũng biết đẳng cấp của Ánh Viên đã vượt khỏi lứa tuổi của mình, không có VĐV cùng tuổi nào tranh chấp nổi thành tích với nữ kình ngư này. Ánh Viên là “của để dành” cho những đấu trường lớn như Asian Games, Olympic thì nhất thiết lộ trình đầu tư cho cô phải rõ ràng, có chiều sâu.

Vì giải vô địch Đông Nam Á sẽ tranh vé dự giải VĐTG 2015, thành ra Ánh Viên góp mặt là điều hợp lý, nhưng ép cô phải đấu giải cấp thấp hơn, mức độ cạnh tranh không cao, khác nào để lộ ra căn bệnh thành tích của người làm bơi lội nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Đây là điều mà xưa nay những nhà làm thể thao vẫn thường lẫn lộn. Tức là, ngay cả khi các VĐV được chọn lựa phục vụ cuộc chinh phục lớn tầm châu lục, thế giới thì họ vẫn cứ phải nai lưng ra để đấu những giải chuyên môn thấp, “vô thưởng, vô phạt”, lấy HCV còn dễ hơn lấy đồ trong túi, không học hỏi được bất cứ điều gì giúp nâng cao trình độ chuyên môn và trui rèn bản lĩnh thi đấu.

Người ta chưa nhận thấy thể thao Việt Nam có sự rạch ròi trong hoạch định nguồn nhân lực: VĐV ở trình độ nào thì dự SEA Games, giải mở rộng; còn đối tượng VĐV nào thì phục vụ Asian Games, Olympic...

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục