Lăng kính: Khi Đức Vua mỉm cười

07:50 Thứ ba 28/02/2012

Kenny Dalglish đã chấm lên mép “phi tần” Liverpool một cái nốt ruồi duyên rất nhỏ. Nhưng nốt ruồi duyên ấy có thể sẽ khiến “Đức Vua” John W.Henry hài lòng, tha hồ mà có thêm lụa là gấm vóc phủ đầy thân.

1. Hôm qua, các CĐV Newcastle đã tổ chức một đám tang quanh sân nhà của họ. Họ rước một cái quan tài sơn sọc đen-trắng tượng trưng cho “thi hài” của sân St.James Park, cái tên đã bị tỷ phú Mike Ashley khai tử để thay bằng tên công ty “Sports Direct” của ông. Đến cuối “đám tang”, có cả một vị cha xứ đọc lời nguyện.

Đám tang ấy là để phản đối ông chủ Mike Ashley. Những CĐV tin rằng truyền thống trăm năm của Newcastle đã chết cùng với cái tên St.James Park. “Sân bóng đẹp đẽ này, với truyền thống, những cầu thủ và trận đấu huyền thoại của nó, không thể bị làm nhơ bẩn bởi sự thương mại hóa nhố nhăng” – hội CĐV của họ viết trong thông cáo.


Đó chỉ là chi tiết mới nhất của cuộc chiến truyền kỳ giữa ông chủ và CĐV của bóng đá Anh. Suốt hơn một thập kỷ qua, bóng đá Anh đã trải qua một bước lùi vĩ đại về hình thái: từ mô hình dân chủ đi xuống thành mô hình phong kiến. CLB được cai trị bởi một vị vua duy nhất - chủ sở hữu.

Nói là mô hình phong kiến là còn nhẹ, bởi thấp thoáng có cả những đặc điểm của thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Việc ông chủ đổ nợ của mình lên CLB, đem tài sản CLB đi thế chấp, coi đội bóng như con la thồ hàng bây giờ là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhưng đã là phong kiến, đã được quyết định hoàn toàn bởi sự tùy hứng của ông chủ, thì đôi lúc cũng có những lợi ích không ngờ: “Vua” mà vui thì… thích gì cũng chiều.

2. Quay trở lại với Liverpool và chức vô địch Carling Cup của họ. Carling Cup không phải là danh hiệu quá cao quý, giải thưởng không lớn, và cách họ nhọc nhằn vượt qua đội bóng hạng dưới Cardiff để vô địch thì cũng không lấy gì làm hào sảng cho lắm. Nhưng giá trị của danh hiệu ấy là thuyết phục được ông chủ John W.Henry rằng, CLB đang thực sự tiến lên.

Hãy phân tích giá trị của Carling Cup qua trường hợp của Tottenham 4 năm trước. Mùa giải 2007/08, Tottenham bội chi 63 triệu bảng trên TTCN, một con số đáng sợ với Premier League thời kỳ ấy. Đến cuối mùa, số tiền khổng lồ ấy vẫn không đem về cho họ suất dự Champions League (thứ đã khiến Martin Jol bị sa thải), thế nhưng lại có Carling Cup: HLV Juande Ramos “toàn mạng” nhờ đã đem về cho Spurs danh hiệu đầu tiên kể từ năm 1999, danh hiệu đầu tiên dưới thời ông chủ Joe Lewis.

Mùa Hè năm 2008, Joe Lewis tiếp tục bơm tiền, và Spurs bội chi thêm 50 triệu bảng, với những tân binh sáng giá Modric, Gomes, Pavlyuchenko và Bentley.

Ai dám bảo rằng Carling Cup không có giá trị? Cứ nhìn vào sự hào phóng của Joe Lewis mùa Hè năm 2008 sau chiếc Cúp Carling “cỏn con” thì hiểu ngay được giá trị của “mô hình phong kiến bóng đá”.

3. Sáng qua, giờ Việt Nam, Lễ trao giải Oscar lần thứ 84 diễn ra tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Phim “The Artist” thắng lớn với 5 giải. Trong phim ấy, có một chi tiết rất hay: siêu sao phim câm George Valentin đã thay đổi sự nghiệp của cô diễn viên học việc Peppy Miller chỉ bằng việc dùng bút kẻ mắt chấm một cái nốt ruồi duyên lên mép phải. Thế là từ nhan sắc nhạt nhòa thành cá tính, từ diễn viên quần chúng thành ngôi sao.

Kenny Dalglish đã chấm lên mép “phi tần” Liverpool một cái nốt ruồi duyên rất nhỏ. Nhưng nốt ruồi duyên ấy có thể sẽ khiến “Đức Vua” John W.Henry hài lòng, tha hồ mà có thêm lụa là gấm vóc phủ đầy thân. John W.Henry đang thực tin rằng Carling Cup sẽ mở ra một tương lai mới cho Liverpool. Hoặc ít ra là ông nói với báo chí như thế.
Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục