Nga đối phó nạn phân biệt chủng tộc tại World Cup ra sao?

21:24 Thứ bảy 12/12/2015

Nước Nga hứa tạo ra kỳ World Cup 2018 tốt đẹp. Tuy nhiên, nạn phân biệt chủng tộc đang gây trở ngại cho những nhà tổ chức giải.

Ở Nga, giả tiếng khỉ hướng vào những cầu thủ da màu, hay chào kiểu Đức quốc xã của người hâm mộ quá khích luôn là vấn đề nhức nhối trong các trận đấu bóng đá tại quốc gia này. Những nhà tổ chức World Cup 2018 đang nỗ lực tìm hướng giải quyết nạn phân biệt chủng tộc trước khi giải đấu diễn ra.

Quan điểm trái chiều về phân biệt chủng tộc ở Nga

Công việc chống phân biệt chủng tộc trong nền bóng đá Nga rất phức tạp. Muốn biết nhiệm vụ này khó khăn thế nào hãy lắng nghe cuộc phỏng vấn của Alexei Tolkachev, người được chỉ định giải quyết các vấn đề phân biệt chủng tộc tại World Cup 2018. Ông Tolkachev đưa ra quan điểm rất mâu thuẫn.

“Chúng tôi đánh giá đây là vấn đề rất nghiêm trọng,” ông Tolkachev chia sẻ. Nhưng chỉ sau vài phút, ông lại khẳng định: “Chúng tôi không xem đó là vấn đề nghiêm trọng.”

CĐV Spartak Moscow đốt lửa và pháo sáng và mang cờ Đức quốc xã tới sân trong một trận đấu của CLB. Ảnh: Internet.

Một một ví dụ khác về quan điểm trái chiều. Alexei Smertin, cựu tuyển thủ Nga từng làm đại sứ cho cuộc vận động bỏ phiếu bầu chủ nhà World Cup 2018, đã bác bỏ những lo ngại về phân biệt chủng tộc. Ông nói trên BBC: “Không có vấn nạn phân biệt chủng tộc xảy ra tại Nga vì nó không tồn tại.” Tuy nhiên, một tờ báo Anh từng đưa tin hồi tháng 7 lại gợi ý tuyển Anh nên tẩy chay World Cup 2018 nếu tình hình phân biệt đối xử ở Nga không được cải thiện.

Trong các cuộc phỏng vấn, phần lớn cầu thủ, người hâm mộ hay quan chức bóng đá ở Nga đều thừa nhận có vấn đề trong làng bóng đá Nga. Họ cho rằng những cầu thủ khách da màu thường xuyên bị chế giễu, ngay cả khi đó là cầu thủ nổi tiếng như Hulk (ngôi sao người Brazil đang khoác áo Zenit). Điều đó chứng tỏ một bộ phận người hâm mộ bóng đá Nga vẫn chưa chấp nhận sự hiện diện của các cầu thủ da màu ở nước này.

Hè vừa qua, Liên đoàn bóng đá Nga (RFU) còn có quyết định gây tranh cãi khi treo giò cầu thủ người Ghana, Emmanuel Frimpong (của CLB Ufa) vì hành vi khiêu khích người hâm mộ. Trong khi Frimpong chính là nạn nhân trong vụ phân biệt chủng tộc nhưng lại bị phạt. Bởi vậy, vấn đề thể chế trong bóng đá Nga cũng đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Thêm một ví dụ khác rõ hơn về vấn nạn phân biệt chủng tộc ở Nga. Các nhà phê bình nhắc lại chuyện năm 2012. Khi đó, một trong những nhóm fan lớn nhất của Zenit kêu gọi đội bóng không ký hợp đồng với những cầu thủ da màu (họ xem sự vắng mặt của cầu thủ da màu luôn có trong truyền thống ở Zenit) và những cầu thủ đồng tính (không xứng đáng có mặt ở những thành phố lớn như Zenit).

Mức độ phân biệt chủng tộc ở Nga đã giảm?

Một báo cáo cho thấy các vụ phân biệt đối xử tăng lên 99 vụ so với cùng kỳ cách đây hai năm, nhưng các trường hợp này phần lớn “ít hung hăng hơn” so với quá khứ. Natalia Yudina, thành viên của Trung tâm SOVA (một tổ chức có trụ sở tại Moscow chuyên nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc), cho biết các hành vi phân biệt chủng tộc có thuyên giảm so với chế độ Liên Xô cũ, nhưng sự tiến bộ đó vẫn quá chậm.

“Trước đây những kẻ phân biệt đối xử thường dùng dao để tấn công, thậm chí giết những người da màu. Tuy nhiên, bây giờ mọi chuyện đã giảm xuống. Giờ chúng phần lớn dùng cờ, áo sơ mi và các biểu ngữ để phản đối. Đây là điều gì đó tạm ổn. Nhưng rõ ràng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước,” bà Yudina trả lời phỏng vấn.

Khi còn khoác áo Anzhi, cựu danh thủ Roberto Carlos (thứ 2 từ trái sang) từng bị CĐV phân biệt chủng tộc bằng việc ném chuối xuống sân. Ảnh: Internet.

Theo Alexey Sorokin, người đứng đầu ban tổ chức World Cup 2018 khẳng định Chính phủ Nga sẽ tăng cường giám sát đối với những người hâm mộ quá khích, hay còn gọi là ultras để mang lại một giải đấu an toàn và thoải mái nhất tới mọi người.

Yevgeny Selemenev, người hâm mộ trung thành của Spartak Moscow và từng là cựu thành viên của nhóm ultras nổi tiếng nhất của CLB, cho biết hành vi phân biệt chủng tộc đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Theo Selemenev, vẫn còn những cửa hàng trực tuyến bán áo quần áo mang biểu tượng Đức quốc xã. Tuy nhiên, số người mua đã giảm. Các banner gắn khẩu hiệu phân biệt chủng tộc cũng ít đi.

Selemenev cho biết thêm, người hâm mộ giả tiếng khỉ giờ chỉ là hành vi bắt chước thời xưa. Nói rõ hơn, những cổ động viên trẻ tuổi có các hành vi phân biệt chủng tộc khi dự khán vì họ quá quen với những gì mà các bậc cha chú họ từng làm trước đây.

“Tôi giả tiếng khỉ để châm chọc người da màu lúc 15 hay 20 tuổi. Đây cũng là tuổi trung bình của người hâm mộ tới sân trong những trận đấu ngày nay. Tôi cho rằng họ chỉ làm làm theo những gì họ nhớ, bắt chước những người đi trước. Thực tế, họ chẳng để ý nhiều đến ý nghĩa của nó,” ông Selemenev chia sẻ.

Selemenev dẫn chứng, một số cổ động viên ngày nay giả tiếng khỉ để phân biệt chủng tộc với cầu thủ, nhưng sau trận đấu họ lại cố gắng tìm cách chụp ảnh với những cầu thủ đó.

Giải pháp nào cho phân biệt chủng tộc ở Nga?

Ông Selemenev kêu gọi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cần mạnh tay với những CLB để xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc ở Nga giống các quốc gia khác. Selemenev lấy dẫn chứng, ba câu lạc bộ Ba Lan bị phạt nặng sau khi UEFA nhận được phản ánh từ Fare (đại diện tổ chức chống phân biệt đối xử trong làng thể thao châu Âu) từ tháng 7/2013 đến tháng 5/2014. Thời điểm đó, một số câu lạc bộ ở Croatia, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Hungary, Romania và Bulgaria cũng bị phạt nặng.

Năm 2014, CSKA Moscow từng phải thi đấu dưới các khán đài trống vì để xảy ra hành tình trạng CĐV phân biệt chủng tộc. Ảnh: Internet.

“Mọi người đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra tại World Cup diễn ra trên đất Nga. Tuy nhiên, tôi cho rằng giải đấu sẽ diễn ra thành công và không có vấn đề gì xảy ra. Tất nhiên, nếu một nhóm người hâm mộ Ba Lan, Đức, Ukraine và Nga ở gần nhau, có thể xung đột xảy ra,” ông Selemenev nói.

Nhìn chung, rất khó để dự đoán những gì sẽ xảy ra trong ba năm tới. Bà Yudina và nhiều người khác đang cố gắng kêu gọi tăng cường giáo dục đối với người hâm mộ trẻ tuổi ở Nga, như là một cách để vượt qua những rào cản văn hóa nơi đây. Trong khi ông Tolkachev cũng đồng ý với việc tập trung thay đổi suy nghĩ của người hâm mộ trẻ tuổi.

Tuy nhiên, khi được hỏi văn phòng của mình có ban hành chương trình giáo dục cho cầu thủ, huấn luyện viên và người hâm mộ, ông Tolkachev lại từ chối tiết lộ và cho rằng đây không phải là vấn đề mang tính hệ thống. “Chúng tôi dĩ nhiên rất quan tâm và sẽ cố gắng giải quyết vấn nạn phân biệt đối xử. Nhưng ta không nên làm nghiêm trọng hóa mọi vấn đề.” Tolkachev cho biết.

Tiểu Minh | 20:00 12/12/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục