Khi Metal Rock tắt lịm đi…

11:31 Thứ tư 21/01/2015

(TinTheThao.com.vn) - Bạn biết thứ được gọi là bóng đá tổng lực chứ? Tất nhiên. Có thể không nhiều người biết nó được khai sinh như thế nào, do ai phát minh nhưng chắc các tín đồ túc cầu giáo ai cũng đã từng được nghe tới nó.

Hiểu một cách đơn giản, trong chiến thuật này các cầu thủ trên sân hoán đổi vị trí liên tục và linh hoạt, một cầu thủ sau khi di chuyển ra khỏi vị trí của anh ta sẽ được thay thế bởi cầu thủ khác. “Total Football” ngày nay có rất nhiều biến thể nhưng vẫn mang trong mình một giá trị cốt lõi: đó là thứ bóng đá tấn công, tấn công bằng mọi thứ có thể mặc dù nghĩa của từ “total” bao gồm cả tấn công và phòng ngự tổng lực.

Nếu phải chọn ra danh sách những đội bóng đang chơi tấn công hay nhất thế giới vài năm qua, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ sót Dortmund. Đó không phải là thứ bóng đá tổng lực “nguyên chất”, người ta gọi nó là Gegenpressing, nhưng mọi cầu thủ trong đội hình của họ đều có thể trở thành một mũi nhọn, hoán chuyển vị trí liên tục. Và ngược lại, các cầu thủ tấn công của họ cũng có thể lùi về rất sâu để tìm bóng.

Juergen Kloop là “kiến trúc sư” của công trình vàng-đen. Ông luôn hướng đội bóng của mình chơi theo kiểu một quả bom hoặc như một ban nhạc Rock Metal – đầy mạnh bạo, say mê và cuốn hút. Chơi bóng cho tới chết, Pressing cho tới chết, tấn công cho tới chết, phản công cho tới chết, làm mọi thứ cho tới chết miễn là mành lưới của đối thủ bị tàn phá te tua. Dortmund xứng đáng được gọi là đội bóng hồn nhiên nhất thế giới, đội bóng có thể sẵn sàng chơi đôi công với những đại gia sừng sỏ như Real hay Bayern.

Đó chắc chắn luôn là một thứ bóng đá đáng được tôn vinh. Nhưng thế giới túc cầu giờ đây đã thay đổi rất nhiều và tất nhiên cái thời mà bóng đá tấn công toàn diện có thể xưng bá đã không còn. Đối thủ của họ không còn chơi với sơ đồ WM “cổ lỗ sỹ”, không còn chơi theo kiểu “kim tự tháp” 4-2-4 đáng được đưa vào bảo tàng và tất nhiên chẳng chơi theo kiểu “cứ dẫn bóng tiếp đi, chuyền là hèn nhát” như các quý ông Ăng lê thưở đầu.

Công việc của các HLV giờ cũng không còn đơn thuần là ngồi nghĩ về những chiến thuật. Bây giờ họ còn một thứ trách nhiệm nặng nề hơn là mua bán cầu thủ - các hoạt động trên thị trường chuyển nhượng quyết định một phần rất lớn đẳng cấp của đội bóng.

“Total Football” đã được sinh ra sau đó chết đi. Trước khi chết nó để lại cho cuộc đời nhiều hậu duệ. Liệu giờ đây trong những năm tháng không còn tươi đẹp và hồn nhiên như ngày trước, hậu duệ của triết lý ấy, Dortmund sẽ gục ngã và chết đi?

Đội bóng của Kloop suy sụp với nguyên do từ đâu? Rất nhiều người đã chỉ ra. Đó là cơn bão chấn thương khiến các cầu thủ thi nhau ghé thăm bệnh viện như thể đi trảy hội. Bạn có thể nắm một đội bóng khi thì hỏng cánh trái, khi thì thủng cánh phải, khi ổn cả hai cánh thì vỡ nát ở trung tâm?

Đó là việc các tân binh không thể hòa nhập, đó là các sai lầm cá nhân, đó là việc quyền uy của ông lớn bị đánh mất… Còn rất nhiều thứ nữa mà nếu có thời gian, môt chuyên gia phân tích có thể kể ra dài như một bài sớ.

Nhưng có một nguyên nhân bạn chẳng cần phải là một chuyên gia mà vẫn có thể nhận ra khi nhìn vào đội bóng ấy: tiền. Juergen Klopp là một HLV giỏi, thậm chí rất giỏi – đấy là điều chẳng ai phải bàn cãi. Nhưng ông vẫn phải tư duy như một HLV trong thập kỷ 50. Ông chỉ có thể kiếm tìm thành công bằng các phương pháp huấn luyện, bằng chiến lược và chiến thuật.

Ông không thể tư duy theo kiểu của những HLV thế kỷ 21. Vị thế của CLB không cho phép ông tư duy như thế vì đội bóng ấy chỉ thoát ra khỏi cảnh phá sản cách đây chưa lâu. Kloop hiểu rõ điều đó bởi khi ông đến đây, Dortmund không khác gì “mảnh đất trống”, thiếu thốn và bi đát tới mức phải cắt giảm cả thực đơn lẫn chi phí trang trí khán phòng trong các cuộc họp toàn thể, mức chi phí cho mỗi người dự cuộc họp chỉ là 3 Euro cho một chiếc bánh mì kẹp xúc xích và 1 chai nước suối.

Ở thời đại này bóng đá không chỉ có chiến thuât. Khi mà sau mỗi chiến thắng, người ta không chỉ nói về sơ đồ ra sao, các bố trí nhân sự trên sân như thế nào, mà còn nói về cả tài khoản ngân hàng, các hợp đồng, các vụ thương lượng. Klopp cũng nghĩ về những điều đó nhưng sau suy nghĩ ấy là cái nhăn trán khi đội bóng của ông không phải ở vai của những nhà thương lượng mua người mà sắm vai của kẻ bị bòn rút hút máu.

Nếu ví Dortmund như một ban nhạc rock thì họ đã từng mất tay guitar bass Lewandowski, từng mất tay trống Gotze, từng mất tay ca sỹ hát chính Kagawa sau đó chiêu mộ lại được về nhưng giọng đã khản đặc. Mùa hè tới có thể họ sẽ mất nốt tay keyboard Reus do không thể kháng cự được với danh vọng và tiền bạc.

Các CĐV Dortmund chỉ còn biết tới nhà thờ mỗi dịp cuối tuần và hy vọng Chúa sẽ cứu vớt họ khỏi cảnh xuống hạng. Với vị trí gần bét bảng thì chỉ dám nghĩ thế thôi chứ chẳng thể mơ cao về 1 vị trí trong top 4 hay… ngôi vô địch.

Rất đáng tiếc nếu Dortmund không thể tiếp tục vươn lên. Nhưng bây giờ là một thời đại khác, thời đại mà người ta chẳng biết làm gì hơn ngoài cầu nguyện cho thứ metal rock khảng khái và mạnh mẽ ấy không tắt lịm đi.

Đức Nguyễn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục