Lăng kính: Chữ "tiền" đằng sau chức vô địch của Chelsea

19:12 Thứ ba 22/05/2012

Những kẻ thất bại thường dùng chuyện tiền để mỉa mai thành công của người chiến thắng. Nhưng từ khi loài người "đẻ" ra vật trung gian trao đổi ấy, có gì không cần đến nó?

1. Khi Chelsea là vua châu Âu trong đêm Munich đầy cảm xúc, nhiều người đã lấy máy tính ra thống kê, tính toán xem để đến được với chặng đường đó, Abramovich đã mất những gì. Con số cụ thể là 9 năm chờ đợi và gần 2 tỷ bảng đầu tư. Và lập tức, người ta tiếp tục với luận điệu cũ, luận điệu thời 2004/05: “Chelsea đã dùng tiền để mua chức vô địch”.

Đúng! Chelsea đã dùng tiền để mua về những con người mang lại chức vô địch cho mình. Điển hình là Drogba, linh hồn trong những chiến thắng ở FA Cup và ở Champions League của đội bóng thành London. Nhưng Bayern chẳng phải cũng bỏ ra cả núi tiền để mua Robben và Ribery đó sao? 50 triệu euro cho bộ đôi đó đã mang lại gì? Đó chỉ là những pha đá hỏng penalty cực quan trọng của Robben: trước Dortmund, trước Chelsea. Thế mới hiểu, vì sao Chelsea đã bán Robben cho Real khi họ nhiều tham vọng nhất và ngôi sao người Hà Lan còn… sung sức nhất.


2. Nói đến chuyện đầu tư, tất nhiên sẽ có người nói đến chuyện đẳng cấp và bề dày lịch sử, mà dẫn chứng hay được dùng nhất là công tác đào tạo trẻ. Đó là cái cớ để hàng ngàn người vỗ tay tán thưởng cho thất bại của M.U trước Man City khi Sir Alex tuyên bố: “Phải 100 năm nữa, Man City mới đạt đến đẳng cấp của M.U”. Và đó cũng là cái cớ để người ta mỉa mai chiến thắng của Chelsea, thậm chí còn có người miệt thị nó là “không xứng đáng”.

Ít ai để ý đến một cầu thủ chơi khá tốt trong màu áo Chelsea ở trận chung kết là Bertrand. Anh là sản phẩm của lò đào tạo The Blues, nơi Mourinho cũng có công đặt nền tảng. Bertrand lần đầu ra mắt Champions League và lại là lần ra mắt ở trận quan trọng nhất. Nhưng hậu vệ 22 tuổi này vẫn đủ tầm vóc đối đầu những đối thủ mạnh và kinh nghiệm hơn. Hình ảnh đó nói lên điều gì? Đó chính là bản sắc. Đã có một bản sắc đang chớm định hình ở Chelsea: tính chiến đấu, bản lĩnh và tâm lý thép. Và khi một CLB đã có một bản sắc tồn tại thành hệ thống, đừng chê bai họ là kẻ “ăn xổi ở thì” như cách người ta đang nhìn về phía Chelsea.

3. Nhìn lại những CLB vẫn được đem ra làm “gương” cho Chelsea như Barca, M.U, Milan hay Real về cái gọi là tính hệ thống và bề dày lịch sử, người ta sẽ hiểu Chelsea không phải là kẻ vung tiền mua danh hiệu đơn thuần.

Khoảng cách từ chức vô địch châu Âu lần thứ hai tới lần thứ ba của Milan là 20 năm. Khoảng cách từ chức vô địch đầu tiên đến chức vô địch thứ hai của M.U là 31 năm và M.U cũng phải đợi thêm 9 năm mới có chức vô địch châu Âu thứ ba. Còn Barca, họ phải đợi 36 năm mới có chức vô địch đầu tiên và 14 năm sau mới leo lên ngôi lần kế tiếp. Giữa các khoảng cách đợi chờ dài dằng dặc ấy là gì?

Là tiền, tiền và tiền. Milan đã từng thua đội nào thì mua ngay cầu thủ hay nhất của đội đó bằng mọi giá mà Papin, Desailly đã là ví dụ điển hình. M.U cũng vậy thôi, họ rót tiền chuyển nhượng hàng đầu Premiership suốt 20 năm qua chỉ để vươn tới đỉnh cao. Real và Barca có bỏ tiền hay không? Nhiều là đằng khác và không hiểu sao chẳng ai chỉ trích những năm tháng dài tốn tiền của các CLB ấy mà chỉ săm soi 9 năm đầu tư của Abramovich cho Chelsea. Tổng số tiền mà suốt mấy chục năm các ông lớn kia đã rót vào thị trường chuyển nhượng đã khiến gần 2 tỷ bảng trong 9 năm của Abramovich chỉ còn là hạt cát mà thôi…

Chelsea không vô địch nhờ tiền. Họ xứng đáng với nó và đơn giản, vì vận mệnh của họ đã tới…
Hà Quang Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục